Sởn gai ốc thạch dừa Bến Tre nấu bằng phân bón và nước sông, rạch

19/05/2012 20:47
Theo Tuổi Trẻ
Cứ một mẻ nấu ông cân 6kg phân NPK và phân SA, gần nửa kg phân DP và 7kg đường đen. Ông Phương giải thích hồn nhiên: “Phân DP là để cho thạch dừa tăng độ cô đặc lại. Còn SA và NPK sẽ giúp miếng thạch dừa dày lên”
Cứ một mẻ nấu ông cân 6kg phân NPK và phân SA, gần nửa kg phân DP và 7kg đường đen. Ông Phương giải thích hồn nhiên: “Phân DP là để cho thạch dừa tăng độ cô đặc lại. Còn SA và NPK sẽ giúp miếng thạch dừa dày lên”

Sau hơn một tuần làm công nhân tại nhiều cơ sở chế biến thạch dừa ở TP Bến Tre, Bến Tre, chúng tôi đã chứng kiến “công nghệ” sản xuất thạch dừa thô bằng nguồn nước sông, rạch. “Phụ gia” nấu thạch là các loại phân bón dùng cho cây trồng như NPK, SA, DAP...
Thạch dừa nổi lõm bõm trong nước sông đục ngầu - Ảnh: Chính Thành
Thạch dừa nổi lõm bõm trong nước sông đục ngầu - Ảnh: Chính Thành
Nghe chúng tôi có nhu cầu xin việc làm, bà Năm - chủ cơ sở làm thạch ngụ phường Phú Khương, TP Bến Tre, ngó trân trân cảnh giác: “Mấy chú đã mần thạch bao giờ chưa? Chưa mần khi nào thì kiếm nơi khác đi, chỗ tui không nhận người lạ”.

Chúng tôi liên hệ một cò tên Hoàng, hành nghề xe ôm ở cổng bến xe Bến Tre, đồng ý dẫn mối tới một cơ sở sản xuất thạch dừa thô kế bến phà Hàm Luông. Theo lời cò Hoàng, đây là khu sản xuất thạch dừa thô lớn nhất nhì Bến Tre nhưng không quen biết thì rất khó xin vào làm vì các chủ ở đây luôn cảnh giác với người xin việc ở ngoại tỉnh.
Dù được cò Hoàng giới thiệu nhưng phải năn nỉ ỉ ôi chúng tôi mới được bà Bảy Chí, chủ cơ sở làm thạch dừa công đoạn 2 ở ấp Bình Công, xã Bình Phú, Bến Tre, chấp thuận vào làm.

Làm thạch từ nước sông, rạch

Mới 6h ngày 14/4, khu xưởng rộng gần 400m2 nằm mép bờ sông Bến Tre của bà Bảy đã vang rền tiếng máy nhịp lạch xạch. Kế hai bước chân, bốn chiếc môtơ rửa thạch mốc đen quay ù ù. Tuy mới đầu sáng nhưng khắp xưởng đã xộc lên mùi hôi thối của đống thạch ép để quá hai ngày nằm chất thành đống. Gần đó, ở khu cắt thạch, một nhóm 15 công nhân tất bật đưa thạch vào xắt.
Giẫm đạp cho thạch dừa thô tơi ra - Ảnh: Hữu Khoa
Giẫm đạp cho thạch dừa thô tơi ra - Ảnh: Hữu Khoa
Phía trên hai công nhân nam mau mắn xúc thạch vào bao lưới. Chốc chốc lại lấy chân trần giẫm lên mớ thạch vương vãi khắp nền gạch rồi lùa vào một góc. Quang cảnh khu xưởng nhìn nhếch nhác như bãi chiến trường với mùi thạch thối, thạch tươi rơi vãi khắp nơi.

Ấn tượng hơn cả nơi ngâm thạch là một bồn căng bạt hình vuông rộng 50m2. Trong bồn lõm bõm nước đục ngầu và có mùi tanh nồng. Khi chúng tôi thắc mắc, một công nhân tên Huy đang bơm nước vào bồn nói huỵch toẹt: “Toàn là nước sông chứ nước máy nào mà chịu cho xiết. Ở đây cơ sở nào mà không mần vậy”. Ông Huy giải thích thêm để có thêm lợi nhuận, nhiều nơi còn lấy nước sông, thậm chí là nước kênh rạch để nấu thạch.
Theo chúng tôi quan sát, các công đoạn ngâm thạch, xắt thạch của cơ sở đều phải dùng một lượng nước lớn để bơm rửa. Khối lượng nước rửa thạch và ngâm thạch một ngày lên đến hàng trăm mét khối nước. Để có đủ nguồn nước, bà Bảy đặt hai môtơ công suất lớn cạnh bờ sông Bến Tre, sau đó hút nước sông lên một thùng nhựa 2.000 lít. Một môtơ nữa hút trực tiếp nước sông không qua bồn chứa. Trong cả công đoạn dài ngâm xắt thạch, cơ sở hoàn toàn dùng nguồn nước sông để sử dụng.
Anh Toại đang pha chế “phụ gia” cho vào nồi nấu thạch - Ảnh: Chính Thành
Anh Toại đang pha chế “phụ gia” cho vào nồi nấu thạch - Ảnh: Chính Thành
Tương tự cơ sở của bà Bảy Chí, tại cơ sở chế biến thạch dừa A Lộc, ấp Mỹ An B, xã Mỹ Thạnh An chuyên mua thạch công đoạn 1 về chế biến thành thạch khô cũng vô cùng nhếch nhác. Nguồn nước của cơ sở sử dụng ngâm, rửa thạch cũng hoàn toàn hút từ sông Bến Tre lên. Cẩn thận hơn, đường ống của cơ sở A Lộc được chôn ngầm dưới đất nối từ xưởng tới bờ sông dài gần 200m. Một công nhân cho biết chiếc môtơ hút nước loại lớn luôn phải hoạt động hết công suất mới đủ hút nước lên rửa thạch.
Ba ngày làm ở xưởng A Lộc, chúng tôi quan sát hầu hết thạch đều có mùi thối nồng nặc rất khó chịu, có túi thạch đã chuyển sang màu đen. Một vài xô nhựa đựng thạch cũ có màu xám trắng bị ruồi nhặng bu đen đã bốc mùi chua tới nghẹt mũi. Khi vớt thạch, chúng tôi lấy vài viên thạch trắng, miếng nhỏ giống như thạch dừa thành phẩm, lên định ăn thử. Anh Thương, phụ trách bốc thạch, vội quát lớn: “Ê, không ăn được đâu! Ăn vào là đứt ruột, đi bệnh viện xúc ruột liền à nha. Thuốc tẩy và hóa chất không đó!”.
Công nhân dùng thuốc tẩy (ClO2) để tẩy trắng thạch dừa thô - Ảnh: Hữu Khoa
Công nhân dùng thuốc tẩy (ClO2) để tẩy trắng thạch dừa thô - Ảnh: Hữu Khoa
Những túi thạch dừa tươi từ 60kg ở cơ sở sau khi cắt, ép xong chỉ còn khoảng 3-4kg. Tới khâu đóng gói, hai nữ công nhân hăng hái dùng chân trần đạp liên hồi tới khi thạch tơi ra. Tiếp theo là dùng tay bóp cho thạch thật nhuyễn. Vừa bóp thạch, một công nhân nữ tên Tám vừa quay qua chúng tôi than thở: “Bóp cái này phải mang bao tay, về rửa xà bông hoặc comfort hàng chục lần, không thì tay còn hôi thối ba ngày chưa hết”.
Khi được hỏi dấm và thuốc tẩy dùng để làm gì, bà Tám có vẻ rành rẽ: “Dấm để tẩy trắng và khử mùi thối của thạch. Càng bỏ nhiều thạch sẽ càng đẹp và mất đi cái mùi thối khó chịu. Còn thuốc tẩy, nếu không có nó thì để 1- 2 ngày thạch sẽ đen thui và thối dữ lắm! Có thuốc sẽ bảo quản được thạch 6 tháng không hề gì cả”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thuốc tẩy cơ sở A Lộc sử dụng để bảo quản thạch có xuất xứ từ Trung Quốc. Thuốc có tên khoa học là Chlorine dioxide (ClO2). Đây là loại thuốc tẩy mạnh cấm dùng để chế biến hay bảo quản thực phẩm.

“Phụ gia” là các loại phân bón

Khi tiếp xúc với anh Nhật, một trong những người quản lý xưởng thạch dừa A Lộc lâu năm, anh phán chắc nịch: “Các cơ sở sản xuất thạch dừa ở Bến Tre đều có chung một quy trình sản xuất. Khi nấu họ đều cho các loại phân bón SA, NPK, DP... và hàng chục chất phụ gia khác. Nếu phần trăm nước càng nhiều thì liều lượng phân sẽ phải bỏ nhiều hơn”. Anh cho biết thêm thường thì nước dừa khi nấu chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại là nước sông chiếm 70%.
Công nhân dùng thuốc tẩy (ClO2) để tẩy trắng thạch dừa thô - Ảnh: Hữu Khoa
Công nhân dùng thuốc tẩy (ClO2) để tẩy trắng thạch dừa thô - Ảnh: Hữu Khoa
Tại cơ sở nấu thạch của ông Nguyễn Văn Phương, tổ nhân dân tự quản số 9, ấp Thuận An A, xã Mỹ Thạch An, Bến Tre, chúng tôi đã chứng kiến quy trình nấu thạch sởn gai ốc ở đây. Cơ sở có 7 người làm, gồm cả hai vợ chồng ông Phương. Với hơn 5.000 khay thạch, công suất mỗi lần xuất cũng ngót nghét 6 - 7 tấn thạch tươi giai đoạn một. Để nấu thạch luân phiên, ông Phương mua hàng ngàn lít nước dừa khô chất đống ở góc xưởng. Những chiếc can 30 lít cáu bẩn đựng đầy nước dừa pha giấm đã lên men mùi thum thủm.
Đến màn pha chế phụ gia, ông Phương chỉ đạo toàn bộ công nhân đi múc thạch. Một mình ông “đạo diễn” khâu nấu nướng. Sau khi lửa từ lò nấu đượm hồng, ông cho xả đầy nước vào chiếc bồn nấu hơn 800 lít. Nước bồn nấu chớm sôi, ông tới đống phân chất các loại phân SA, NPK, DP, đường đen hí hoáy cân từng loại cho vào xô nhựa nhỏ.
Cứ một mẻ nấu như vậy ông cân 6kg phân NPK và phân SA, gần nửa kg phân DP và 7kg đường đen. Ông Phương giải thích hồn nhiên: “Phân DP là để cho thạch dừa tăng độ cô đặc lại. Còn SA và NPK sẽ giúp miếng thạch dừa dày lên”. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ái ngại, ông Phương cười trấn an: “Mấy loại phân này cho phép bỏ mà, đâu có sao!”.
Nước dừa lên men dùng để nấu thạch dừa - Ảnh: Chính Thành
Nước dừa lên men dùng để nấu thạch dừa - Ảnh: Chính Thành
Theo quan sát của chúng tôi, đến ngày nấu thạch ông thường nấu 7 - 8 mẻ một đợt. Cứ mỗi mẻ nấu ông Phương cho 11 can nước dừa vào nồi. Số nước còn lại ông hút trực tiếp từ con rạch ngoài xưởng đổ vào với tỉ lệ 40% nước dừa - 60% nước rạch. Ngoài đường nhìn vào thấy khá rõ con rạch ông dùng để lấy nước nối với nhiều nhánh rạch nhỏ chạy khắp tổ nhân dân tự quản 07- 09, ấp Thuận An A.
Những ngày tiếp theo, tiếp xúc nhiều cơ sở nấu thạch khác, chúng tôi ghi nhận công thức “phụ gia” đặc biệt này đều được áp dụng cho hầu hết các cơ sở ở đây. Chiều 16/4, tại cơ sở của bà Út Tan ở tổ 3, ấp 2A, xã Nhơn Thạnh, chúng tôi chứng kiến công đoạn nấu tương tự xưởng nấu của ông Phương.
Tại cơ sở này, anh Toại là công nhân được tin tưởng giao nấu thạch đang hì hục làm một mình. Bên cạnh Toại là đống phân SA, NPK, đường đen chất thành đống cạnh lò nấu. Tới lúc pha chế, không cần cân đong rườm rà, anh Toại chỉ cần lấy những bọc phân to tướng đã được ông chủ để sẵn trong bọc nilông pha chút nước rồi đổ thẳng vào nồi nấu đang sôi ục ục. Trong chốc lát, từ nồi nấu bốc hơi nước mạnh phả vào mắt mũi chúng tôi cay xè.

Nghiêm cấm sử dụng phân bón trong thực phẩm

Sử dụng nguồn nước sông không qua xử lý tại cơ sở chế biến là vi phạm các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm (QCVN 01:2009/BYT).

Phân bón nói chung và các loại phân như SA, NPK, DP là thức ăn của cây trồng, nên việc đưa phân bón vào chế biến thực phẩm vì bất cứ mục đích gì cũng là việc làm trái phép.

Các chất phụ gia, các kim loại nặng trong phân đều có thể là chất độc đối với cơ thể con người một khi vượt quá ngưỡng cho phép, không đào thải được, tích lũy trong cơ thể gây ra các bệnh lý cấp tính, mãn tính hay ung thư.

Riêng chlorine dioxide (ClO2) không có trong danh mục các chất phụ gia được phép dùng trong thực phẩm theo Quyết định 3742/2001/QĐ-BYT. Vì vậy việc sử dụng chúng trực tiếp trong chế biến, xử lý thực phẩm là trái phép. Theo cảnh báo của Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa kỳ (FDA) thì người tiêu dùng nếu ăn phải thức ăn có chứa chất tẩy trắng công nghiệp này, tùy theo liều lượng có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, bao gồm buồn nôn, mất nước và tiêu chảy nghiêm trọng.

ThS BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai - phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM

Người làm thạch đã nhầm lẫn nghiêm trọng!

TS Nguyễn Thị Minh Nguyệt, trưởng bộ môn công nghệ sinh học - Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu thuộc Bộ Công thương, khẳng định: Nông dân đã nhầm lẫn các chất pha chế “phụ gia” khi nấu thạch một cách nghiêm trọng. Chất sunphat amôn (SA) và chất diAmonphotphat (DAP) cho phép sử dụng trong khi nấu thạch không phải là phân bón cho cây trồng như nông dân lầm tưởng.

Hai loại phụ gia SA, DAP (người dân gọi là phân DP - PV) là hai loại chất dinh dưỡng  vi sinh bổ sung cho quá trình lên men vi khuẩn phát triển trong môi trường hình thành thạch dừa. Chúng có nồng độ tinh khiết (99%) hoàn toàn khác với hai loại phân SA và DAP ngoài thị trường.

Việc người làm thạch mua phân bón SA, DAP, NPK về làm chất phụ gia là hoàn toàn không có trong quy trình chế biến thạch. Trong nước dừa cũng có các chất đạm, lân, kali nhưng chúng có nguồn gốc thiên nhiên, giàu protein. Còn các chất hữu cơ đạm, lân, kali trong phân làm phụ gia khi làm thạch có nguồn gốc hóa học. Mục đích sử dụng cho cây trồng.

TS Minh Nguyệt cho biết thêm trong quy trình nấu thạch, nước dừa chiếm gần 100%, còn lại là các chất phụ gia như đường cát, chất dinh dưỡng SA, DAP... Không được bỏ nước vào khi nấu thạch vì nước dừa tuy là chất dinh dưỡng nhưng rất loãng. Nếu pha thêm nước sẽ không đủ để lên men thành thạch.

Theo Tuổi Trẻ