Tờ Guardian vừa có bài viết về xu hướng làm việc không lương của sinh viên đã tốt nghiệp ở Anh. Lý do là vì họ đang phải đối diện với quá nhiều “thế lực thù địch” trên thị trường việc làm.
Bài báo nhắc tới một bài khảo sát trên toàn quốc, trong đó có thông tin rằng hầu hết các sinh viên đều chuẩn bị tinh thần làm việc không lương để đảm bảo có được ít nhất là kinh nghiệm làm việc.
Trang stuentbeans.com cũng đưa kết quả một nghiên cứu cho thấy một nửa số sinh viên Đại học cho biết họ sẵn sàng bắt đầu sự nghiệp của mình bằng công việc không công, trong khi đó 40% nói họ sẽ chấp nhận những mức lương thấp nhất.
Ảnh minh họa |
Mới đây, Higher Education Statistics Agency (Hesa), một tổ chức thống kê về giáo dục, cũng đưa ra một thông tin đáng quan ngại sau khi khảo sát trên 20.000 sinh viên: 1 trên 10 sinh viên rời trường Đại học mùa hè trước đã phải chịu cảnh thất nghiệp trong khoảng sáu tháng sau khi tốt nghiệp.
The NUS (National voice of student – Tiếng nói sinh viên toàn quốc) cũng đang đòi hỏi Chính phủ đưa ra các động thái giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Đối với các sinh viên đến từ các gia đình khó khăn, việc đi làm không lương là một áp lực đẩy họ “lui về một bước”.
Danielle Grufferty, phó chủ tịch NUS, cho rằng những sinh viên tốt nghiệp đang phải làm việc không lương phải được bảo vệ bởi Luật pháp: “Lao động không lương là trái Pháp luật và Chính phủ phải đưa ra những luật liên quan đến mức thù lao tối thiểu”.
“Làm việc không công chỉ là một phương án cho những ai có khả năng tự lo cho bản thân về mặt tài chính, nhưng lại không hề đảm bảo an toàn về công việc hay có những trải nghiệm hữu ích cho tương lai”.
Ben Lyons, từ Intern Aware, cũng cho rằng việc trả giá quá thấp sẽ khiến doanh nghiệp chịu “thiệt” về những tài năng trẻ và có nguy cơ đối mặt với các hệ quả liên quan tới việc vi phạm Luật lao động.
Theo Association of Graduate Recruiters (Tổ chức Tuyển dụng người tốt nghiệp Đại học), tỉ lệ tuyển dụng sinh viên sau Đại học giảm 1,7% so với năm ngoái.
Carl Gilleard, Giám đốc điều hành của Association of Graduate Recruiters, cho rằng các kỳ thực tập có thể là một phương án để sinh viên vừa có thể thu nhặt kinh nghiệm mà lại vừa không phải ở trong tình thế làm việc không công: “Bạn không cần phải đi thực tập toàn thời gian ba tháng. Tất cả các kinh nghiệm việc làm đều hữu ích khi bạn có cơ hội tăng sự tự tin, giúp bạn quyết định mục tiêu nghề nghiệp và có được những kỹ năng mềm”. Lý do là vì “Các nhà tuyển dụng ngày nay quan tâm nhiều đến các kỹ năng như giao tiếp, khả năng làm việc nhóm và khả năng quản lý thời gian”.
Câu chuyện của các sinh viên tốt nghiệp ở Anh chính là một bài học dành cho những sinh viên Việt Nam mới ra trường. Thay vì “ngồi đó mà than vãn”, hãy tìm cho mình những cơ hội thực tập, làm thêm để bổ sung những kỹ năng mà bản thân còn thiếu để chuẩn bị cho công việc “đích thực” trong tương lai.Tuy nhiên, bạn nên tìm đến các tổ chức đoàn thể có liên quan để được tư vấn giúp đỡ về mặt pháp lý trong mọi trường hợp.
Theo Hotcourses.vn