Những vườn vải thiều ở Lục Ngạn – thủ phủ vải của tỉnh Bắc Giang và cả nước – chưa chín rộ nhưng thương lái Trung Quốc thì đã tấp nập ở huyện này.
>> Đầu vụ, vải Lục Ngạn rớt giá kỷ lục: 2.000 đồng/kg
Hàng đẹp xuất sang Trung Quốc
Từ cuối tháng 6/2011, thương lái Trung Quốc đã có mặt tại Lục Ngạn để thuê kho bãi và bắt đầu thu mua vải thiều dù phải đến trung tuần tháng 7 vải thiều tại đây mới chín rộ.
Bắt đầu từ phố Sàn (xã Phương Sơn) qua phố Kim (xã Phượng Sơn) về trung tâm huyện lỵ Lục Ngạn, con đường dài chừng mươi cây số đã có hơn 40 điểm thu mua vải của cả thương nhân người Việt lẫn người Trung Quốc. Riêng tại phố Kim, chúng tôi đếm được gần chục điểm thu mua do thương lái Trung Quốc đứng ra trực tiếp chọn hàng, cân hàng.
Trong vai thương lái từ Hà Nội về mua vải chở vào miền Nam, chúng tôi tấp vào nhà ông bà Thẩm – Mai tại phố Kim để hỏi thuê trên khoảng sân rộng chừng 50m2 làm điểm tập kết vải. Bà Mai ra giá 150.000 đồng/tấn/ngày, một ngày có thể tập kết nhiều nhất 15 tấn vải. Bà Mai cho biết giá như vậy là “mềm” và chỉ tính cho người Việt; nếu cho thương lái Trung Quốc thuê, sẽ không có giá dưới 250.000 đồng/tấn/ngày. Thấy chúng tôi lưỡng lự, bà Mai nói ngắn gọn: “Cứ đến những nhà đang cho người Trung Quốc thuê bãi mà tham khảo!”.
Thương lái Trung Quốc đang đóng vải tươi để chở về Trung Quốc. |
Đúng như lời bà Mai, điểm thu mua ngay trung tâm phố Kim, được ông Hiến, 40 tuổi, thương lái người Trung Quốc thuê với giá 250.000 đồng/tấn/ngày. Ông Hiến cho biết, ông cùng hai đồng sự có mặt ở Lục Ngạn được ba ngày nay, đã thu gom được hơn 40 tấn vải và chuyến container thứ ba chở 15 tấn vải đang nằm ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chờ thông quan để về Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) tiêu thụ.
Nếu những điểm thu mua vải để chở vào Nam hay về Hà Nội tiêu thụ của thương lái người Việt thường phải thuê người đứng hẳn ra đường tìm những sọt vải đẹp của nông dân chở ngang qua để kéo vào cân thì tại các điểm thu mua của thương lái người Trung Quốc, như của ông Hiến, không cần chèo kéo mà vẫn đông người chờ cân vải, lại nhiều hàng đẹp.
Ông Hoàng Văn Bính ở xã Phượng Sơn vừa cân xong 1,2 tạ vải tại điểm thu mua của ông Hiến với giá 13.000 đồng/kg cho hay, người trồng vải đều biết những điểm thu mua của thương lái Trung Quốc do người này chỉ bảo người kia rằng “ở đó cân mau, được giá”. Ông Bính nói: “Thương lái Trung Quốc trả giá cao gấp đôi so với giá của thương lái Việt Nam đưa ra. Tất nhiên họ cũng đòi vải phải chín đều, to, tỷ lệ cuống thấp. Nếu có vải đẹp, to, đều mang đến là được cân ngay, ít khi bị trả lại hay mặc cả lên xuống”.
Ông Lê Xuân Thủy ở xã Giáp Sơn cho biết sản lượng vải cả vụ của nhà ông là 4,3 tấn, song chỉ có 1,8 tấn vải đẹp là bán được cho thương lái Trung Quốc với giá từ 13.000 – 15.000 đồng/kg. Hơn 2,5 tấn còn lại là vải sớm, chỉ bán được cho thương lái chở vào Nam với giá trung bình 5.000 đồng/kg. Nhà bà Nguyễn Thị Bảy xã Tân Quang cũng tương tự khi chỉ chọn được hai trong số năm tấn vải của mình bán cho thương lái Trung Quốc với giá có hôm lên đến 16.000 đồng/kg.
Chỉ hơn hai giờ đồng hồ từ lúc bắt đầu mở cửa thu mua, hầu hết các điểm thu mua của người Trung Quốc đều ngừng mua bán vì đã gom đủ cho một xe container (khoảng 15 tấn) trong ngày, trong khi các điểm của thương lái người Việt gần đó vẫn tiếp tục mặc cả, ép giá những sọt hàng của người bán đến muộn.
Chở sọt vải hơn một tạ đi qua ba điểm thu mua của thương lái Trung Quốc nhưng đều bị từ chối vì “đã mua đủ rồi”, anh Hạng (xã Hồng Giang) cho hay các lái buôn người Việt chỉ trả 6.000 đồng/kg cho mớ vải của mình. Anh Hạng cho biết: “Cũng vải như thế này hôm qua tôi bán được 12.000 đồng/kg. Giá 6.000 đồng/kg chỉ đủ cho tôi trả tiền thuê người hái vải. Công hái đã 120.000 đồng/ngày, chưa tính tiền nuôi ăn”.
A Thâm, 24 tuổi, người Trung Quốc lần đầu sang tận Lục Ngạn gom hàng cho biết, năm ngoái ba người nhà A Thâm chia nhau gom vải của lái buôn người Việt tại các cửa khẩu Tân Thanh và Lào Cai. Giọng lơ lớ tiếng Việt, A Thâm nói năm nay ông quyết định về tận Lục Ngạn để mua vải và vải ở đây đẹp hơn, dễ mua, lại thấp hơn hai giá. Do vậy, ông quyết định sẽ mua đủ số 50 tấn vải tươi. Số vải này đều được đóng gói để vào thùng xốp và chở về bán cho siêu thị tại các thành phố của tỉnh Vân Nam.
Lần mò tìm thêm đầu ra cho trái vải
Theo ông Hoàng Minh Phương, phó trưởng phòng kinh tế hạ tầng huyện Lục Ngạn, năm nay huyện được mùa vải thiều, khoảng 90.000 tấn, cao gấp rưỡi năm ngoái. Khoảng 60% lượng vải này xuất sang Trung Quốc, chủ yếu theo đường chính ngạch. Và để giúp nông dân tiêu thụ vải kịp thời, được giá, tỉnh đã có chủ trương cho phép thương lái Trung Quốc trực tiếp thu mua hàng tại địa phương.
Ông cho biết: “Thương nhân Trung Quốc mua vải tại chỗ với số lượng lớn, giá ổn định chứ không ép giá, làm khó nông dân. Hơn nữa, theo quy định mới của Trung Quốc là tỷ lệ cuống của trái vải nhập theo đường chính ngạch không quá 8% nên thương nhân Trung Quốc muốn được chọn hàng, kiểm tra hàng ngay tại gốc trước khi đóng thùng nhập về”.
Trong hoàn cảnh phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, ngoài việc cho phép thương nhân Trung Quốc vào thu mua vải trực tiếp tại Lục Ngạn, một số biện pháp khác như ưu tiên cho xe chở vải được làm thủ tục trước và thông quan cùng lúc 20 xe chở vải tại cửa khẩu vào tháng thu hoạch rộ cũng được tiến hành.
“Ít ra, những giải pháp đó cũng giúp người dân tiêu thụ được hàng trước mắt, tránh được cảnh “được mùa mất giá” như từng xảy ra nhiều năm qua”, ông Phương nói. Theo ông Phương, hiện có vài ba chục thương nhân Trung Quốc đang trực tiếp thu mua vải tại Lục Ngạn.
Ông Phương cũng thừa nhận đầu ra cho vải thiều Lục Ngạn hiện còn rất khó khăn. Ngày 29.6 vừa qua, UBND huyện đã mời tổng công ty Chế biến rau củ quả của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về gặp gỡ nông dân trồng vải trong huyện. Tại hội nghị, công ty cho biết năm nay sẽ mua khoảng 15.000 tấn vải phục vụ chế biến xuất khẩu với mức giá không quá 8.000 đồng/kg; trên mức này, doanh nghiệp không đạt được hiệu quả. Vị đại diện này phân tích: giá thu mua trái vải cho công nghiệp chế biến không thể so sánh với giá do thương lái Trung Quốc đưa ra cho loại vải ngon, mẫu mã đẹp.
Trước đó, ngày 26.6, UBND huyện Lục Ngạn cũng đã hỗ trợ kinh phí cho hiệp hội Trồng và tiêu thụ vải thiều thực hiện chương trình đưa trái vải vào các siêu thị Big C, Tràng Tiền tại Hà Nội, song, theo ông Phương, sản lượng tiêu thụ của nguồn này không đáng kể.
Theo Sài Gòn tiếp thị