Phe vé rao bán công khai bên ngoài sân Quốc gia ở Warsaw, trước trận Bồ Đào Nha – Czech - Ảnh: Đỗ Hùng |
Đến thời điểm hiện tại, chưa xảy ra sự cố bạo lực nghiêm trọng nào, ngoại trừ cơn cuồng nộ được dập tắt kịp thời xung quanh trận Nga- Ba Lan ở Warsaw. Có thể nói đây là một trong những thành công của Euro 2012. Tuy nhiên, một trong những ấn tượng xấu nhất của mùa hè bóng đá này là nạn phe vé. Gọi là vé chợ đen, nhưng người ta bán công khai trước các sân vận động, ga tàu điện, khu Fan Zone và bất kỳ nơi đâu có đông người.
Hôm đến Donetsk xem trận Ukraine – Pháp, tôi đã gặp anh chàng tự xưng là Daniel, người Ukraine gốc Algeria, đứng trước cổng sân Donbass bán vé với giá 100 euro/chiếc (so với giá gốc là 70 euro). Mức chênh lệch được coi là khiêm tốn này chỉ áp dụng đối với các trận vòng ngoài. Bước vào vòng tứ kết, dân phe vé càng xuất hiện đông hơn, và mức chênh lệch giá cũng không ngừng tăng.
Trước trận Bồ Đào Nha – Czech tại Warsaw, cò phe vé xuất hiện khắp nơi, từ phố cổ tới Fan Zone, từ ga trung tâm tới sân vận động. Các loại vé ở khán đài B được rao bán với giá 300 - 500 euro (so với mức 75 - 150 euro giá gốc tùy hạng).
Trong lúc dẫn tôi đi tham quan phố cổ, chị Hồng, một người gốc Việt sống ở Warsaw hơn 20 năm, đã thử tiếp cận với nhiều người phe vé. Chị bảo nếu trả được mức giá gần bằng giá gốc, chị có thể mua để đến sân xem.
Một vụ mua bán đang diễn ra công khai bên ngoài sân Quốc gia ở Warsaw, trước trận Bồ Đào Nha – Czech - Ảnh: Đỗ Hùng |
Người hâm mộ gốc Việt sống tại Ba Lan và Ukraine luôn tỏ ra rất… khôn trong việc chọn thời điểm mua vé. “Chờ đến sát trận rồi mua, giá sẽ xuống thấp. Lúc đó mà không bán được vé thì họ chỉ còn nước vứt sọt rác”, anh Quảng, một cư dân gốc Quảng Ngãi sống tại làng Thời Đại ở Kharkov, nói.
Trước trận đấu Anh – Ý vào hôm nay (giờ địa phương), dân phe vé cũng tung hoành tại đại lộ Khreschatyk, ga trung tâm Kiev và sân vận động Olympic. Tại khu Fan Zone, tôi thử hỏi mua một chiếc vé hạng 2 với giá gốc 150 euro và bị hét giá là 1.200 euro. Các loại vé “bèo” với giá gốc vài chục euro cũng được hét lên gấp 10 lần.
Trong các kỳ Euro và World Cup mà tôi từng tham dự trong vai trò phóng viên - như World Cup 2006, 2010, Euro 2008 – nạn phe vé cũng có diễn ra. Tuy nhiên, dân phe vé luôn phải lén lút trước sự theo dõi của cảnh sát và các lực lượng chức năng khác.
Tại Euro lần này, rất dễ bắt gặp các tay phe vé với từng xấp vé dày cộm trên tay. Hoạt động mua bán diễn ra ngay trước mặt cảnh sát mà không gặp bất cứ rắc rối nào. Dân phe vé cũng tỏ ra rất tự tin khi cho phóng viên quay phim, chụp hình thoải mái, chứ không vội vã quay mặt đi mỗi khi gặp ống kính phóng viên.
Một bé trai rao bán vé trận Anh – Ý tại trung tâm Kiev - Ảnh: Đỗ Hùng |
Tại Euro 2012, vé cho các trận vòng bảng khá dễ kiếm, nếu không muốn nói là đôi lúc khá ế ẩm. Trong nhiều trận đấu, khán đài còn tới vài ngàn chỗ trống. Tuy nhiên, vào giai đoạn quyết định hiện nay, vé trở nên khan hiếm hơn, chẳng hạn như trận Anh – Ý vào đêm nay tại Kiev.
Hiện UEFA vừa mở thêm các đợt bán vé bổ sung, sau khi liên đoàn bóng đá của một số nước có đội tuyển bị loại sớm trả lại một số suất vé của mình.
BẤM XEM ẢNH ĐẸP THỂ THAO |
BẤM XEM CLIP HOT THỂ THAO |
Theo Thanh Niên