Tổng thống Nga Putin thăm TQ xây dựng "liên minh chiến lược chuẩn?"

04/06/2012 14:55
Hồng Thủy
(GDVN) - Kremlin và Trung Nam Hải đang xây dựng quan hệ Nga – Trung Quốc thành một “liên minh chuẩn” và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sẽ là đột phá khẩu để phát triển quan hệ chiến lược liên minh Nga – Trung Quốc
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua 3/6 cho hay, Tổng thống Liên bang Nga Putin sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ 5/6 đến 7/6 đồng thời tham dự hội nghị thượng đỉnh các nước thành viên tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Bắc Kinh (SCO) lần thứ 12.

Ông Putin thăm Trung Quốc năm 2011 trong cương vị Thủ tướng Nga
Ông Putin thăm Trung Quốc năm 2011 trong cương vị Thủ tướng Nga

Nội dung chính trong chuyến công du Bắc Kinh sau khi quay trở lại vai trò ông chủ điện Kremlin của Tổng thống Putin hai bên sẽ ký kết các hiệp định hợp tác trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực năng lượng và mở rộng đầu tư.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chuyến thăm Trung Quốc của ông Putin cho thấy quan hệ Nga – Trung phát triển đến tầm cao “chưa từng có”.
Ngoài các vấn đề kinh tế, thương mại quan trọng, trong chuyến công du Bắc Kinh lần này của ông Putin, giới chức lãnh đạo Nga và Trung Quốc còn bàn bạc về việc hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, hợp tác trong việc khai thác hợp lý và bảo vệ các “vùng biển vượt giới tuyến”.
Đáng chú ý, trong 8 năm ông Putin làm Tổng thống Liên bang Nga từ 2000 đến 2008 cũng như Tổng thống kế nhiệm, Dmitry Medvedev sau khi nhậm chức Tổng thống đều thu xếp các chuyến thăm đầu tiên đến các nước thuộc khối cộng đồng các quốc gia độc lập SNG.

Các chuyến thăm năm nay được sắp xếp khá dày của ông Putin sau khi nhậm chức hôm 31/5 lần lượt là Belarus, Đức, Pháp, Uzbekistan, Trung Quốc và Kazakhstan.

Chuyến công du Paris hôm 2/6 của Tổng thống Putin cho thấy, châu Âu, SNG vẫn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Kremlin
Chuyến công du Paris hôm 2/6 của Tổng thống Putin cho thấy, châu Âu, SNG vẫn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Kremlin

SNG vẫn là ưu tiên số một trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Putin, và việc đưa Trung Quốc vào danh sách các nước ông Putin đến thăm sau khi nhậm chức cho thấy sự coi trọng phát triển quan hệ Nga – Trung của Kremlin mà không phải là thăm Mỹ, đồng thời thể hiện sự ổn định trong chính sách ngoại giao của Moscow.

Kim ngạch thương mại hai chiều Nga – Trung Quốc năm 2011 đạt 80 tỉ USD, tăng trưởng 42,7 % so với năm 2010. Hợp tác song phương đặc biệt phát triển trong các lĩnh vực năng lượng, công nghệ cao, tài chính, bất động sản.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Trương Đức Quảng bình luận về chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Putin
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Trương Đức Quảng bình luận về chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Putin

Đánh giá về chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Putin, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Trương Đức Quảng cho rằng “thiết thực” là phong cách ngoại giao của ông Putin, và điều đó “vô cùng tốt”, đặc biệt là “hai nước Nga – Trung Quốc đều kiên trì chính sách duy trì hòa bình trong khu vực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”.

Dấu hiệu Nga – Trung Quốc xích lại gần nhau trên biển hay manh nha một liên minh quân sự?

Trước khi diễn ra chuyến công du Bắc Kinh của Tổng thống Putin, quân đội hai nước đã có cuộc tập trận chung trên biển với quy mô lớn chưa từng có kéo dài 6 ngày 22-27/4 diễn ra ở biển Hoàng Hải, gần bờ biển thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc.

Tập trận chung hải quân Nga - Trung Quốc cuối tháng 4 vừa qua được giới phân tích cho là dấu hiệu manh nha của một liên minh quân sự
Tập trận chung hải quân Nga - Trung Quốc cuối tháng 4 vừa qua được giới phân tích cho là dấu hiệu manh nha của một liên minh quân sự

Trong cuộc tập trận chung này, đã có hơn 4.000 quân được Trung Quốc điều động tham dự với 16 tàu chiến, trong đó có năm khu trục hạm loại lớn, năm tàu khu trục loại nhỏ, bốn tàu chiến, tất cả đều trang bị tên lửa, một tàu hỗ trợ và một tàu bệnh viện. 13 chiến đấu cơ, trực thăng trên chiến hạm cũng tham gia.

Về phía mình, Nga đóng góp bốn tàu chiến, ba tàu tuần dương mang tên lửa, ba tàu tiếp tế. Chuẩn đô đốc Leonid Sukhanov, Phó tham mưu trưởng Hải quân Nga, chỉ huy cuộc diễn tập cùng tướng Đinh Nhất Bình, Phó tư lệnh Hải quân Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên hải quân hai nước tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn như vậy, mặc dù hai nước đã tham gia bốn lần diễn tập quân sự từ năm 2005. Cuộc diễn tập lần này diễn ra giữa lúc có những căng thẳng với các nước láng giềng của Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.

Đại sứ Liên bang Nga tại Philippines, Nikolay Kudashev lần đầu tiên phát biểu quan điểm về vấn đề biển Đông theo hướng có lợi cho Trung Quốc (ảnh: Ông Nikolay Kudashev tiếp một lãnh đạo Hải quân Philippines)
Đại sứ Liên bang Nga tại Philippines, Nikolay Kudashev lần đầu tiên phát biểu quan điểm về vấn đề biển Đông theo hướng có lợi cho Trung Quốc (ảnh: Ông Nikolay Kudashev tiếp một lãnh đạo Hải quân Philippines)

Một dấu hiệu lạ nữa xuất hiện trong thời gian này, đó là hôm 23/5, Đại sứ Nga tại Philippines ông Nikolay Kudashev lần đầu tiên lên tiếng phản đối nước ngoài can thiệp vào khu vực, đồng thời cho biết Nga quan tâm tới tự do hàng hải ở Biển Đông.

"Có thể nói rằng chúng tôi ủng hộ giải pháp song phương, nhưng trong quá trình đối thoại song phương này mà nảy sinh các giải pháp mới thì chúng tôi cũng không loại trừ chúng", Đại sứ Nikolay Kudashev cho biết. Có thể thấy việc Nga lên tiếng về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông là một động thái lạ vì xưa nay chưa bao giờ Kremlin hay báo chí Nga chính thức bày tỏ quan tâm hoặc phát biểu về chủ đề này.

Lạ hơn, những gì Đại sứ Nga tại Philippines tuyên bố dường như rất có lợi cho Trung Quốc, phù hợp với mong muốn cũng như chủ trương xuyên suốt của Trung Quốc: Bằng mọi giá phản đối đàm phán đa phương, tìm mọi cách áp đặt đàm phán song phương trong khi khu vực tranh chấp chính có tất cả 5 nước, 6 bên.

Đại sứ Nga Nikolay Kudashev trong lễ trình quốc thư lên Phó tổng thống Philippines
Đại sứ Nga Nikolay Kudashev trong lễ trình quốc thư lên Phó tổng thống Philippines

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao đồng thời cũng là cựu Đại sứ Trung Quốc tại Liên bang Nga, Thư ký đầu tiên của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) ông Trương Đức Quảng nhận định, "lập trường của Nga về vấn đề biển Đông là công bằng" (đối với Trung Quốc? PV), nhưng chuyến thăm của ông Putin tới Bắc Kinh lần này có ảnh hưởng trực tiếp như thế nào đối với cục diện biển Đông, hiện tại vẫn "khó phán đoán", nhà ngoại giao kỳ cựu này cho biết.

Ông Quảng nhận xét, Putin là một người thực tế, với vai trò nguyên thủ quốc gia thì về chính sách đối nội cũng như đối ngoại, ví như trong quan hệ Nga - Trung Quốc, Moscow rốt cục đang cần những lợi ích gì, hợp tác trên những phương diện nào phù hợp nhất với nhu cầu của Nga, ông Putin nắm rất rõ.

Tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 21/5 có bài phân tích nhận định, Kremlin và Trung Nam Hải đang xây dựng quan hệ Nga – Trung Quốc thành một “liên minh chuẩn” và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sẽ là đột phá khẩu để phát triển quan hệ chiến lược liên minh Nga – Trung Quốc.

Trương Đức Quảng
Trương Đức Quảng
Cũng tờ báo này nhận định, một trong những mục tiêu Trung Quốc đặt ra khi phát triển quan hệ ngoại giao với Liên bang Nga là nhằm phân hóa quan hệ Nga – Mỹ, Nga – EU và thúc đẩy sự hình thành một liên minh chuẩn Nga – Trung Quốc, hợp tác chiến lược, tin cậu lấy nhau và cùng chung tiếng nói đối với các vấn đề quốc tế quan trọng. “Bắc Kinh sẽ sử dụng nhiều thủ đoạn, thực thi nhiều giải pháp đồng thời để xây dựng liên minh chuẩn Trung Quốc – Nga”.

Xu thế hai cường quốc Nga, Trung Quốc xích lại gần nhau, thậm chí hình thành một liên minh chiến lược trong bối cảnh hiện tại là điều có thể hiểu được.

Một bên nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu năng lượng như Liên bang Nga, bên kia, Trung Quốc lại là một trong những quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu hiện nay để phục vụ cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thời gian qua, người ta chứng kiến sự hiện diện ngày càng nhiều của Trung Quốc tại khu vực Trung Á, Trung Đông, là những vùng lợi ích chiến lược của Nga và cũng là nơi tranh giành ảnh hưởng của Mỹ.

Sự kết hợp và nâng tầm quan hệ Nga – Trung Quốc ít nhiều sẽ phục vụ cho lợi ích dài hạn của cả hai quốc gia này, nhất là trong lĩnh vực năng lượng.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn" Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Thủy