Syria bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ: NATO ẩn mình hành động?

26/06/2012 16:03
Nguyễn Hường (nguồn RT)
(GDVN) - Nguồn tin quân sự Syria cho biết, có thể máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đã giả dạng máy bay của Damascus để đánh lừa hệ thống phòng không của quốc gia này bằng cách sử dụng các mã ID giả.
Theo RT, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gây sức ép với NATO để liên minh này coi hành vi quân đội Syria bắn rơi máy bay của mình như là một cuộc tấn công nhằm vào cả tổ chức.
Tấn công Thổ Nhĩ Kỳ là tấn công cả NATO

Một chiếc F-4 của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ
Một chiếc F-4 của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ 

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định chiếc F-4 của nước này không mang theo vũ khí khi bị Syria bắn hạ tại không phận quốc tế hôm 22/6 trong quá trình kiểm tra một hệ thống radar trong nước và lên án hành động của Syria là "không thể chấp thuận được".
Ngày 25/6, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Arinc tiếp tục lên tiếng cáo buộc Syria đã nổ súng và suýt bắn hạ một chiếc máy bay thứ 2 của nước này khi nó đang tiến hành tìm kiếm xác chiếc F-4. 
Song song với việc tố cáo hành động trên của Syria là "có chủ ý", kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp phân xử, Ankara còn yêu cầu NATO tổ chức một cuộc họp theo quy định tại Điều 4 của Điều ước quốc tế của liên minh này mà theo đó một thành viên bất kỳ của liên minh này được phép yêu cầu tham khảo ý kiến của cả tổ chức trước khi hành động khi cảm thấy bị đe dọa tới tính toàn vẹn và an ninh lãnh thổ của mình.
Hội nghị dự kiến sẽ diễn ra vào ngày hôm nay, ngày 26/6. Theo các phương tiện truyền thông phương Tây, tại cuộc họp này, NATO sẽ xem xét và đưa ra quyết định liệu vụ việc ngày 22/6 có là một cuộc tấn công vũ trang theo Điều 5 của Điều ước Quốc tế của liên minh hay không.

Điều 5 quy định: một cuộc tấn công chống lại một thành viên của NATO sẽ được xem xét như là một cuộc tấn công chống lại tất cả các thành viên của NATO.

Nếu coi hành động của Syria hôm 22/6 là hành vi vi phạm Điều 5, Damascus sẽ phải đối mặt với cả NATO và chiến tranh sẽ là một điều khó tránh khỏi.
Nếu coi hành động của Syria hôm 22/6 là hành vi vi phạm Điều 5, Damascus sẽ phải đối mặt với cả NATO và chiến tranh sẽ là một điều khó tránh khỏi.

Trong khi đó, một mặt tuyên bố "chúng tôi không có ý định gây chiến tranh với bất kỳ ai", mặt khác phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Arinc khẳng định, đất nước ông có quyền "trả đũa" chống lại "hành động thù địch" và đảm bảo rằng đất nước của ông "đã có những biện pháp cần thiết liên quan tới Điều 4 và Điều 5".
Tuy nhiên, để được chấp thuận cho phép thực hiện bất kỳ hành động trả đũa nào, Ankara cần phải có sự đồng thuận từ đại diện của tất cả 28 thành viên NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận vi phạm không phận Syria

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng thừa nhận rằng máy bay của họ đã đi lạc vào không phận Syria, bay ở độ cao khoảng 70m, nhưng khẳng định đã nhanh chóng rời khỏi không phận này và không nhận được một cảnh báo nào từ phía Syria. Do đó, việc bắn rơi chiếc F-4 tại không phận quốc tế là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, Damascus đã bác bỏ các tuyên bố trên và cho rằng chiếc F-4 bị bán hạ bởi một hệ thống phòng không tầm ngắn chứ không phải một tên lửa tầm xa có radar dẫn đường như cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ. Và điều này chỉ có thể xảy ra khi máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm không phận của Syria. 

Thổ Nhĩ Kỳ đã vô tình hay cố ý xâm phạm lãnh thổ Syria?
 Thổ Nhĩ Kỳ đã vô tình hay cố ý xâm phạm lãnh thổ Syria?

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Syria, Maddissi Jihad, nhấn mạnh rằng vụ băn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ là một hành động tự vệ chống lại hành vi vi phạm chủ quyền quốc gia. 
"Hệ thống phòng không Syria được kích hoạt tự động tấn công các máy bay ở độ cao dưới 100m. Ngay cả nếu là máy bay Syria, nó cũng sẽ bị bắn hạ" - ông Jihad nói thêm và cho biết Damascus đã làm hết sức để giảm nhẹ hậu quả và kịp thời liên hệ với phía Ankara cũng như hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ xác máy bay và phi công đã bị bắn hạ.
Vị trí rơi của chiếc F-4 Thổ Nhĩ Kỳ đã được xác định hôm 24/6. Hoạt động tìm kiếm thi thể 2 phi công vẫn đang được tiến hành.
Kịch bản Libya lặp lại?
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm nhập vào Syria có thể là một hoạt động của NATO, trong đó máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đã giả dạng máy bay của Damascus để đánh lừa hệ thông phòng không của quốc gia này bằng cách sử dụng các mã ID giả có thể được "mượn" từ các máy bay chiến đấu Syria bị đánh cắp bởi các phi công đào tẩu.

MiG-21 phi công Syria đã dùng để đào thoát tới Jordan.
MiG-21 phi công Syria đã dùng để đào thoát tới Jordan.

Giả thuyết này giải thích cho lý do tại sao các máy bay trinh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào không phận Syria trước khi bị  bắn rơi - tờ  Komsomolskaya Pravda của Nga dẫn lời một nguồn tin giấu tên trong lực lượng an ninh Syria cho biết.
Theo nguồn tin trên, Syria tin rằng sự cố ngày 22/6 có liên quan tới sự kiện một phi công nước này lái chiếc MiG-21 đào tẩu tới Jordan và đã được nước láng giềng này chấp thuận cho tị nạn. 
Vụ phi công đào tẩu này gợi lại một sự cố tương tự diễn ra vào tháng 2/2011 khi 2 phi công Libya lái máy bay quân sự tới Maltan và chỉ một tháng sau đó, NATO tiến hành chiến dịch ném bom kết thúc chính quyền Đại tá Muammar Gaddafi.

Liệu kịch bản Libya có lặp lại đối với Syria?
Liệu kịch bản Libya có lặp lại đối với Syria?

Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng, hệ thống phòng không của Libya khi đó đã bất lực với các cuộc không kích của NATO. Lời giải thích cho điều này chỉ có thể nằm trong hệ thống thông báo bạn - thù đã bị đánh cắp trên máy bay. Hệ thống này được quân đội sử dụng trong chiến đấu để phân biệt máy bay của mình và địch.
Theo tờ  Komsomolskaya Pravda, quân đội Syria tin rằng NATO đã lặp lại cách tiếp cận Libya ở Syria nhưng đã không giải mã đúng cách. Và Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã đứng ra thực hiện nhiệm vụ thử nghiệm trên cho NATO, nhưng kết quả là nó đã trở thành một thảm họa.

Trước đó, một số nguồn tin quân sự phương Tây đã lên tiếng xác nhận rằng gần đây, máy bay quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã  thực hiện các chuyến bay trinh sát hầu như hàng ngày trên bờ biển Syria.
Tuy nhiên, theo các nhà quân sự, đây chỉ là một giả thuyết nhưng vụ bắn rơi chiếc F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng là một phần của một kế hoạch quân sự hơn là một sự nhầm lẫn như Ankara đã tuyên bố.
Nguyễn Hường (nguồn RT)