Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo công bố thực trạng, giải pháp về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em và chương trình tháng hành động vì trẻ em năm 2012.
Theo con số thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đến nay, cả nước có hơn 25 triệu trẻ em, chiếm 29% tổng dân số, trong đó có hơn 1,4 triệu em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 1,2 triệu em bị khuyết tật... Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em vẫn diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề bức xúc cho xã hội.
Ngày càng nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục nghiêm trọng và cần được cộng đồng bảo vệ (Ảnh minh họa) |
Nạn bắt cóc trẻ em cũng nhức nhối không kém khi mỗi năm có đến gần 100 trẻ bị bắt cóc để bán sang Trung Quốc tập trung ở các địa bàn như: Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu… Các tỉnh biên giới như An Giang, Tây Ninh, tình trạng trẻ em gái bị dụ dỗ, lừa bán sang Campuchia để đưa vào các ổ mại dâm khá nhiều.
Tình trạng bạo hành trẻ em vẫn còn xảy ra khá phổ biến. Giai đoạn từ 2008-2010, cả nước đã có gần 4.000 vụ bạo lực trẻ em và khoảng 100 trẻ em bị giết. Một số trẻ em bị chính cha mẹ mình, cô giáo hay người thân có hành vi xâm hại, bạo lực.
Bên cạnh đó, bạo lực học đường diễn ra khá nhiều và cũng là vấn đề khiến các bậc phụ huynh cũng như nhà trường phải đau đầu. Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy, từ đầu năm học 2009-2010 đến nay toàn quốc đã xảy ra hơn 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Nhiều vụ có tính chất nguy hiểm, gây thương tích, thậm chí tử vong. Một số vụ nữ sinh tổ chức đánh nhau hội đồng, làm nhục bạn rồi quay clip tung lên mạng, học sinh bỏ học, tụ tập thành băng nhóm sử dụng hung khí gây ra không ít vụ án nghiêm trọng đang là mối lo ngại của toàn xã hội.
Cục trưởng Chăm sóc Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động) Nguyễn Hải Hữu cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là sự phân hóa giàu nghèo. Khó khăn về kinh tế của một số gia đình dẫn đến việc xao nhãng, bỏ mặc trẻ. Đây là điều kiện làm nảy sinh các hành vi ngược đãi, xâm hại tình dục, bạo lực, bóc lột trẻ em hoặc trẻ em vi phạm pháp luật.
Ngoài ra theo ông Hữu, sự biến đổi các giá trị sống, lối sống thực dụng, quá coi trọng giá trị đồng tiền, tác động của phim ảnh bạo lực khiêu dâm, tình trạng ly hôn, ly thân... cũng dẫn đến các sang chấn tâm lý, hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn. Trẻ có nguy cơ cao bị bỏ rơi, đi lang thang kiếm sống, vi phạm pháp luật và bị bạo lực, xâm hại. Các dịch vụ xã hội, đặc biệt là dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng kịp sự thay đổi của xã hội...
Bên cạnh đó, việc thiếu quy định chặt chẽ trong luật, chế tài xử phạt nhiều khi không tương xứng với hành vi bạo lực cần xử lý cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng này.
Pháp luật chưa bắt buộc những người phát hiện, nghi ngờ trẻ em bị bạo lực, xâm hại phải khai báo trừ phi các hành vi đó có yếu tố hình sự cũng như việc bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng hay thủ phạm.
Pháp luật cũng chưa có các quy định về quy trình, trách nhiệm thẩm quyền đánh giá nguy cơ và quản lý trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại cũng như những tiêu chuẩn cụ thể về đánh giá mức độ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em của các hành vi bạo lực, xâm hại để từ đó có kế hoạch và hạn chế tối đa những tổn hại có thể gây ra cho trẻ em.
Bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng bạo hành, xâm hại tình dục... là trách nhiệm của cộng đồng, xã hội. Vì thế, tháng hành động vì trẻ em năm nay nhằm phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em, giúp trẻ em được sống trong môi trường, an toàn lành mạnh để phát triển toàn diện về thể chất lẫn trí tuệ, tinh thần.