"Ở Việt Nam đi đến đâu cũng bị chặt chém, còn phục vụ thì quá tồi"

09/07/2012 06:55
Độc giả Trần Xuân Bắc
(GDVN) - "Từ thực tế đi du lịch ở nhiều nơi, đến hầu khắp các khu du lịch, các bãi biển, tôi rất đau xót khi phải nói ra rằng, thực sự ở Việt Nam có đi đến đâu, bãi biển nào thì cũng bị "chặt chém", còn phục vụ đều quá tồi...", độc giả Trần Xuân Bắc nhấn mạnh.
Xung quanh câu chuyện về cung cách, thái độ, văn hóa phục vụ theo kiểu "chặt chém", thiếu tôn trọng khách hàng ở không ít những địa danh, khu du lịch, bãi biển hiện nay, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả.
Một trong những ý kiến đó là của độc giả Trần Xuân Bắc nhấn mạnh việc, từ không ít các chuyến đi du lịch ở hầu hết các địa danh, bãi biển trên cả nước, độc giả thấy rằng, ở Việt Nam có đi bãi biển nào thì cũng bị chặt chém, còn phục vụ thì quá tồi. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải toàn bộ bài viết này. Mời bạn đọc cùng theo dõi: Tôi đã theo dõi rất kỹ các thông tin cũng như các ý kiến xung quanh câu chuyện về cung cách, thái độ, văn hóa phục vụ theo kiểu "chặt chém", chèo kéo khách mua hàng, phục vụ khách theo kiểu bún mắng cháo chửi ở Hà Nội và sự thiếu tôn trọng khách hàng ở bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa... Quả thực, những hành động như vậy là không thể chấp nhận được, nó làm mất lòng tin của không ít khách du lịch khi đến những nơi này.
Biển Đồ Sơn, Hải Phong (Ảnh: Internet).
Biển Đồ Sơn, Hải Phong (Ảnh: Internet).

Tuy nhiên, từ thực tế đi du lịch ở hầu khắp các địa danh, các tỉnh thành, và nhất là các bãi biển trên cả nước, cá nhân tôi rất đau xót khi phải nói ra rằng, ở Việt Nam hiện nay, dù có đi đến đâu, bãi biển nào thì du khách cũng  phải chịu cái cảnh "chặt chém" và cung cách, thái độ, văn hóa phục vụ thì đều quá tồi...
Tại sao tôi lại nói vậy ư?Hạ Long - khu du lịch có những "máy chém"
Nếu ai đã từng đi đến Hạ Long, Quảng Ninh vào những ngày lễ hội Canarval và trong mùa du lịch những năm qua thì sẽ thấy những cảnh "chặt chém" với du khách không còn quá là xa lạ. Ngay tại lễ hội Canarval Hạ Long 2012 mới được tổ chức hồi cuối tháng 4 vừa qua, anh chị tôi cũng đã phải chịu mức giá thuê phòng đến "chát mặt" 2,5 triệu đồng/ phòng/ 1 ngày đêm tại một khách sạn hạng trung nhưng có vị trí ngay sát mặt biển. Đó là chưa kể, các đồ ăn đều tăng giá gấp đôi, gấp ba so với bình thường, 400.000 - 450.000 đồng/ 1kg mực tươi, 900.000 đồng/kg ghẹ... Và chính tôi và một số bạn bè, trong dịp hè năm 2011 khi thuê tàu du lịch vịnh Hạ Long, giá niêm yết thuê tàu ghi rõ là 350.000 đồng cho 1 giờ thuê tàu du lịch loại 3 sao nhưng lại bị chặt đẹp tới 800.000 đồng nhưng cũng phải ngậm ngùi móc hầu bao vì đã "trót" ngồi lên... Hơn thế, khi chúng tôi mua 1 con cá giò bị "chém" tới 600.000đ/kg. Tôi thấy con cá không lớn chừng 5kg nhưng họ cân bằng cái cân kéo tay đã không còn ai xài cách đây chục năm rồi, cuối cùng con cá cân nặng tới 9.8 kg, trị giá 5,8 triệu đồng Khi chúng tôi có ý kiến, thì người chủ bè cá liền đập chết con cá và có những lời lẽ rất khó nghe, thậm chí là tục tĩu, hăm dọa, buộc chúng tôi phải mua... Không chỉ vậy, nhờ đầu bếp trên du thuyền nấu giúp thì mới biết phụ thu công nấu là 10%, tức 580.000 đồng Như lời người bạn tôi đã nhận xét thì đây phải là "khu "máy chém" chứ không phải là khu du lịch nữa..."

Đồ Sơn... cũng chẳng khá hơn
Không khá hơn Hạ Long là mấy, bãi biển Đồ Sơn, Hải Phòng cũng in đậm trong tôi về nạn thi nhau "chặt chém".  Hai lần qua Đồ Sơn vào năm 2010 và 2012, tôi đã phải hứng chịu cảnh giá phòng dù được báo chỉ 250.000 - 350.000 đồng nhưng khi xuống thực tế thì bị "ép" lên mức giá tới 600.000 - 800.000 đồng/ 1 ngày đêm.
Biển Vũng Tàu (Ảnh: Internet).
Biển Vũng Tàu (Ảnh: Internet).


Mọi thứ từ phao bơi, tắm tráng đến ăn uống trong ba tháng hè đều tăng cao gấp 2, 3 lần. Một bát phở bình thường cũng bị chém đến 700.000 đồng, nếu có thêm một chút hải sản thì lên tới 90.000 - 100.000 đồng; ngay một chai bia Hà Nội, ở Hà Nội, tôi mua cùng lắm là 15.000 đồng thì ở đây lên tới 50.000 đồng/ chai... Thậm chí nhiều thứ so với ngay ở trung tâm Hải Phòng thì tại Đồ Sơn vẫn đắt hơn gấp nhiều lần... Chính một chủ nhà hàng cũng đã thật thà nói với chúng tôi rằng: "Đồ Sơn chỉ có ba tháng hè kiếm ăn thì phải tận dụng tối đa để bù cả năm...." Ngoài giá cả đắt đỏ thì môi trường ở Đồ Sơn cũng còn rất nhiều điểm phải bàn. Nước biển Đồ Sơn bị đánh giá là bẩn, đục, thậm chí, sau mỗi đợt bão lớn có ảnh hưởng vào, không ít người đi tắm biển ở đây còn chịu cảnh tắm chung cả với bèo. Rác thải trên bờ biển cũng như dưới nước cũng khiến khách du lịch không khỏi "hoảng"... Một điểm cũng cần nhắc tới, Đồ Sơn được coi là một trong bãi biển ít các điểm vui chơi cho khách nhất...
Thuận An - Huế: làm ăn theo kiểu "ăn xổi".
Tình trạng làm ăn theo kiểu "ăn xổi" với khách du lịch này cũng diễn ra ở bãi biển Thuận An, Huế. Bản thân tôi khi đến đây vào năm 2011 đã phải chịu cái cảnh ăn một con mực chỉ nhỏ bằng 3 đầu ngón tay với giá lên tới 100.000 đồng. Chưa kể sau đó, khi gọi ra 1 xoong trìa nhỏ, 1 đĩa tôm luộc và 2 đĩa mì tôm xào hải sản cùng 1 két bia, khi tính giá lên đến gần 1,2 triệu đồng và sau đó cũng với những thứ đồ tương tự ăn ở Tp Huế chúng tôi chỉ phải trả bằng một nửa giá trên. Cung cách phục vụ của nhân viên cũng rất thiếu chuyên nghiệp, thân thiện, tôn trọng khách hàng. Chính khi chúng tôi thắc mắc về giá cao, các nhân viên của một nhà hàng tại đây đã có những câu nói, hành động rất thiếu văn hóa. "Tụi em niêm yết bảng giá ở gần... toa - lét đó, tụi anh xem đó có đúng không", đó là câu trả lời của một tiếp viên trong bộ trang phục luộm thuộm khi chúng tôi hỏi về việc niêm yết giá. Một bãi biển khác cũng cần phải nhắc tới với văn hóa "chặt chém" du khách đó là Vũng Tàu. Tôi còn nhớ, trong chuyến công tác năm 2011, khi từ Tp Hồ Chí Minh xuống đây để nghỉ ngơi, chúng tôi đã được các chủ quán ở đây tiếp đón bằng một bữa ăn thật "kinh hồn"... Khi xuống đến đây thì cả nhóm được 1 người xe ôm phát tờ rơi và mời mọc về quán ăn, khi giới thiệu thì rất ngọt và hấp dẫn, xem thực đơn thì giá chỉ từ 65.000 - 75.000 đồng/1 món ăn. Nhưng hỡi ơi, 1 nồi lẩu và 1 đĩa mực xào, 1 đĩa rau cải, 1 đĩa sò huyết khi tính tiền thì hơn 1,6 triệu đồng. Hóa đơn tính cả trà đá với giá 10.000 đồng/1 ly, 1 tô cơm mà tính trên đầu người giá 10.000/người, còn lạc rang mà trong đó gọi là đậu phộng đem ra thì 20.000 đồng/ 1 đĩa nhỏ, tráng miệng không gọi cũng đem ra và tính giá 30.000 đồng/đĩa. "Hoảng hồn" hơn là khi chúng tôi ý kiến thì chủ quán ngoài việc dùng những từ ngữ tục tĩu ra còn cho gọi cả mấy "tóc xanh, tóc đỏ" ra để đe dọa, đòi giúp... Những câu chuyện tôi kể ra ở đây mới chỉ là một phần và điển hình của thực trạng về thái độ phục vụ, văn hóa cư xử "chặt chém", thiếu tôn trọng du khách... ở các điểm du lịch, những bãi biển nổi tiếng của Việt Nam. Và như tôi đã nói ở trên, dù có đi bãi biển nào ở Việt Nam thì vấn nạn "chặt chém" và cung cách phục vụ quá tồi vẫn là thực trạng đáng buồn, đáng lên án... Theo ý kiến của cá nhân tôi thì, sự lên tiếng của dư luận xã hội và sự vào cuộc mạnh mẽ, kiên nhẫn của các cơ quan chức năng ở địa phương sẽ là những "liều thuốc" quan trọng nhất trong lúc này để giảm bớt, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn vấn nạn này. * Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.* Tít phụ do tòa soạn đặt.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Độc giả Trần Xuân Bắc