BBC: 1/3 thuốc chống sốt rét đang lưu hành toàn cầu là giả

23/05/2012 07:15
Nguyễn Hường (nguồn BBC)
(GDVN) - Những loại thuốc giả và kém chất lượng này đang gây ra hiện tượng kháng thuốc và khiến quá trình điều trị thất bại.
Một phần ba số thuốc chống sốt rét đang được sử dụng trên khắp thế giới để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này là giả - BBC trích dẫn dữ liệu nghiên cứu mới cho biết ngày 22/5.

Tại Thái Lan và Việt Nam đã lây lan một chủng sốt rét kháng thuốc
Tại Thái Lan và Việt Nam đã lây lan một chủng sốt rét kháng thuốc

Lời cảnh tỉnh trên được các chuyên gia công bố trên tạp chí The Lancet sau khi các nhà nghiên cứu tiến hành kiểm nghiệm 1.500 mẫu thuộc 7 loại thuốc chống sốt rét đang lưu hành tại 7 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Dữ liệu thu thập được từ 2.500 mẫu thuốc lấy từ 21 quốc gia châu Phi cận Sahara cũng cho kết quả tương tự. 

Trong tháng 4/2012, Tổ Chức Y tế thế giới (WHO) cũng đưa ra thông cáo cho biết Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Miến Điện là các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trước việc phát hiện tâm chấn kháng thuốc sốt rét đang gia tăng trong khu vực này.
Những loại thuốc giả và kém chất lượng này đang gây ra hiện tượng kháng thuốc và khiến quá trình điều trị thất bại.
Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Quốc tế Fogarty tại Viện Y tế quốc gia Mỹ, những người đã tiến hành các nghiên cứu trên, tin rằng trên thực tế vấn đề này còn có thể nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì mà kết quả nghiên cứu đã phản ánh.
"Có thể đa số các trường hợp được phát hiện không được báo cáo lại hoặc có nhưng các công ty dược phẩm đã giữ bí mật về chúng" - các nhà nghiên cứu cho biết. 
Chu trình lây bệnh sốt rét (ảnh minh hoạ)
Chu trình lây bệnh sốt rét (ảnh minh hoạ)

Ngoài ra, không có một chương trình nghiên cứu chất lượng thuốc lớn nào được thực hiện ở Trung Quốc hay Ấn Độ - hai quốc gia chiếm 1/3 dân số thế giới và có thể là "nguồn gốc" của nhiều loại thuốc giả cũng như nhiều loại thuốc điều trị sốt rét thật.
Trưởng nhóm nghiên cứu Gaurvika Nayyar nhấn mạnh, hiện thế giới có khoảng 3,3 tỷ người có nguy cơ mắc bệnh sốt rét, được phân vào loại nguy cơ cao, ở 106 quốc gia.
"Khoảng 655.000 đến 1,2 triệu người chết mỗi năm vì nhiễm Plasmodium falciparum" - ông nói thêm.
Tại nhiều khu vực trên thế giới, nơi bệnh sốt rét khá phổ biến và thuốc chống sốt rét được phân phát một cách rộng rãi, tự do là những nơi có nhiều khả năng xuất hiện thuốc chống sốt rét giả nhất.
Ngoài ra, các cơ sở vật chất nghèo nàn không đủ tiêu chuẩn để giám sát chất lượng thuốc, người bệnh nghèo và thiếu kiến thức, sự yếu kém trong công tác quản lý sản xuất, các biện pháp trừng phạt không mạnh tay cũng là nguyên nhân khiến nạn thuốc giả tràn lan.
Mặc dù tỷ lệ tử vong sốt rét đã giảm hơn 25% trên toàn cầu kể từ năm 2000, và 33% trong khu vực châu Phi (theo số liệu của WHO), nhưng tổ chức Y tế Thế giới vẫn đưa ra cảnh báo rằng nếu tiếp tục duy trì sự quản lý thuốc chống sốt rét hiện tại thì mục tiêu toàn cầu về kiểm soát căn bệnh này sẽ không thể đạt được. WHO cũng đã kêu gọi đổi mới trong thử nghiệm, chẩn đoán, điều trị và giám sát bệnh sốt rét.
Nguyễn Hường (nguồn BBC)