Chị Nghiêm Thị Anh, bác ruột của cháu Quỳnh ngậm ngùi kể lại sự việc. Trưa 12/5, khi đang chuẩn bị bữa trưa thì cháu Quỳnh tập tễnh chạy vào nhà khóc lóc: "Bác ơi, bố cháu đánh đau quá. Bác đưa cháu đi bệnh viện khám rồi cho cháu đến công an, không bố đánh cháu chết mất". Kiểm tra người đứa cháu, chị Anh bàng hoàng khi toàn thân thể cháu gái bầm tím. Hai chân, hai tay cháu Quỳnh sưng nề khiến cháu bước đi một cách khó nhọc. Chị vội đưa cháu Quỳnh đến bệnh viện và trình báo sự việc tới Đồn Công an số 19.
Khi đề nghị cháu Quỳnh vén áo lên để chụp ảnh, chúng tôi cũng thực sự kinh hoàng và rớt nước mắt trước cơ thể sẹo chồng lên sẹo của cháu bé. Dường như vết thương cũ chưa kịp lành thì Quỳnh đã bị bố hành hạ bằng những trận đòn mới.
Gậy gỗ, dây điện, xích sắt là những tang vật mà Đặng Quốc Hoàng đã sử dụng để đánh con gái đã được cơ quan công an thu giữ tại nhà y. Nhìn những dụng cụ mà tên Hoàng sử dụng "dạy" con theo lời khai của y, chúng tôi không khỏi rùng mình. Thế nhưng tên Hoàng tỏ ra khá thản nhiên, không một lời ăn năn hối lỗi. Hắn bảo rằng dùng dây điện đánh con, vì dây điện mềm, chỉ làm rách da con bé chứ không làm nó gãy chân, gãy tay được. Những lời thú tội từ miệng kẻ làm cha ấy khiến chúng tôi bàng hoàng. Hắn kể lại hành vi đánh đập con đơn giản như người ta đánh một con chuột.
Hắn luôn miệng thanh minh rằng hồi ở tù, trong buồng giam có một kẻ bị điên không nghe lời mọi người. Để dạy bảo kẻ điên này thì các phạm nhân khác chỉ có một cách là đánh. "Chỉ đánh nó thì mới bảo được nó". Và đấy là lý do hắn áp dụng để đánh con gái của mình.
Dĩ nhiên chẳng ai tin lời hắn. Bởi trong tù chẳng có phạm nhân nào bị điên như hắn kể. Nếu có thì phạm nhân ấy sẽ được đưa đi điều trị và không có chuyện ở chung buồng giam như vậy.
Gương mặt sáng sủa, mái tóc quăn, ăn nói nhỏ nhẹ. Nhìn vẻ ngoài khá đẹp trai của Hoàng, khó mà ngờ được hắn lại là một kẻ làm cha tàn bạo và bất nhân đến thế. Đôi khi, cái ác vẫn ẩn nấp sau vỏ bọc đẹp đẽ như vậy.
- Vì sao anh đánh cháu Quỳnh?
- Em bảo xuôi thì nó lại làm ngược lại. Nó làm em bực.
- Ví dụ?
- Em bảo nó đi đánh răng thì nó không làm vậy, nó cứ bơ bơ. Đại khái bảo nó làm việc này thì nó làm việc khác. Nó có cái tật đái dầm, xong lại giấu quần đi. Đêm hay phải nhắc nó, nếu quên là nó đái dầm, bực lắm.
- Anh đánh con bằng gì?
- Chị có biết cái dây giắc cắm video không. Em tước cái dây đấy ra đánh nó. Tuy cái dây có lõi đồng nhưng không gây hậu quả như gãy chân, gãy tay.
- Còn sợi xích?
- Để em xích nó vào vì nó rất hay đi. Nó cứ lợi dụng những lúc em ngủ là lẩn đi. Nó nghịch lắm. Nó ra sân tennis, vào phòng mở âm ly, loa đài ầm ĩ. Nó lang thang khắp nơi khắp chốn. Nhà cách siêu thị Metro hơn cây số mà nó cũng mò đến chơi. Lần thứ nhất có một đứa ở gần nhà biết nên đưa nó về UBND xã, báo cho gia đình đến nhận về. Lần thứ hai nó lại đi chơi, lại lên Metro, nửa đêm phải đi tìm. Sểnh ra là nó đi.
- Tại sao anh đánh nhiều nhất vào hai tay của cháu Quỳnh?
- Vì khi em đánh, nó cứ giơ tay ra đỡ nên em càng tức, càng đánh nó nhiều hơn.
- Nếu con bé đỡ đòn thì anh lại đánh nhiều hơn bình thường?
- Đúng rồi. Ví dụ như hôm qua, trong lúc đánh nó không biết làm sao em lại bị ngã, xước cả mặt. Em điên tiết nên lấy thêm gậy gỗ ra đánh nó. Lần này em đánh nó là đau nhất.
- Vì cháu Quỳnh kém phát triển về trí tuệ mới như thế. Anh cũng biết như vậy sao vẫn đánh con?
- Thời gian em thụ án trong trại Thanh Lâm, ở đó có một đứa bị điên, có đánh nó mới bảo được nó. Em bị nhiễm ở đó một phần. Cộng thêm đợt sau tết vừa rồi em chạy xe ôm, đến đoạn Diễn bị chúng nó đánh một trận vỡ hộp sọ nên đầu óc bị ảnh hưởng…
Thực ra trước khi bị bắt lần này, tên Hoàng đã có một quá khứ bất hảo. Năm 2007, hắn từng nhẫn tâm bắt cóc con ruột của anh trai để đòi số tiền chuộc 200 triệu đồng. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc mẹ đẻ của Hoàng đi làm ăn ở nước ngoài về. Nghi ngờ bà mẹ cho anh trai là Đặng Quốc Cảnh ở huyện Đông Anh một món tiền lớn để làm ăn, trong khi Hoàng xin tiền để xây nhà thì không được nên hắn tức tối nghĩ ra kế hoạch bắt cóc cháu Đặng Quốc Thành (16 tuổi), con trai anh Cảnh.
Ngày 15/11/2007, Hoàng sang Đông Anh lừa cháu Thành đón sang nhà hắn chơi. Cháu Thành vô tư đi theo người chú ruột. Không ngờ Hoàng đưa cháu lên Thái Nguyên, thuê phòng ở một nhà nghỉ tại huyện Đại Từ giam lỏng cháu Thành tại đó rồi nhắn tin cho anh Cảnh, yêu cầu phải chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản thì Hoàng mới thả cháu bé ra.
Để gây sức ép cho anh trai, Hoàng dùng thủ đoạn thay đổi nhà nghỉ liên tục và giả vờ nhắn cháu Thành bị sốt cao, tiêu chảy, đề nghị nhắn tin các loại thuốc điều trị. Sau hai ngày tích cực điều tra, truy xét, Công an huyện Đông Anh phối hợp với Phòng CSHS Công an Hà Nội đã bắt giữ Hoàng, giải cứu cháu Thành về với gia đình. Đặng Quốc Hoàng bị Tòa án nhân dân huyện Đông Anh đưa ra xét xử với mức án 48 tháng tù giam.
Đặng Quốc Hoàng khai nhận hành vi phạm tội tại Cơ quan Công an và tang vật hắn dùng để đánh cháu Quỳnh. |
Bị thiểu năng trí tuệ ở dạng nhẹ, cơ thể chậm phát triển nên 10 tuổi nhưng trông bé Quỳnh chỉ nhỏ bằng đứa trẻ lên 5. Trái với lời "tố" của người cha, khi tiếp xúc với Quỳnh, chúng tôi thấy cháu khá ngoan, chào hỏi lễ phép. Trong lúc chờ bác làm việc với Cơ quan Công an, Quỳnh ngồi ngay ngắn trên ghế xem tivi. Được một chú công an cho mượn điện thoại di động chơi, cháu biết mở nhạc ra nghe và chơi các trò chơi điện tử.
Chị Nghiêm Thị Anh kể, nhà chị ở xóm 18 Cổ Nhuế, cách nhà cháu Quỳnh khoảng 300 mét. Thỉnh thoảng Quỳnh chạy sang nhà bác chơi, rất nghe lời bác chứ không hề nghịch ngợm. "Con bé dường như rất biết thân phận của mình. Khi thấy những đứa trẻ con khác mang sách, truyện ra đọc, vì không biết chữ nên nó lảng ra chỗ khác ngồi, mặt buồn thiu. Thỉnh thoảng, nó đi loanh quanh chơi trong xóm" - chị Anh cho biết.
Nhắc đến đứa cháu tội nghiệp, cụ Tống Thị Vỹ, bà ngoại của cháu Quỳnh tức tưởi lau những giọt nước mắt trên gò má nhăn nheo. Đã bước sang tuổi 70, như người khác thì được vui vầy con cháu, nhưng bà cụ vẫn còng lưng với gánh rau ngoài chợ, kiếm thêm vài đồng vừa nuôi cô con gái ở tù, vừa hỗ trợ thêm thức ăn cho hai bố con cháu Quỳnh. Bà cụ bảo con bé tuy thiểu năng trí tuệ nhưng tình cảm lắm. Thỉnh thoảng nó cũng biết nói những câu làm bà rớt nước mắt.
Bà ngoại nhớ mãi lần con bé Quỳnh ôm bà thủ thỉ: "Bà ơi, có khi con phải vào chùa ở bà ạ". Bà ngoại nghẹn ngào trả lời đứa cháu tật nguyền rằng bà còn sống thì làm sao có thể để cháu vào chùa ở được, bà sẽ nuôi cháu cho đến lúc mẹ Thủy về. Lần khác thấy bà lọ mọ giã vừng lạc làm quà đi thăm mẹ, con bé xin bà cho đi cùng. Bà bảo trời thì nắng, xe ôtô thì đông, cháu đi làm gì cho mệt. Con bé xị mặt nói như mếu: "Cháu chỉ cần ôm mẹ một cái thôi".
Kể về gia đình của cô em gái út Nghiêm Thanh Thủy (mẹ cháu Quỳnh), chị Nghiêm Thị Anh không tránh được những tiếng thở dài. Năm 1998, Thủy kết hôn với Đặng Quốc Hoàng. Vợ chồng Thủy sinh được hai cô con gái là cháu Quỳnh và cháu Đặng Thị Anh Thư (6 tuổi). Theo chị Anh thì thời gian đầu, vợ chồng Thủy - Hoàng cũng chăm chỉ làm ăn lắm. Hai vợ chồng cùng làm may, cộng thêm tiền của mẹ Hoàng ở nước ngoài thỉnh thoảng gửi về cho nên cuộc sống cũng tương đối khấm khá. Thế nhưng sau này, sẵn tiền của mẹ Hoàng gửi về, cả hai vợ chồng lười làm dần, rồi sinh ra đổ đốn chơi bời. Kinh tế gia đình cứ sa sút dần. Năm 2007, mẹ của Hoàng về nước, có ý định sẽ sửa sang lại nhà cửa nhưng không dám đưa tiền cho Hoàng, sợ con trai sẽ tiêu hết. Việc sửa nhà chưa làm được thì Hoàng gây ra vụ bắt cóc cháu ruột.
Trong thời gian Hoàng đi tù, Thủy dính vào ma túy. Năm 2009, Thủy bị bắt về tội mua bán trái phép chất ma túy, tòa án xử 8 năm tù, thụ án tại Trại giam Ninh Khánh. Bố mẹ cùng đi tù, gia đình bỗng dưng tan đàn xẻ nghé, hai chị em Quỳnh - Thư mỗi đứa một nơi. Chị Anh nhận nuôi cháu Thư. Còn cháu Quỳnh do nhà nội chăm sóc.
Theo lời chị Anh thì một thời gian sau, nhà nội gửi cháu Quỳnh vào Trung tâm Giáo dục xã hội ở Ba Vì nhưng không báo cho nhà ngoại biết. Thương đứa cháu tật nguyền, nhà ngoại đi tìm khắp nơi mới thấy và quyết định đón cháu Quỳnh về. Cuối năm 2010, Hoàng ra tù. Cháu Quỳnh về nhà ở cùng bố, còn cháu Thư nhỏ hơn nên chị Anh tiếp tục nuôi dưỡng.
Những tưởng khi ra tù, Hoàng có cơ hội chăm sóc con cái để bù đắp thiệt thòi cho con trong thời gian không có bố mẹ. Nhưng trái lại, Hoàng thường xuyên đánh đập cháu Quỳnh rất dã man. Không vừa lòng điều gì là Hoàng lại lôi bé Quỳnh ra đánh. Một lần Hoàng nghe thấy Quỳnh gọi Thư là chị, hắn mắng Quỳnh té tát: "Mày gọi như thế là lộn tông" rồi lấy dây điện ra vụt con đến rách da tóe máu mới thôi. Những người hàng xóm phẫn uất kể rằng, chưa thấy người cha nào lại đánh con tàn bạo như vậy. Nếu có người can thì Hoàng càng đánh bé Quỳnh đau hơn.
Có lần bà ngoại thương cháu quá chạy tới van xin con rể, Hoàng quắc mắt bảo nếu bà còn can nữa thì sẽ đánh bé Quỳnh đến chết. Sợ thằng con rể bất nhẫn làm liều, bà ngoại đành đứng ngoài nuốt nước mắt. Lần khác một cô sinh viên thuê trọ gần đó không chịu được cảnh bé Quỳnh bị bố tra tấn đã liều mạng xông vào ôm ghì lấy bé Quỳnh, lấy thân mình che chở cho cháu. Như con thú điên, tên Hoàng vẫn vung dây điện vụt tới tấp vào người cô sinh viên.
Những lần Hoàng đánh cháu Quỳnh, chính quyền xã và các ban ngành, đoàn thể đều can thiệp, lập biên bản. Hoàng cam kết không đánh con nữa nhưng thực tế thì hắn làm ngược lại. Càng ngày mức độ đánh cháu Quỳnh càng độc ác, dã man hơn. Ngày 16/3/2012, Chủ tịch UBND xã Cổ Nhuế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em đối với Đặng Quốc Hoàng. Bản thân Hoàng sau đó đã làm đơn gửi chính quyền xin không đưa cháu Quỳnh vào Trung tâm Bảo trợ trẻ em và cam kết sẽ không tái phạm việc hành hạ cháu Quỳnh nữa.
Tuy nhiên, theo phản ánh của những người hàng xóm thì gần đây, Hoàng thường xuyên say xỉn và lại tái diễn việc đánh đập cháu Quỳnh. Đỉnh điểm là tối ngày 11-5, Hoàng khóa cửa, khóa cổng rồi dùng dây điện, gậy gỗ đánh cháu Quỳnh ở trong nhà. Bác Chiến, người hàng xóm xót xa kể lại: Tối đó con bé khóc dữ quá, nó hét lên: "Bà ngoại ơi cứu cháu với". Tận trưa hôm sau, tên Hoàng mới mở cửa cho cháu Quỳnh ra ngoài.
Tôi nhớ mãi hình ảnh cô bé Quỳnh tại Cơ quan điều tra Công an huyện Từ Liêm. Sau khi làm việc với Cơ quan Công an, chị Nghiêm Thị Anh đưa bé Quỳnh ra về. Thật lạ lùng là con bé nằng nặc xin được gặp bố nói chuyện. Mặc dù bị đánh đập tàn nhẫn như vậy nhưng khi được gặp bố, con bé sụt sịt khóc, giọng mếu máo: "Bố ơi, con yêu bố lắm!". Rồi con bé cố gắng nén đau, vòng hai cánh tay sưng tấy, tím bầm vì đòn roi, quàng qua cổ bố, ôm rất lâu. Hình như con bé hiểu rằng bố nó sẽ bị một hình phạt rất nặng, nên nó đã tha thứ.
Lời trẻ con ngây thơ nghe mà đắng lòng. Kẻ làm cha ngồi kia, sao nhẫn tâm biến mình thành hổ dữ?