Trung Quốc tìm cách "lobby" Thái Lan, Campuchia về vấn đề biển Đông

06/07/2012 15:29
Hồng Thủy
(GDVN) - "Thái Lan muốn Trung Quốc tin tưởng rằng trong nhiệm kỳ 3 năm của chúng tôi, Thái Lan sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho Trung Quốc cảm thấy hạnh phúc”, ông Surapong nói với ông Dương Khiết Trì
Thái Lan nói rằng nước này sẽ giúp Trung Quốc mang về một giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp biển Đông với vai trò là điều phối viên ASEAN – Trung Quốc bắt đầu từ cuối tháng này.

Ông Surapong Tovichakchaikul và ông Dương Khiết Trì gặp nhau tại Bắc Kinh
Ông Surapong Tovichakchaikul và ông Dương Khiết Trì gặp nhau tại Bắc Kinh

Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul cho biết, Bắc Kinh “bày tỏ lo ngại” về xung đột trên biển Đông nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa 4 nước thành viên ASEAN với Trung Quốc.

Vấn đề biển Đông đã được Ngoại trưởng Trung Quốc ông Dương Khiết Trì nêu ra trong khi đàm phán với ông Surapong tại Bắc Kinh trong tuần này.

“Quan điểm của Thái Lan là nỗ lực cho hòa bình trên biển Đông. Chúng tôi muốn các nước liên quan giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán”, Ngoại trưởng Thái Lan Surapong cho biết.

“Với vai trò là điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc, Thái Lan muốn Trung Quốc tin tưởng rằng trong nhiệm kỳ 3 năm của chúng tôi, Thái Lan sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho Trung Quốc cảm thấy hạnh phúc”, ông Surapong nói với ông Dương Khiết Trì.

Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đưa vấn đề biển Đông ra thảo luận với người đồng cấp Thái Lan nhằm tìm kiếm một sự ủng hộ
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đưa vấn đề biển Đông ra thảo luận với người đồng cấp Thái Lan nhằm tìm kiếm một sự ủng hộ

Ngoại trưởng Thái Lan cho hay ông đã sẵn sàng để nói chuyện với các bên tranh chấp trên biển Đông “để xác định nhu cầu của họ và mặt bằng chung”.

Vấn đề căng thẳng trên biển Đông sẽ được thảo luận tại hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh vào tuần tới cùng với sự tham dự của Ngoại trưởng Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Thái Lan cũng đã đề nghị Trung Quốc thành lập một ủy ban hậu cần cấp Bộ trưởng để thảo luận về các tuyến đường liên kết hành lang Bắc – Nam giữa tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với miền Bắc Thái Lan.

Ông Surapong nói rằng Thái Lan và Trung Quốc đang dự kiến sẽ ký kết các điều khoản tham chiếu cho việc xây dựng một tàu cao tốc kết nối giữa Bangkok và Chiang Mai trong tháng 10 này và sẽ được công bố vào đầu năm tới.

Trong hội đàm, Dương Khiết Trì cho hay chính phủ Trung Quốc hoan nghênh hợp tác giữa quân đội hai nước trong thời gian vừa qua.

Ngày càng có nhiều hoạt động giao lưu, diễn tập chung giữa quân đội Thái Lan và Trung Quốc, ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bangkok đang tăng lên rõ rệt
Ngày càng có nhiều hoạt động giao lưu, diễn tập chung giữa quân đội Thái Lan và Trung Quốc, ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bangkok đang tăng lên rõ rệt

Ông Surapong chuyển lời cảm ơn của chính phủ Thái Lan đến Trung Quốc vì nước này đã gửi các chuyên gia của mình sang giúp Thái Lan trong lĩnh vực quản lý nguồn tài nguyên nước.

Trong một động thái liên quan, Ngoại trưởng Indonesia, Marty Natalegawa cho hay nước này đang nỗ lực tham gia thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp căng thẳng đang diễn ra trên biển Đông.

ASEAN và Trung Quốc đã xây dựng một dự thảo về các hành vi ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) có tính chất ràng buộc hơn bản Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).

Vấn đề chủ quyền biển Đông dự kiến sẽ là nguồn gốc của một cuộc tranh luận nóng sẽ diễn ra tại ASEAN trong cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN từ 9/7 đến ngày 13/7 tại Campuchia.

“Từ đầu, Indonesia cho rằng cuộc tranh luận này không nên xảy ra”, Ngoại trưởng Indonesia cho hay, “COC được thiết lế là một công cụ ngăn ngừa xung đột. Indonesia sẽ kiểm tra xem COC có đủ thẩm quyền hay không để đảm bảo tính khả thi và xác định rõ lộ trình thực hiện khi xảy ra sự cố.”

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa

Động thái nêu trên của Bắc Kinh nhằm vận động hành lang đối với các quốc gia ASEAN không có tranh chấp trên biển Đông nhưng lại nắm vai trò luân phiên điều phối hoạt động nội khối trong một thời gian nhất định không mới, nhưng nguy hiểm.

Trước đó không lâu, ngay trước và trong khi diễn ra hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Phnom Penh hồi cuối tháng 5 vừa qua, ông Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã sang thăm Campuchia “cho không” Phnom Penh 19 triệu USD viện trợ quân sự.

Vấn đề đáng bàn là Bắc Kinh không cho trước hay sau thời điểm này, mà đúng năm Campuchia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, một vai trò quan trọng trong việc quyết định nghị trình các hội nghị nội khối (đưa hay không đưa vấn đề biển Đông ra bàn bạc, bàn bạc đến đâu, thời lượng bao nhiêu…).

Cũng trong chuyến công du này, ông Liệt đã có cuộc gặp gỡ song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Singapore và nhắn nhủ, Bắc Kinh mong muốn Singapore “quan tâm tới các lợi ích to lớn của Trung Quốc”. Ngoài ra ông Liệt có 45 phút nhắc lại quan điểm của Trung Quốc về vấn đề biển Đông (giải quyết bằng đàm phán tay đôi với từng nước) trước Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN.

Sự vui mừng của ông Lương Quang Liệt khi bắt tay chào người đồng cấp Singapore khi ông lần đầu tiên tham dự đối thoại an ninh Shangri-La 2011
Sự vui mừng của ông Lương Quang Liệt khi bắt tay chào người đồng cấp Singapore khi ông lần đầu tiên tham dự đối thoại an ninh Shangri-La 2011

Những hoạt động leo thang gây căng thẳng của Trung Quốc trên biển Đông trong thời gian qua, đặc biệt là căng thẳng trên bãi cạn Scarborough với Philippines hay ngang nhiên tuyên bố mời thầu phi pháp, phi lý và vô hiệu với 9 lô dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam là một thực tế đáng lo ngại ai cũng nhìn thấy.

Không chỉ trắng trợn, lấn lướt trên thực địa, Bắc Kinh còn tìm mọi cách có thể để can thiệp vào hoạt động xây dựng chính sách nội khối ASEAN đối với vấn đề biển Đông, đặc biệt nhằm vào, tìm cách gây ảnh hưởng đối với Thái Lan, Campuchia, Indonesia là 3 nước không có tranh chấp trực tiếp.
Những đòi hỏi, tuyên bố hay hành động thực tế của Trung Quốc trên biển Đông là hết sức ngang ngược, phi lý, phi pháp và không thể chấp nhận, cộng đồng quốc tế đều biết, nhất là tuyên bố “đường lưỡi bò 9 đoạn” do Trung Quốc tự chế, không căn cứ, không tọa độ, mơ hồ và thể hiện rõ tham vọng biến biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc.

Những thực tế ấy không ai phủ nhận được, đó sẽ là điểm yếu, tử huyệt trong chính sách bành trướng sức mạnh và tham vọng bá quyền của Bắc Kinh dù có được lobby thế nào cũng khó lòng trót lọt bởi trong quan hệ quốc tế ngày nay, không phải anh thích làm gì thì làm, bất chấp luật pháp và công luận quốc tế.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theoGiaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Hồng Thủy