Ấn Độ lo ngại Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Bu-tan?

26/06/2012 08:09
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu, Trung Quốc)
(GDVN) - Trung Quốc muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Bu-tan đang gây lo ngại đặc biệt cho truyền thông nước này, vì Bu-tan rất quan trọng trong chiến lược của Ấn Độ.
Ngày 21/6/2012, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hội đàm với Thủ tướng Bu-tan Jigme Thinley bên lề Hội nghị Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững tại Brazil.
Ngày 21/6/2012, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hội đàm với Thủ tướng Bu-tan Jigme Thinley bên lề Hội nghị Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững tại Brazil.

Ngày 21/6, tại Rio De Janeiro, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã hội kiến với Thủ tướng Bu-tan Jigme Thinley. Ôn Gia Bảo cho biết, trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, Trung Quốc muốn thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bu-tan, sớm phân định biên giới hai nước.

Cuộc gặp gỡ cấp cao này giữa Trung Quốc và Bu-tan (Bhutan) lập tức đã thu hút sự chú ý của truyền thông Ấn Độ, do Bu-tan là một đồng minh kiên định của Ấn Độ. 

Ngày 23/6, tờ "Thời báo Ấn Độ" cho rằng, trong thời gian Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio 20), các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Bu-tan đã tổ chức một cuộc hội đàm “bất ngờ”, “nghe nói, hai bên đã thảo luận về phương thức giải quyết tranh chấp biên giới”.

Tờ “The Hindu” dẫn thông tin từ báo chí Trung Quốc cho rằng, sau cuộc gặp gỡ cấp cao giữa Trung Quốc và Bu-tan, hai bên cho biết sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.

Nhưng tờ “Thời báo Ấn Độ” nhấn mạnh, việc thiết lập quan hệ ngoại giao hiện còn chưa được phía Bu-tan xác nhận. Có nguồn tin cho biết, Chính phủ Bu-tan đã nói với New Delhi rằng, họ còn chưa đưa ra bất cứ cam kết nào với Bắc Kinh.

“Nhưng, điều rất rõ là, cuộc hội đàm cấp cao giữa Trung Quốc và Bu-tan tại Brazil không hoàn toàn ngẫu nhiên, gần đây một đặc phái viên Trung Quốc đã đến Thimphu (Thủ đô Bu-tan), đã tiến hành đàm phán với Chính phủ Bu-tan”.

Bài báo cho rằng, Trung Quốc và Bu-tan hoàn toàn không phải luôn không có bất cứ quan hệ gì, đặc phái viên Trung Quốc từng được mời tham gia lễ đăng quang và hôn lễ của nhà vua trẻ Bu-tan.

Bu-tan nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Bu-tan nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Ngày 23/6, tờ “Hindustan Times” cho rằng, thiết lập quan hệ ngoại giao và giải quyết tranh chấp biên giới (đã tồn tại lâu dài) đã bước vào chương trình làm việc chính của hai nước Trung Quốc, Bu-tan.

Tờ “The Hindu” viết, mặc dù Bu-tan và Trung Quốc vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng từ tháng 1/2010 đến nay, hai nước đã tổ chức 19 vòng hội đàm tại Thimphu. Được biết, “các cuộc hội đàm hầu như đã đạt được tiến triển”.

Trung Quốc và Bu-tan gần gũi với nhau gây lo lắng cho truyền thông Ấn Độ. Tờ “Thời báo Ấn Độ” bình luận, cùng với việc Bu-tan, đồng minh kiên định nhất của Ấn Độ, chuẩn bị thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện với Trung Quốc, Ấn Độ sẽ buộc phải đối mặt với cục diện chiến lược mới ở khu vực biên giới. “Đến nay, Bu-tan là quốc gia Nam Á duy nhất chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, nhưng điều này sắp thay đổi”.

Tờ “The Hindu” cho rằng, Bu-tan là đồng minh kiên định của Ấn Độ, hai nước Bu-tan và Ấn Độ có quan hệ ngoại giao, chính trị và quân sự mật thiết. Bu-tan rất quan trọng với an ninh của Ấn Độ. Vị trí địa lý của Bu-tan làm cho bất cứ phương án giải quyết biên giới nào giữa họ với Trung Quốc đều sẽ gây sự chú ý của Ấn Độ.

Có nguồn tin cho rằng, tất cả các triền núi ở khu vực giáp giới ba nước do Ấn Độ kiểm soát giúp cho nước này có ưu thế, nhưng trong tương lai Bu-tan có thể thỏa hiệp với Trung Quốc, từ đó làm lung lay ưu thế của Ấn Độ.

Trong hình là Hoàng cung Bu-tan. Hiện nay, Bu-tan chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao với 20 nươc, đều chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong hình là Hoàng cung Bu-tan. Hiện nay, Bu-tan chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao với 20 nươc, đều chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Truyền thông Ấn Độ cho rằng, Chính phủ Ấn Độ đều rất quan tâm đến bất cứ hoạt động qua lại nào giữa Trung Quốc và Bu-tan, bởi vì điều này sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến thế trận chiến lược của Ấn Độ.

Nhưng, Ấn Độ đã tính trước được những thay đổi lập trường của Bu-tan, “một nước Bu-tan mới đang nổi lên, họ sẽ đưa ra sự lựa chọn ngoài Ấn Độ”.

Nhật Bản tuyên bố, họ sẽ thiết lập Sứ quán ở Bu-tan trước năm 2014. Ngoài ra, Bu-tan tự cho là nước trong sạch nhất Nam Á, muốn qua đó thu hút lượng lớn đầu tư nước ngoài, còn Trung Quốc chắc chắn là một trong những nhà đầu tư có sức hấp dẫn nhất.

Ngoài ra, kế hoạch xây dựng đô thị du lịch quốc tế của Trung Quốc ở khu vực Nyingchi, Tây Tạng cũng trở thành tiêu điểm chú ý của truyền thông Ấn Độ. Tờ “Thời báo Ấn Độ” cho rằng, kế hoạch này có thể liên quan đến việc thu hút lượng lớn người dân tộc Hán đến định cư ở khu vực kề sát biên giới Ấn Độ.


Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu, Trung Quốc)