Bởi đây là lúc các học sinh trung học và học sinh phổ thông chuẩn bị thi tốt nghiệp, còn sinh viên đại học lại bước vào thời gian nước rút ôn thi cuối kỳ. Các cửa hàng photo chưa bao giờ nhộn nhịp, tấp nập khách như thời điểm này. Khách mua giáo trình, in bài tập, tiểu luận… nhưng sôi nổi nhất vẫn là lùng tìm “phao” mới nhất của năm.
“Phao” vào phòng - không phập phồng lo trượt
Xung quanh một số cổng trường: Đại học Mỏ địa chất, Học viện Tài chính, Đại học Sư phạm, Đại học Ngoại ngữ, Đại học quốc gia,… phao thi được bày bán la liệt. Sáp lại một quán photo gần Học viện Tài chính, một nhóm sinh viên đang đứng chọn “phao”. Các chủ hàng không phải ra sức chèo kéo, quảng cáo mà quán vẫn đông khách.
Phao thi là những quyển giáo trình, những tập đề cương làm sẵn được photo thu nhỏ, chỉ bằng 1/8 trang A4, đựng trong những hộp carton, có quán đựng trong một cái túi bóng. Giá phao phụ thuộc vào độ dày mỏng của từng quyển, dao động từ 4.000 đồng – 25.000 đồng.
Phao thi được bán tràn lan tại các hiệu photo (Ảnh: Minh Phương) |
Các quán photo “ăn” nhau ở sự độc quyền trong việc thu thập phao mới. Vì vậy, có những bộ phao mới tinh chỉ kịp photo lại từ bản viết tay của sinh viên nào đó, cũng có những quyển cũ đã bong tróc một số trang giấy. “Phao” Quốc phòng giá 4.000 đồng/quyển là rẻ nhất, giáo trình Kinh tế chính trị bản mới (theo như lời giới thiệu của chủ hàng – PV) là 22.000 đồng/quyển, Xác suất thống kê 10.000 đồng/quyển, Nguyên lý kế toán 20.000 đồng/quyển, đề cương Nguyên lý kế toán 15.000 đồng/quyển, giáo trình Hành chính sự nghiệp 9.000 đồng/quyển...
Trong vai người đi mua phao, tôi hỏi chủ cửa hàng: “Anh ơi không còn phao ruột mèo à? Phao này to và dày dễ bị phát hiện”. Anh chủ cười trấn an: “Phao ruột mèo bé quá, không rõ chữ. Cái đó bây giờ hiếm lắm, không có đâu”.
Nguyễn Thùy L. (sinh viên năm 3, khoa Kế toán, Học viện Tài chính) đang mải mê chọn cho mình một bộ phao ưng ý. Cô bạn chỉ cách chọn phao: “Nên chọn mua những quyển đề cương hoặc giải toán của môn Kế toán, giáo trình mình đã có rồi nên đừng mua”. Trong trường hợp câu hỏi thi không có trong đề cương thì coi như “số nhọ”, L bảo: “Thường những câu hỏi thi có trong đề cương hết. Hãn hữu lắm có một câu ngoài đề cương thì coi như bỏ. Nhưng nếu quay được thì khả năng qua môn vẫn cao”.
Phao thi được “giá”
Cầm trên tay xấp phao có giá 72.000 đồng, Trần Thanh Ph. (sinh viên thi liên thông, khoa Kế toán) khiến một số người “tròn mắt” vì độ "chịu chi" của mình. Ph giải thích: “Vì bọn mình thi liên thông, phải mua cả giáo trình của trường (Học viện Tài chính – PV) để học nên mới nhiều thế này. Đằng nào cũng để ôn thi nên mình mua giáo trình chứ không mua từng tập đề cương riêng lẻ”.
Một số bạn sinh viên học tập chăm chỉ cho rằng, nếu quá phụ thuộc vào phao, có khi còn làm sai vì chép sai chỗ. Học là cả một quá trình rèn luyện và ôn tập. Nếu không học, không đọc sách thì dù đi thi có được giở tài liệu cũng không biết chỗ mà mở, có tìm được đúng chỗ cần chép thì cũng đã mất hơn nửa thời gian làm bài.
Nói về nạn quay cóp trong khi thi, cô Nguyễn Phương Lan (giáo viên Địa lý, trường THPT Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội) chia sẻ: “Một số sinh viên thời nay chưa xác định và hiểu được tầm quan trọng của kiến thức đối với công việc sau này. Họ cứ nghĩ rằng chỉ cần làm tốt bài tập thực hành là ổn mà bỏ qua phần lý thuyết. Trong khi phải nắm vững lý thuyết, phương pháp lý luận thì mới linh hoạt trong việc giải quyết các tình huống thực tiễn mà cuộc sống, công việc sau này sẽ đặt ra. Dùng phao thi, đó chỉ là kiến thức giả, không phải của bản thân. Theo cá nhân tôi, phao thi chỉ là một thứ giấy lộn đắt tiền mà bạn chỉ dùng một lần”.
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”:
Cunglambao@giaoduc.net.vn
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Minh Phương, Báo in k29a2