BÁO TRUNG QUỐC:

Tân Hoa xã: Nga hoãn chạy thử tàu sân bay Gorshkov do muốn kiếm lời

29/05/2012 07:02
Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã)
(GDVN) - Nga liên tục trì hoãn chạy thử tàu sân bay Gorshkov đang cải tạo cho Ấn Độ, có thể do họ muốn kiếm lời hoặc do ngành đóng tàu suy yếu lớn.
Tàu sân bay Gorshkov
Tàu sân bay Gorshkov

Tân Hoa xã cho biết, từ khi ký hợp đồng vào năm 2004 đến nay, quá trình cải tạo tàu sân bay Gorshkov có nhiều thay đổi bất ngờ.

Trải qua 8 năm cải tạo, dự định ngày 25 tháng này sẽ chạy thử lần đầu tiên, nhưng ngày 24/5, Nga cho biết, do vấn đề thời tiết, kế hoạch chạy thử sẽ lùi đến đầu tháng 6/2012.

Tại sao Nga luôn trì hoãn bàn giao chiếc tàu sân bay này? Tàu sân bay Gorshkov thực sự có sức chiến đấu thế nào?

Theo hãng RIA Novosti, tàu sân bay Gorshkov vốn có kế hoạch chạy thử lần đầu tiên trên biển Trắng (White Sea) và biển Barents vào ngày 25/5/2012, nhưng do vùng biển này xuất hiện khả năng thời tiết xấu (bão), vì vậy công tác chạy thử buộc phải lùi tới đầu tháng 6/2012.

Đối với vấn đề này, Hải quân Ấn Độ cho rằng: “Lùi thời gian chạy thử, đây không phải là lần đầu”. Được biết, tháng 9/2011, Hải quân Ấn Độ đạt được thỏa thuận với nhà máy đóng tàu Nga, sẽ lùi việc chạy thử lần đầu tiên (vốn có kế hoạch vào tháng 11/2011) tới tháng 3/2012, sau đó lại lùi tới tháng 5/2012.

Năm 2008, Hải quân Nga thông báo cho Ấn Độ, cần bổ sung thêm khoảng 100 triệu USD chi phí cải tạo và 700 triệu USD chi phí mua máy bay (trang bị cho tàu sân bay); đến cuối năm 2009 chi phí cải tạo lại tăng lên 2,3 tỷ USD, hơn nữa còn trì hoãn đến năm 2012 Ấn Độ mới có thể được bàn giao tàu sân bay này.

Điều mà Ấn Độ không thể tránh khỏi sau khi có được tàu sân bay là phải mua thiết bị đồng bộ và sự hỗ trợ công nghệ từ Nga.

Dư luận bên ngoài dự đoán, tiền mà Ấn Độ chi cho chiếc tàu sân bay này rất có thể lên tới hơn 4 tỷ USD, đã gần bằng 1 nửa chi phí chế tạo tàu sân bay cỡ lớn lớp Nimitz của Mỹ.

Tại sao tàu sân bay Gorshkov tặng không hoàn lại cho Ấn Độ lại liên tục đẩy lùi thời gian bàn giao? Chi phí cải tạo liên tục tăng lên.

Tổng biên tập “Tạp chí Quân sự Thế giới” Trung Quốc là Trần Hổ cho rằng, mặc dù không loại trừ khả năng Nga muốn kiếm lời từ đó, nhưng sự việc này cũng phản ánh sự suy yếu lớn của ngành đóng tàu Nga.

Theo chuyên gia Trần Hổ, sau khi Liên Xô tan rã, nhà máy chế tạo tàu sân bay duy nhất lúc đó đã nằm trong tay của Ukraine, nhà máy Gorshkov cỡ lớn hiện nay trên thực tế là nhà máy chế tạo tàu ngầm chiến lược trước đây, vì vậy về kỹ thuật và công nghệ, đều có rất nhiều vấn đề.

Cộng thêm thời gian hoạt động trước đây của tàu Gorshkov tuy không dài lắm, nhưng do ở trong tình hình không được sửa chữa nhiều năm, tình hình xấu đi của tàu sân bay này vượt xa dự đoán ban đầu của phía Nga.

Cho nên đã kéo dài thời gian sửa chữa lại, chi phí đang tăng lên, đương nhiên không loại trừ việc Nga có ý đồ muốn có được lợi ích lớn hơn.

Đứng trước sự liên tục trì hoãn của Nga, Ấn Độ rõ ràng mất kiên nhẫn. Năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Antony nhấn mạnh, Ấn Độ phải nhận được tàu sân bay này từ Nga vào tháng 12/2012.

Dư luận bên ngoài dự đoán, tàu sân bay rất có thể được bàn giao cho Ấn Độ nhân ngày thành lập Hải quân nước này ngày 4/12/2012.

Về sức chiến đấu của tàu sân bay Gorshkov, giáo sư Trần Hồng, Học viện Chỉ huy Không quân Trung Quốc cho rằng, tàu sân bay Đô đốc Gorshkov thực ra đã là tàu sân bay nghỉ hưu của Nga, nhưng sau này nếu trang bị thêm những máy bay chiến đấu có sức chiến đấu tương đối mạnh, có thể cất/hạ cánh cự ly ngắn hoặc cất/hạ cánh kiểu nhảy cầu như máy bay MiG-29, thì tàu sân bay này sẽ có sức mạnh răn đe nhất định.

Nhưng, vũ khí trang bị của Ấn Độ từ sớm chủ yếu là mua của Nga, sau này có một thời gian lại chuyển sang mua của nhiều nước trên thế giới như của Mỹ, Pháp, Anh.

Do đó, các dòng vũ khí có sự lệch pha nhất định. Sau khi tàu sân bay Gorshkov được cải tạo xong, có thực sự sử dụng đồng bộ được các dòng vũ khí này hay không vẫn là một câu hỏi.

Theo Trần Hổ, hai năm qua, Nga cũng bắt đầu mua một số trang bị tiên tiến cỡ lớn của Âu-Mỹ. Nhưng, nguồn trang bị chính của Quân đội Ấn Độ trong tương lai vẫn chủ yếu là trang bị của Nga, còn quan hệ Nga-Ấn tuy có chút trắc trở, nhưng về phương diện nghiên cứu chế tạo chung trang bị tiên tiến, Nga-Ấn là một trong những cặp quốc gia có mức độ hợp tác tương đối cao không nhiều trên thế giới.

Hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa Nga và Ấn Độ cũng có rất nhiều vấn đề, nhưng những vấn đề này phần nhiều là về thương mại, tức là Nga ngày càng thể hiện là họ có đặc điểm là như một người làm ăn buôn bán.

Tàu sân bay Đô đốc Gorshkov chuẩn bị chạy thử.
Tàu sân bay Đô đốc Gorshkov chuẩn bị chạy thử.
Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã)