Xung quanh đoạn clip quảng cáo Gấu đỏ - gắn kết yêu thương (của Công Ty TNHH Công Nghiệp Thực Phẩm Á Châu) được quảng cáo trên truyền hình VTV và được đăng tải rộng rãi trên mạng Internet đang trở thành tâm điểm trên những diễn đàn mạng xã hội. Với nhiều ý kiến trái chiều, những tranh luận xung quanh vấn đề đạo lý, nhân văn trong truyền thông đại chúng được độc giả chia sẻ.
Để độc giả có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này, PV báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng văn phòng Luật sư Đức Thịnh (Hà Nội). Mời bạn đọc cùng theo dõi:
PV: Theo dõi đoạn clip quảng cáo mì Gấu đỏ, cũng như các poster, banner quảng cáo, trên cơ sở các qui định của pháp luật (luật quảng cáo, luật cạnh tranh), theo luật sư, các quảng cáo này có vi phạm pháp luật không?
![]() |
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, trưởng văn phòng Luật sư Đức Thịnh. |
>> Xem VIDEO Gấu đỏ - ký ức yêu thương đang gây xôn xao cộng đồng mạng
Theo dõi đoạn clip quảng cáo mì Gấu đỏ, cũng như các poster, banner quảng cáo, đối chiếu với các quy định của pháp luật, cụ thể là Điều 2, Điều 5 - Luật quảng cáo, Điều 39, Điều 45 - Luật cạnh tranh, thì hoạt động quảng cáo này không vi phạm các quy định của pháp luật.
PV: Thưa luật sư, dựa trên đoạn clip quảng cáo cũng như nội dung chương trình “Gấu đỏ - gắn kết yêu thương”, theo anh chương trình như vậy đã được gọi là kêu gọi ủng hộ chưa? Và theo qui định hiện tại của pháp luật, thì những tổ chức, đơn vị nào có đủ chức năng theo qui định của pháp luật để kêu gọi ủng hộ?
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Tôi cho rằng bất kể doanh nghiệp nào khi xây dựng các clip quảng cáo cũng đều nhằm thông qua việc tác động vào thị hiếu khán giả theo dõi clip đó mà sản phẩm của họ có thị trường và đối tượng tiêu thụ ở mức độ cao nhất, mang lại lợi nhuận tối ưu nhất.
Đoạn clip quảng cáo cũng như nội dung chương trình “Gấu đỏ - gắn kết yêu thương” theo góc độ đánh giá của cá nhân tôi trước hết là nhằm mục đích quảng bá cho sản phẩm bằng hình thức mà doanh nghiệp cho rằng có thể thu hút nhiều nhất sự quan tâm của khán giả truyền hình còn việc kêu gọi ủng hộ chỉ là một trong những thủ pháp mà doanh nghiệp lựa chọn để mục đích quảng bá sản phẩm: người tiêu dùng vừa mua được sản phẩm họ có nhu cầu sử dụng vừa thể hiện sự từ tâm, chẳng ai tiếc làm việc thiện bao giờ khi họ hoàn toàn có điều kiện, chỉ 3.500đồng thôi mà.
Và với sự “hào phóng” đó của người tiêu dùng thì lượng mì gấu đỏ có thể tiêu thụ trên thị trường sẽ là một con số đáng kể, lợi nhuận tất nhiên thuộc về doanh nghiệp.
Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong việc đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Do vậy, việc doanh nghiệp có kêu gọi ủng hộ thông qua clip quảng cáo này cũng không có gì trái với các quy định pháp luật.
PV: Hình ảnh cậu bé Tuấn trong đoạn clip thực chất là một diễn viên đóng thế, không hề bị ung thư… Vậy trong các qui định của pháp luật mình có qui định về việc cho phép đóng thế như thế này trong các clip quảng cáo truyền hình không?
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Theo điều 2 - Luật quảng cáo quy định: “Tổ chức, cá nhân có quyền trực tiếp quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ của mình hoặc thuê tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện quảng cáo cho mình”.
Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể là khi xây dựng các clip quảng cáo có nhất thiết phải sử dụng những hình ảnh mang tính chất “người thật, việc thật” hay không do vậy ttrong thực tế hầu hết các quảng cáo đều sử dụng những hình ảnh có tính chất minh họa cho công dụng, tác dụng của sản phẩm cần quảng cáo trên cơ sở tuân thủ yêu cầu về tính trung thực liên quan đến chất lượng, mẫu mã, thành phần … của sản phẩm. Vì vậy, trong trường hợp này, việc dùng diễn viên đóng thế cậu bé bị ung thư không bị coi là vi phạm pháp luật về quảng cáo.
Tuy nhiên, xét dưới góc độ đạo đức, với riêng cá nhân tôi thì việc doanh nghiệp dùng “kỹ xảo” là tác động vào lòng trắc ẩn của cộng đồng đối với những em bé bị bệnh hiểm nghèo để từ đó tiêu thụ sản phẩm của mình một cách hiệu quả nhất thì tôi nghĩ là không nên.
Khi người tiêu dùng phát hiện ra việc dùng diễn viên đóng thế để lấy nước mắt và cả tiền của họ nữa thì việc đầu tiên mà họ nghĩ đến là họ đã bị doanh nghiệp “lừa”, lòng trắc ẩn của họ bị lợi dụng và tất nhiên đáp trả sẽ là hiệu ứng ngược lại mà doanh nghiệp mong muốn bởi ai cũng muốn làm từ thiện nhưng không phải duy nhất bằng cách nhờ doanh nghiệp làm trung gian.
![]() |
Clip quảng cáo của mì Gấu đỏ đang tạo ra dư luận xã hội với những ý kiến trái chiều. |
PV: Với các qui định của Gấu đỏ: Muốn được tài trợ từ thiện, các bệnh nhân phải cam kết cho khai thác hình ảnh. Quy định như vậy có đúng luật không?
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Pháp luật không tham gia điều chỉnh cụ thể và chi tiết vấn đề này nhưng xét dưới góc độ đạo đức, khi muốn được tài trợ từ thiện các bệnh nhân phải cam kết cho khai thác hình ảnh thì hoạt động tài trợ ấy không còn ý nghĩa từ thiện nữa rồi. Khi làm việc thiện người ta không đặt ra điều kiện. Nếu có điều kiện thì hoạt động tài trợ này hoàn toàn mang tính chất thương mại.
PV: Trên khía cạnh đạo đức, anh đánh giá thế nào về việc quảng cáo, kinh doanh của doanh nghiệp Gấu đỏ khi dựa trên lòng trắc ẩn của người tiêu dùng để bán hàng?
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Như trên tôi đã nói, với riêng cá nhân tôi thì việc doanh nghiệp dùng “kỹ xảo” là tác động vào lòng trắc ẩn của cộng đồng đối với những em bé bị bệnh hiểm nghèo để từ đó tiêu thụ sản phẩm của mình một cách hiệu quả nhất thì tôi nghĩ là không nên.
Doanh nghiệp nên xây dựng thị trường bằng chất lượng sản phẩm, bằng giá cả cạnh tranh, bằng sự tín nhiệm của người tiêu dùng,… chứ không phải bằng việc lợi dụng nước mắt của họ đối với những cảnh ngộ đáng thương trong xã hội.
Khi người tiêu dùng phát hiện ra việc dùng diễn viên đóng thế để lấy nước mắt và cả tiền của họ nữa thì việc đầu tiên mà họ nghĩ đến là họ đã bị doanh nghiệp “lừa”, lòng trắc ẩn của họ bị lợi dụng và tất nhiên đáp trả sẽ là hiệu ứng ngược lại mà doanh nghiệp mong muốn bởi ai cũng muốn làm từ thiện nhưng không phải duy nhất bằng cách nhờ doanh nghiệp làm trung gian.
PV: Với tư cách là một người tiêu dùng, sau khi xem xong đoạn clip này, ban đầu anh có cảm nhận như thế nào. Sau khi biết được sự thật cậu bé Tuấn trong đoạn clip chỉ là diễn viên đóng thế, cũng như chỉ có 10 đồng được trích ra từ mỗi gói mì Gấu đỏ để giúp các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, thì anh có đánh giá, nhận xét gì. Liệu rằng, ông có mua mì Gấu đỏ sử dụng?
Bạn đọc phát hiện những đoạn Clip quảng cáo có tính chất phản cảm, hoặc không đúng với sự thật xin thông tin về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc liên hệ qua đường dây nóng của báo điện tử Giáo dục Việt Nam: 0938 766 888.