"Đi du lịch biển Sầm Sơn, Thanh Hóa chẳng khác gì đi du lịch mạo hiểm"

10/07/2012 07:05
Độc giả Nguyễn Thế Anh (Hà Nội)
(GDVN) - "Cả năm lao động đến kỳ nghỉ chỉ mong có chuyến đi du lịch cho thư giãn con người, nhưng đến biển Sầm Sơn chỉ mua cái bực mình, đầu óc thêm căng thẳng thì đi đến đây có khác gì đi du lịch mạo hiểm...", độc giả Nguyễn Thế Anh nhấn mạnh.
Ngay sau khi báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải các ý kiến xung quanh câu chuyện "chặt chém" dịch vụ cũng như cung cách phục vụ thiếu tôn trọng khách du lịch tại bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Một trong số ý kiến đó là của độc giả Nguyễn Thế Anh (Hà Nội) cho rằng, đi du lịch là để thư giãn con người nhưng ở Sầm Sơn chỉ mua thêm cái bực mình, mệt óc... Như thế thì đến đây có khác gì đi du lịch mạo hiểm... Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải toàn bộ ý kiến này. Mời bạn đọc cùng theo dõi:

Theo dõi các thông tin được phản ánh về tình trạng chặt chém cũng như cung cách phục vụ thiếu tôn trọng khách du lịch tại bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, tôi nhận thấy rõ sự quan tâm của độc giả thông qua rất nhiều ý kiến, phản hồi đã được gửi về tòa soạn.
Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đông nghẹt người (Ảnh: Internet).
Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đông nghẹt người (Ảnh: Internet).

Cá nhân tôi, cũng là một khách du lịch từng đến Sầm Sơn, Thanh Hóa, tôi hoàn toàn đồng ý với những gì mà các độc giả đã phản ánh về thực trạng đã và đang tồn tại, gây những phiền toái, khó chịu, bức xúc cho khách du lịch tại đây.
Bản thân tôi cũng thấy rõ một điều, hầu hết những khách du lịch đến đây đều là những người lao động, làm ăn vất vả cả năm, có được một chút thời gian, họ quyết định cùng gia đình, cơ quan, bạn bè thực hiện chuyến du lịch đến Sầm Sơn với mục đích để nghỉ ngơi, thư giãn con người, sáng khoải tinh thần cho những tháng ngày lao động tiếp theo. Nhưng với những gì đã được phản ánh và thực tế tôi đã chứng kiến, thì đến Sầm Sơn chỉ là để mua cái bực mình, đầu óc thêm căng thẳng... Nói cách khác, đến đây đâu có khác gì chúng ta đang tiến hành một chuyến đi du lịch "mạo hiểm", với những "nguy hiểm" rình rập trước mắt là nạn chặt chém, là cảnh hung hãn, thiếu văn hóa với khách hàng.... "Nguy hiểm" đầu tiên như chính cá nhân tôi đã gặp phải trong lần đến du lịch Sầm Sơn năm 2010 chính là nạn "chặt chém" kinh hoàng của các dịch vụ. Tôi còn nhớ như in, trong buổi tối đầu tiên tới Sầm Sơn, vừa ra khỏi phòng, một ông xích lô chạy đến đề nghị chở giá rẻ dạo một vòng từ bãi A sang bãi B. Cũng vì tin người và với quãng đường từ bãi A sang bãi B khá ngắn nên không thể lấy quá đắt được, vì thế tôi đã không mặc cả lại giá rõ ràng. Cũng do hai chữ "vì thế" và thêm chữ "ngờ" nữa đã đẩy tôi vào một phen bực dọc khi người đạp xe xích lô đòi tới 200.000 đồng cho quãng đường. Khi tôi nói lại, mới đầu người lái xích lô còn dùng những từ ngữ theo kiểu "đạp mệt nhọc, xin thêm tiền ở trong số 200.000 đồng đó". Nhưng sau khi tôi tỏ thái độ cương quyết, thì ông ta chuyển ngay sang nói những lời rất khó nghe, thậm chí là hăm dọa. Chưa dừng lại, sau một cuộc điện thoại, một người đi xe máy, xăm hình trên cánh tay xuất hiện hất hàm hỏi kiểu "Đâu, đâu, đứa nào đi xe anh mà không trả, bảo em..."

"Hoảng" trước thái độ của hai người đàn ông này, tôi buộc phải trả tiền và nhận theo một câu nói "mi làm thế có nhanh hơn không..."
Điểm du lịch hòn Trống - hòn Mái, Sầm Sơn, Thanh Hóa (Ảnh: Internet)
Điểm du lịch hòn Trống - hòn Mái, Sầm Sơn, Thanh Hóa (Ảnh: Internet)
Không chỉ xích lô, tôi vào một quán cạnh bãi biển, gọi nước dừa ra uống. Mặc dù được mệnh danh là "xứ sở dừa phía Bắc", nhưng khi thanh toán giá cũng lên tới 100.000 đồng với hai khoản như cô nhân viên phục vụ phân bua: "nước dừa của bọn em là 50.000 đồng/ cốc, còn tiền ghế anh ngồi em cũng xin 50.000 đồng, vậy là tròn giá..." Ăn uống cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy. Các loại bún, phở, cháo chỉ "lèo tèo" vài ba miếng thịt mỏng tang hoặc hải sản nhưng có bị bán theo kiểu "chộp giật", giá lên tới 80.000 - 100.000 đồng/ bát. Khách mà có ý kiến thì chủ hàng thường "cau mày, có mặt" bêu riếu rất khó nghe: "đúng là đồ nửa mùa, đi du lịch mà tiếc tiền như thế thì đừng có mà đi..." hay còn có những lời chẳng khác gì "hắt nước nóng vào mặt khách"...
"Căng thẳng" hơn vào các chợ mua bán hải sản, cửa hàng bán đồ lưu niệm, đồ bánh trái tại đây, vừa phải chọn lựa và nếu không cẩn thận không những bị cân thiếu, bán đắt mà còn sẽ được nhiều người bán hàng ở đây cho "xơi" đủ các thứ trên đời vào tai.
Tôi cũng thực sự "ớn" với phong cách phục vụ của không ít nhân viên các nhà hàng cho dù là khá lớn ngay tại bãi biển này. Thay vì giải thích khi khách thắc mắc tiền thì họ lại đưa ra những cái "lườm nguýt", thái độ khinh khỉnh, chê bai"... Chắc chắn khi ai đã đến điểm du lịch Hòn Trống - Mái và chụp ảnh với ngựa hay những hình trong bộ phim Tây Du Ký... thì mới thấy hết độ "hiểm trở" mà khu du lịch Sầm Sơn này mang lại cho du khách. "Anh chụp ảnh thì trả tiền cho người chụp riêng còn ngoại cảnh với ngựa ở đây thì nãy anh đi một vòng 25 bước, mỗi bước 5.000 đồng, vị chi là 125.000 đồng...", người đàn ông, chủ con ngựa nói với giọng hất hàm nhìn về phía tôi. "Mạo hiểm" còn ở chỗ, đến đây nếu không cẩn thận khách còn được hưởng cái cảnh "đeo bám" của rất nhiều người bán hàng rong, không chỉ mời chào hàng, họ còn sẵn sàng đưa ra những lời nói hết sức tục tĩu, thô lỗ, nếu khách hàng có ý mua mà lại không mua... Người ta đi du lịch, muốn bỏ tiền ra để tận hưởng khung cảnh thiên nhiên, biển nước mênh mông nhằm thư giãn con người, thoải mái tinh thần. Nhưng như tôi đã nói ở trên, cái cảnh "chặt chém", cung cách phục vụ thiếu tôn trọng khách hàng ở Sầm Sơn như thế này thì chỉ khiến cho khách du lịch đi đến chỉ để mua cái bực mình vào người, đầu óc thêm căng thẳng. Và điều đó thì cũng chẳng khác gì là du khách đang phải bỏ tiền để đến Sầm Sơn thực hiện một chuyến du lịch mạo hiểm đâu... */ Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY

Độc giả Nguyễn Thế Anh (Hà Nội)