Mã số 66

Người cha già nửa thế kỷ chăm 3 con tật nguyền

30/06/2012 06:00
Văn Định
(GDVN) - Gia đình Ông Trương Bá Vinh (80 tuổi) trú tại xóm 3, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa có hoàn cảnh vô cùng bất hạnh.
Trong căn nhà cấp bốn tuyềnh toàng, mái tóc bạc đã phủ kín đầu người cha già ấy những lo toan vất vả chưa một ngày khiến ông được nghỉ ngơi, kể từ khi người vợ bệnh tật qua đời để lại ông cùng với 3 người con “có lớn mà không có khôn”, nửa thế kỷ trôi qua số kiếp của ông Trương Bá Vinh ở Triệu Sơn, Thanh Hóa đang phải từng bữa lo cho những đứa con tật nguyền.

Nhìn con có lớn mà không có khôn, người cha già càng thêm chua xót.
Nhìn con có lớn mà không có khôn, người cha già càng thêm chua xót.


Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, giàu lòng yêu nước lớn lên Trương Bá Vinh không trực tiếp vào chiến trường mà làm công nhân xí nghiệp quân giới khu 4 (tỉnh Thanh Hóa) chuyên đúc lựu đạn, mìn phục vụ cho quân ngũ, sau nhiều năm làm ở đây, ông chuyển sang làm cho ngành giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa, rồi lập gia đình cùng bà Lê Thị Mơn.

Cuộc đời đôi vợ chồng trẻ khi ấy sẽ rất hạnh phúc như bao gia đình khác nếu không có những nỗi đau quá lớn khi sinh được 6 người con thì mất 3 đứa mang trong mình bệnh tật mà không loại thuốc nào chữa khỏi được. Căn bệnh tâm thần đã lần lượt gieo họa vào Trương Bá Mai (SN 1962), Trương Thị Tuyên (SN 1967) và Trương Bá Huấn ( 1972).

Nỗi đau quá lớn khi liền một lúc 3 người con bị bệnh, người cha như ngã quỵ và trầm cảm vì cuộc đời quá nghiệt ngã. Các con lớn lên cứ ú ớ chẳng biết gì. Lo chạy chữa cho con khắp các bệnh viện lớn nhỏ, nghe ai mách thầy nào cao tay có thể chữa được ông bà đều đưa con đến chữa mong sao các con bệnh tình thuyên giảm được phần nào nhưng càng chữa bệnh tình càng nặng hơn.

“Sinh ra, Mai, Tuyên, Huấn đã sớm bộc lộ những điều không bình thường, lớn mà không biết nói, không kiểm soạt được hành động, cứ ngu ngơ thường xuyên đau ốm. Vợ chồng tôi khi ấy cứ lấy bệnh viện làm nhà, đều đặn cả tháng đưa các con đi viện, mong sao chữa lành bệnh cho các con nhưng cực chẳng đã bệnh tật của các con không tiến triển một chút nào mà ngày một xấu đi, các bác sĩ cũng đã tận tình chạy chữa nhưng cuối cùng cũng phải lắc đầu vì bệnh này không có phương thuốc nào chữa được.” ông Vinh chua xót kể.

Con cái bệnh tật không người chăm lo, mọi công việc khi ấy ông tưởng mình không thể cáng đáng nổi, rồi bà Mơn (vợ ông) cũng đã động viên chồng cố vực dậy vì còn vợ, còn con bên cạnh.

Ông kể, con cái lớn nhưng đầu óc chẳng biết gì, Trương Bá Mai thì suốt ngày lang thang theo trẻ chăn trâu đến tối mịt ông, bà phải đi tìm.

“Có hôm, tối không thấy con, hai vợ chồng tá hỏa đi tìm khắp nơi nhưng không thấy, chạy ra cánh đồng thì thấy con đang ngồi ngoài đó vì không biết đường về”. Người cha già buồn bã kể.

Người con gái tên là Trương Thị Tuyên năm nay đã ngoài tứ tuần nhưng cứ ngu ngơ, ai bảo gì nghe nấy, nhiều khi lên cơn tâm thần là xé nát hết quần áo.

Còn người con trai út là Trương Bá Huấn thì cứ lẩm bẩm cả ngày, suốt ngày lang thang khắp các làng trên, xóm dưới.

Vì chăm con bệnh tật, lại chạy lo từng bữa nên bà Mơn (vợ ông) cũng kiệt quệ và ốm nằm liệt giường từ đó ông phải cáng đáng hết tất cả mọi chuyện trong gia đình. Rồi người vợ già cũng đã không chiến thắng nổi bệnh của tuổi già, qua đời để ông và các con điên dại trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ. Người cha già ấy một mình tiếp tục cáng đáng hết tất cả mọi việc lớn nhỏ trong gia đình và phải chạy lo từng bữa cho con.

Bà Minh, người hàng xóm nhà ông Vinh kể: “Tôi chưa bao giờ thấy ai khổ như gia đình ông ấy, con cái tật nguyền, ú ớ chẳng biết gì, ở tuổi già như ông đáng ra còn có con cái xum vầy đằng này cứ lủi thủi làm một mình, bà con xung quanh ai cũng thương cảm”.

Giờ đây, khi đã ở tuổi ngoài 80 nhưng ông Trương Bá Vinh chưa một ngày được thảnh thơi, số kiếp của ông cứ lăn vòng theo những bể khổ của cuộc đời. Ba người con đầu đi làm ăn xa và đã lập gia đình nhưng vì cuộc sống vất vả, khó khăn nên họa chăng mỗi năm được 1 lần về thăm cha.

Còn ba người con bệnh tật giờ đây đã luống tuổi nhưng chẳng biết gì, những hôm trái gió trở trời là các con ông lại lên cơn đau dữ dội, cứ lăn khắp nhà, la hét ầm ĩ.

Giấy tờ thương tật của các con ông.
Giấy tờ thương tật của các con ông.


“Nhiều khi cũng muốn tìm cho các con một mái ấm gia đình riêng nhưng chỉ sợ con cái nhà người ta khổ nên đành thôi”.
Người cha già phân trần.

Cả gia đình, bốn miệng ăn giờ đây trông chờ vào số đồng lương ít ỏi của ông và tiền trợ cấp bệnh tật của các con mỗi tháng được 270 nghìn, số tiền ấy cũng chẳng thấm vào đâu khi bệnh tật đang hằng ngày đeo bám vào gia đình ấy.

Ông Hứa Đình Nam, chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho biết: “Gia đình ông Vinh có hoàn cảnh bất hạnh nhất xã, tuổi già, sức yếu nhưng vẫn phải chăm sóc con tật nguyền, xã cũng đã có những chính sách hỗ trợ, thăm hỏi động viên vì xã cũng đang thuộc diện khó khăn nên chỉ được phần nào”.



Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Ông Trương Bá Vinh, trú tại xóm 3, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Số điện thoại: 0373547758


2. Hoặc gửi về Quỹ Tấm Lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

3. Qua Ngân hàng:

- Tên Tài khoản: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu
Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn



Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip


Văn Định