Giáo dục Việt Nam: Cải tạo từ gốc mới mong biến đổi tận ngọn

16/06/2012 13:50
Tạ Thủy
(GDVN) - Tiêu cực trong thi cử là vấn đề cần cải tạo từ gốc. Chừng nào chỉ nêu khẩu hiệu thì chừng đó vẫn còn tiêu cực .

Thực – hư những con số trong mơ

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục – Đào tạo, kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông diễn ra nghiêm túc, an toàn. Kết thúc kì thi, cả nước có 8 giám thị bị đình chỉ công tác coi thi, 34 thí sinh vi phạm quy chế thi (giảm 11 trường hợp so với kì thi năm 2011).

Niềm vui chưa kịp nguội thì dư luận xã hội  lại được phen rúng động bởi vụ bê bối thi cử tại Bắc Giang. Đằng sau những con số trong mơ là gì?

Năm 2007, Bộ Giáo dục đã nêu cao khẩu hiệu “Nói không với gian lận trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” nhưng khẩu hiệu này cũng chỉ có giá trị trong kì thi năm 2007 (tỉ lệ đậu tốt nghiệp rất thấp). Sau khi công luận đặt dấu hỏi về chất lượng đào tạo giáo dục, đến mùa thi năm sau, tiếp tục lại là những con số trong mơ!

Bắt mạch bệnh gian lận và bệnh thành tích

Tiêu cực trong giáo dục thực sự đã trở thành căn bệnh kinh niên, khó chữa. Điều quan trọng là chúng ta đã thực sự nhìn thẳng hay chỉ dám....ngó lơ.

Có thể nói, gốc rễ của tình trạng gian lận trong thi cử bắt nguồn từ bệnh thành tích trong giáo dục. Giáo dục Việt Nam vẫn đang hoạt động theo cơ chế “trên bảo- dưới nghe”. Mọi việc thường do cấp trên quyết định, chỉ đạo, cấp dưới phải tuyệt đối chấp hành, bất kể hoàn cảnh, điều kiện cụ thể. Chính áp lực từ các chỉ tiêu bên trên đã dẫn tới bệnh thành tích. Khi không thể đạt mục tiêu bằng con đường chính đáng, người ta sẽ tìm mọi cách lập thành tích ảo bằng con đường gian lận.

Yếu tố quan trọng góp phần gia tăng vấn nạn tiêu cực nằm ngay trong công tác quản lí giáo dục. Theo nhà giáo Đỗ Việt Khoa- người tiên phong trong công tác phòng chống tiêu cực: “Giáo dục Việt Nam còn chậm tiến về phía con người, nhất là những người làm quản lý giáo dục. Chúng ta làm gì thì làm cũng phải tập trung vào vấn đề thay đổi tư duy của người lãnh đạo ngành, các nhà quản lý giáo dục”.

Cải tạo từ gốc mới mong biến đổi tận ngọn

Trước tiên là chúng ta cần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật: ngành giáo dục nước ta đang xuống cấp nghiêm trọng. Khẩu hiệu "Thi đua dạy tốt - học tốt" cần được hiểu đúng nghĩa, đó không chỉ là dạy, học tốt mà còn bao gồm cả thi cử tốt.

Có lẽ, chúng ta nên bắt đầu từ chống tham nhũng trong thi cử, dạy và học. Muốn giải quyết vấn đề này, ngành giáo dục cần phải tiến hành đồng bộ, khẩu hiệu cần đi đôi với hành động. Chừng nào chỉ nêu khẩu hiệu thì chừng đó vẫn còn tiêu cực .

Theo GS. Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo “Muốn chống tiêu cực cần phải thay đổi từ cách học, cách dạy. Nếu như không thay đổi được thì hiện tượng tiêu cực sẽ vẫn xảy ra”.

Cần thay đổi phương pháp dạy đọc – chép, học thuộc lòng trong sách giáo khoa. Giáo viên và học sinh nên tránh tư tưởng dạy để thi và học để thi. Bộ cũng cần có những phương án như ra đề mở, không “khuôn sáo”, sao chép theo mẫu sách giáo khoa. Đề thi cần đánh giá được trình độ nhận thức, khả năng sáng tạo của học sinh chứ không đơn giản để kiểm tra sự thuộc bài. Áp lực thành tích để báo cáo cấp trên khiến tiêu cực ở các kì thi diễn ra phổ biến.

Vì vậy, công tác thi đua khen thưởng không nên chỉ dựa vào những "con số vàng", lấy tỉ lệ tốt nghiệp hay tỉ lệ học sinh khá, giỏi làm thước đo thành tích, năng lực các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mà cần có những đánh giá nhận xét khách quan.

Bộ Giáo dục - Đào tạo cần có những phương hướng đào tạo hợp lí cho học sinh trượt trong các kì thi tốt nghiệp PTTH, Cao đẳng, Đại học. Nếu giải quyết được vấn đề này, công cuộc đấu tranh với tiêu cực trong thi cử sẽ bớt gánh gian nan.

Thiết nghĩ, xây dựng môi trường giáo dục trong sạch và lành mạnh không phải là bài toán của riêng ai. Thành công của mỗi kỳ thi đều có sự chung lưng đấu cật của các thầy cô giáo, các em học sinh, các nhà quản lí giáo dục, của cộng đồng và toàn xã hội.

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (11-20/6): Tiêu cực trong thi cử

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn

 
Tạ Thủy