Ngoại trưởng Philippines: ASEAN thống nhất ND chính đàm phán với TQ

11/07/2012 14:48
Hồng Thủy
(GDVN) - Philippines mong muốn nhìn thấy trong bản quy chế mới này phải bao gồm một cơ chế giải quyết tranh chấp và sự phân biệt giữa vùng biển có tranh chấp với vùng biển không có tranh chấp.
Các quốc gia thành viên ASEAN đã nhất trí những yếu tố chính cho một bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên có yêu sách trong tranh chấp biển Đông được thiết lập để đàm phán với Trung Quốc, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết.

Ngoại trưởng Philippiines Albert del Rosario
Ngoại trưởng Philippiines Albert del Rosario

“Những mục tiêu này là một phần trong mục tiêu chung của cả tập thể khu vực nhằm tăng cường hợp tác hàng hải”, Ngoại trưởng Philippines nói với những người đồng cấp ASEAN đang ở Campuchia tham dự cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN thường niên ngày hôm qua 10/7.

Nhưng để cho nó (COC) có hiệu quả, bộ quy tắc ứng xử này phải đạt được 3 tiêu chí là đáng tin cậy, có ràng buộc và phải được thi hành, ông Albert del Rosario nhấn mạnh thêm.

Năm 2002 ASEAN và Trung Quốc đã ký kết bản Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) kêu gọi tất cả các bên có yêu sách trên biển Đông kiềm chế và ngăn chặn các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình khu vực này.

Tuy nhiên văn bản này thiếu tính ràng buộc và không quy định xử phạt các bên vi phạm. Manila đã nỗ lực thúc đẩy cho ra đời một văn bản có tính ràng buộc pháp lý nhằm ngăn chặn xung đột vũ trang trên biển Đông.

Philippines mong muốn nhìn thấy trong bản quy chế mới này phải bao gồm một cơ chế giải quyết tranh chấp và sự phân biệt giữa vùng biển có tranh chấp với vùng biển không có tranh chấp.

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia 

“Hiện đã có một cuộc họp riêng giữa các quan chức cấp cao ASEAN bàn về các yếu tố chính của bản quy chế COC”, Ngoại trưởng Philippines cho hay, “ASEAN sẽ sớm bắt đầu đàm phán với Trung Quốc về những yếu tố này” trong khi ông không nói rõ khi nào.

Một số nguồn tin khác cho hay, hai bên sẽ đàm phán cụ thể vào tuần thứ 2 của tháng 9 năm nay.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần 90% diện tích biển Đông bao trùm lên thềm lục địa và lãnh hải của các nước khác, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước biển Liên Hợp Quốc 1982 trong đó chính Bắc Kinh đã ký kết.

Mặt khác, Bắc Kinh tỏ ra ngày càng hung hăng hơn trên thực địa, trong đó bế tắc căng thẳng trên bãi đá Scarborough kéo dài từ ngày 10/4 vừa qua đến nay.

Ngoại trưởng Philippines cho hay, tình hình bãi cạn Scabrorough sẽ được đưa ra bàn bạc với một phần lớn các Ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN.

Chuyến công du Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trước khi sang Campuchia tham dự diễn đàn An ninh ASEAN mở rộng
Chuyến công du Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trước khi sang Campuchia tham dự diễn đàn An ninh ASEAN mở rộng 

Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông dự kiến sẽ một lần nữa trở thành tiêu điểm trên bàn hội nghị vào hôm thứ 5 tới trong diễn đàn An ninh ASEAN (ARF) với sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cùng 26 Bộ trưởng Ngoại giao các nước.

Trong lúc các hoạt động đối thoại xung quanh hội nghị Ngoại trưởng ASEAN diễn ra sôi động và mau lẹ, Ngoại trưởng Trung Quốc ông Dương Khiết Trì cũng nhân dịp này hội kiến với Thủ tướng Campuchia, Ngoại trưởng Malaysia, Brunei và Myanma nhằm tìm kiếm một sự ủng hộ.

Tuy nhiên, báo giới Trung Quốc đưa ra nhận định, xoay quanh vấn đề biển Đông nội bộ ASEAN đang bị “phân hóa”, đặc biệt là mâu thuẫn giữa quan điểm của nước chủ nhà Campuchia và Philippines xung quanh việc đưa vấn đề tranh chấp bãi cạn Scarborough vào nội dung bản tuyên bố chung của hội nghị.

Sự bất đồng nêu trên cũng không có gì khó hiểu sau một loạt động thái lobby của Trung Quốc với một số nước thành viên ASEAN không có tranh chấp diễn ra ngay trước thềm hội nghị.

Ngoại trưởng Trung Quốc ông Dương Khiết Trì (ngoài cùng bên trái) tham dự hội nghị Ngoại trưởng ASEAN mở rộng tại Phnom Penh
Ngoại trưởng Trung Quốc ông Dương Khiết Trì (ngoài cùng bên trái) tham dự hội nghị Ngoại trưởng ASEAN mở rộng tại Phnom Penh

Qua đó có thể thấy, một mặt vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông đang thu hút sự quan tâm và tham dự của nhiều nước trên thế giới có lợi ích tại biển Đông, điều này sẽ góp phần kiềm chế Bắc Kinh không để họ muốn làm gì thì làm.

Và ở một khía cạnh khác, Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh âm mưu độc chiếm biển Đông, thực hiện chính sách bẻ từng chiếc đũa, khăng khăng loại ASEAN ra khỏi bàn đàm phán giải quyết tranh chấp khi bà Phó Doanh (Phó Oánh), Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho rằng hoạt động đối thoại lần này chỉ nhằm tìm kiếm một sự tin cậy lẫn nhau.

Không dễ dàng để tìm ra được điểm chung giữa ASEAN, các bên tranh chấp với Trung Quốc về một bộ quy tắc mang tính ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn một khi Bắc Kinh cứ sống chết bám lấy những lý lẽ ngang ngược.

Nhưng những nỗ lực của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei cộng với sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế ít nhất cũng không để cho Trung Quốc tiếp tục thích làm gì thì làm mà không nghĩ tới hậu quả.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theoGiaoduc.net.vn" Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Hồng Thủy