Bàn luận về mại dâm: Chúng ta chưa nghiên cứu kỹ 'nghề' mại dâm

23/06/2012 13:27
Nguyễn Nam/ VnExpress
Hoạt động mại dâm đang bị lên án mạnh mẽ vì những tác hại và hệ lụy đối với xã hội. Tuy nhiên việc hợp pháp hóa 'nghề nghiệp' này cũng cần được cân nhắc thấu đáo.

Để có sự phản biện về việc có nên hợp pháp hóa mại dâm hay không, tôi xin nêu một góc nhìn cá nhân. Xin nhấn mạnh rằng bài viết này không cổ súy cho lối sống không lành mạnh của một bộ phận giới trẻ ngày nay.

1. Tình dục là nhu cầu tự nhiên của con người

Tình dục duy trì sự sinh tồn của con người. Nhu cầu tình dục là nhu cầu tự nhiên nhất của con người, đó là nhu cầu sinh tồn.

Trong cuộc sống của loài người, con người luôn hướng tới những giá trị cao đẹp của cuộc sống như những giá trị về văn hóa, tri thức, địa vị. Và muốn có được những giá trị cao đẹp đó con người cần nỗ lực học tập, phấn đấu, rèn luyện.
Chính vì vậy chúng ta luôn mong muốn toàn xã hội hướng tới giá trị cao đẹp đó, tôn vinh những giá trị ấy, để những thế hệ sau có định hướng phấn đấu tới giá trị hoàn mỹ của con người. Đó cũng là một nhu cầu cao quý của con người.

Diễn viên Hồng Hà tại cơ quan điều tra.
Diễn viên Hồng Hà tại cơ quan điều tra.

Giá trị bản năng và giá trị cao đẹp của con người, cái gì là quan trọng với con người? Giá trị nào hơn? Không cái nào hơn cả, con người cần cả hai.
Hiện nay, có một thực trạng là chúng ta thường đề cao giá trị cao đẹp của con người mà quên rằng chúng ta cũng cần nhu cầu bản năng. Vấn đề chính của toàn xã hội, lớp người đi trước là cần phân tích chi tiết rõ ràng những nhu cầu đó, khi nào thì cần phát triển giá trị cao đẹp? Giá trị bản năng chỉ ở mức nào? Không quá tung hô giá trị cao đẹp cũng không coi thường giá trị bản năng.
2. Mại dâm
Mại dâm xin tạm dịch là: “Dùng giá trị vật chất để đổi lấy tình dục”. Sử sách đã ghi nhận mại dâm xuất hiện từ thời thượng cổ cách đây hơn 3000 năm.
Mại dâm xuất phát từ nhu cầu tình dục của con người. Trong kinh tế thường nói: “Ở đâu có cầu ắt ở đó có cung”. Vì vậy, mại dâm là một hiện tượng xã hội luôn tồn tại trong mọi loại hình, chế độ xã hội, từ xưa tới nay.
Nhu cầu mại dâm xuất phát từ những người không được thỏa mãn tình dục. Những người đàn ông bị vợ bỏ, bỏ vợ, phụ nữ chồng bỏ, bỏ chồng, những nam nữ thanh niên chưa lập gia đình, những người không có điều kiện tìm một bạn đời cho mình, người lớn tuổi vẫn còn nhu cầu tình dục mà bạn đời không đáp ứng được. Nhu cầu tình dục thường đến một cách tự nhiên và rất mạnh mẽ, rất bản năng.
3. Hệ lụy của tình dục
Một số những hệ lụy xấu của tình dục cho xã hội:
3.1.Hiếp dâm: hành vi này là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tổn hại tới sức khỏe tâm lý của người bị hại và có thể gây hậu quả thương tâm.
3.2.Bệnh lây lan qua tình dục: có khoảng 20 bệnh lây qua đường tình dục trong đó nghiêm trọng nhất là HIV.
3.3.Ngoại tình: Ở một mức độ nào đó ngoại tình liên quan trực tiếp đến vấn đề tình dục, gây ảnh hưởng xấu tới đời sống hôn nhân. Hậu quả của ngoại tình có một số trường hợp rất bi thảm như: Giết người, ly hôn, những đứa trẻ tổn thương về tinh thần, thể chất...
3.4.Quấy rối tình dục: Quấy rối tình dục ở công sở, trong khu dân cư, trong gia đình. Hệ quả của quấy rối tình dục là giảm năng suất lao động, stress, trường hợp nặng cũng có thể có trách nhiệm hình sự.
3.5. Thủ dâm: là một hiện tượng xã hội mà con người có thể chấp nhận được. Thủ dâm tuy không ảnh hưởng đến ai nhưng nếu lạm dụng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất của nạn nhân, tác nhân của các bệnh như xuất tinh sớm, chất lượng tinh trùng giảm và sau này có thể có đời sống tình dục, hôn nhân không mãn nguyện.
4. Tội phạm xã hội liên quan vấn đề tình dục, mại dâm
Trong xã hội cũng có nhiều tội phạm liên quan đến vấn đề tình dục cần toàn xã hội chung tay loại bỏ. Ngoài các tội phạm phát sinh trực tiếp từ việc không được đáp ứng nhu cầu tình dục đã nêu ở trên, hiện nay còn có một số tội phạm từ mại dâm như sau:
4.1.Buôn bán phụ nữ, trẻ em: Đây là tội không thể chấp nhận được. Ngoài hệ quả của nạn nhân nó còn thể hiện sự tha hóa đạo đức của kẻ phạm tội.
4.2.Bắt cóc, giam giữ người trái phép: Để có được, duy trì nguồn “cung”, một số đối tượng đã dùng hình thức này.
4.3.Lừa đảo phụ nữ, trẻ em: liên quan đến đường dây cung cấp phụ nữ phục vụ mại dâm.
4.4. Cố tình truyền bệnh qua đường tình dục.
4.5. Lăng mạ, sỉ nhục, ngược đãi phụ nữ bán dâm: Có đến 70% người phụ nữ bán dâm là do hoàn cảnh. Họ là nạn nhân của buôn bán phụ nữ, lừa đảo, bắt cóc. Họ là hệ quả của chuỗi các vấn đề xã hội... Hệ lụy của vấn đề ngược đãi xã hội này là người phụ nữ bán dâm trở nên bất cần đời, dễ dính vào ma túy, nghiện ngập, khi bị nhiễm HIV họ sẵn sàng trả thù đời.
5. Nên hợp pháp hóa mại dâm hay không?
Đây là vấn đề lớn cần nghiêm túc xem xét đánh giá tác động xã hội, chứ không nên theo kiểu: “Chuyện ấy là chuyện khó nói” và làm ngơ nó đi.
Chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào xác định mối quan hệ giữa vấn đề số người “không thỏa mãn tình dục” với tội phạm hiếp dâm, quấy rối tình dục, ngoại tình. Nhưng có vẻ như hai vấn đề này tỷ lệ thuận với nhau.
Chưa có một nghiên cứu về nhu cầu tình dục của xã hội ngày nay tăng hay giảm theo lịch sử. Nhưng có vẻ nó đang tăng. Số người tìm kiếm trên Google với từ khóa “Sex” nhiều nhất đến từ Việt Nam.
Chưa có một thống kê xem ai là chủ của dịch vụ mại dâm hiện nay. Nhưng có vẻ như phần lớn là tay anh chị có máu mặt. Đây là nguồn gốc tội phạm bắt giữ người trái phép, lừa đảo buôn bán phụ nữ, ngược đãi phụ nữ.
Chưa có một thống kê xem bao nhiêu người phụ nữ bán dâm bị ngược đãi, bắt làm nô lệ tình dục, nô lệ phục vụ bán dâm, bị ép quan hệ tình dục không an toàn. Có vẻ, xã hội đang quay lưng với họ. Và liệu họ có quay lưng với xã hội trong vấn đề phòng chống AIDS hay không?
Vậy nên hợp pháp hóa mại dâm hay không? Hay thực hiện “mại dâm có kiểm soát”, “mại dâm có định hướng?". Ngoài ra cũng nên để cho những phụ nữ bán dâm còn “một phương lấy chồng”.
Nguyễn Nam/ VnExpress