Phụ huynh kiện vì bài thi vào lớp 6 đúng mà không được điểm

13/07/2011 07:20
(GDVN) - Hàng chục phụ huynh có con dự thi tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1, TP.HCM) đã cùng gửi đơn khiếu nại lên Bộ GD-ĐT.

Ngày 12/7, hàng chục phụ huynh có con dự thi tuyển vào lớp 6 (năm học 2011-2012) Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1, TP.HCM) đã cùng gửi đơn khiếu nại lên Bộ GD-ĐT về việc thí sinh đã làm đúng câu số 3 trong đề thi toán nhưng không được chấm điểm vì cách giải không giống với đáp án của Sở Giáo dục TP.HCM.

Tuy nhiên, thanh tra của cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM không nhận đơn và cho biết chỉ thụ lý đơn khi có văn bản trả lời chính thức của Sở GD-ĐT TP.HCM.

Được biết, trước khi tiến hành chấm đại trà (kỳ thi vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa), tổ chấm thi môn toán đã chấm thử 10 bài và phát hiện một số bài thi giải câu số 3 theo cách lập phương trình. Hội đồng chấm đã hướng dẫn các giám khảo không chấm điểm câu số 3 vì cách giải này nằm trong chương trình lớp 8 và lớp 9. Với đề bài như vậy, thí sinh chỉ cần học trong trường phổ thông, dùng kiến thức mà giáo viên đã dạy của chương trình lớp 5 là giải được.

Cách hướng dẫn giám khảo chấm thi như vậy đã làm cho các bậc phụ huynh có con dự thi vào Trường rất bức xúc, không đồng tình với cách làm trên: “Chúng tôi không đồng ý với cách chấm bài như vậy. Chúng tôi cho rằng trong toán học, nếu học sinh có cách giải khác thông minh hơn, ra kết quả đúng thì vẫn phải cho điểm tuyệt đối. Đặc biệt đối với một trường chuyên như Trần Đại Nghĩa, cần khuyến khích các cháu nâng cao khả năng logic, khả năng sáng tạo trong giải toán hơn là cứ chăm chăm trong phạm vi đã học ở nhà trường”.

Đồng thời, cách giải quyết của Hội đồng chấm thi trên đã tạo ra một làn sóng trái chiều nhau của giới toán học thành phố Hồ Chí Minh và bạn đọc.

 

Đồng tình với cách giải quyết của sở GD-ĐT TP

Ông Quách Tú Chương - chuyên viên môn toán Sở GD-ĐT TP.HCM - phân tích: “Một bài toán sẽ có nhiều cách giải, thí sinh có thể dùng kiến thức ở bậc cao hơn nhưng phải lập luận sao cho thuyết phục giám khảo”. Tuy nhiên, theo vị chuyên viên này thì việc HS thi vào lớp 6, sử dụng kiến thức toán lớp 8 giải bài không phải là cách làm sáng tạo mà là cách làm máy móc theo một công thức có sẵn. Tùy cách nhìn nhận của giám khảo, có thể cho điểm nếu các em ra kết quả cuối cùng là đúng. Tức là câu số 3 chiếm 2 điểm, kết quả đúng có thể cho 0,5 điểm.

Theo cô H.Q. - một giáo viên thâm niên ở Q.Bình Thạnh, cách xử lý như Sở GD-ĐT TP.HCM là đúng. Bởi cách giải của học sinh như phụ huynh phản ảnh là cách giải rập khuôn theo kiểu học thuộc lòng, cứ thấy dạng toán giống như vậy là làm theo cách này. Không thể nói đây là cách giải sáng tạo.

Việc lập phương trình và đặt ẩn số ngay cả những học sinh lớp 6, lớp 7 vẫn chưa được học. Phải lên lớp 8 học sinh mới được làm quen với phương trình và giải phương trình. Chúng ta đang thực hiện việc giảm tải, không nên cho học sinh học nâng cao quá mức như thế.

Không đồng tình

Theo ông Lê Văn Lung - giáo viên môn toán, nguyên chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM, nên cho điểm tuyệt đối với bài giải “khác đáp án” vì: thí sinh không hề biết phương trình là gì, chưa được học cách giải phương trình cũng như cách giải bài toán bằng cách lập phương trình; mệnh đề: “số lớn - số bé = 0,7 (1)” và “5 x số lớn - số bé = 72,7 (2)” chỉ là hai đẳng thức (1) và (2);

Như vậy về lý luận và đáp số của thí sinh là hoàn toàn chính xác, không vượt chương trình tiểu học và không cao hơn trình độ; vậy có thể nói cách giải của thí sinh đã khái quát phương pháp giải bằng cách vẽ sơ đồ. Nếu như đề toán cho số lớn gấp 20 lần (hoặc 200 lần) số bé thì làm thế nào vẽ được sơ đồ trên giấy làm bài thi?

Bạn đọc Duy Long cho rằng: “Toán học là một môn khoa học tự nhiên, nên về bản chất nó luôn có những điều mới lạ không theo một quy luật định sẵn nào mà đòi hỏi người ta phải dày công tìm tòi nghiên cứu mới tìm ra. Việc nhà trường hoặc Sở GD-ĐT áp dụng một phương pháp máy móc như thế có thể làm thui chột nhân tài, làm mất tính sáng tạo trong toán học của các em”.

Sở GD-ĐT giữ nguyên quan điểm

Trước phản ánh của phụ huynh học sinh, ông Nguyễn Hoài Chương - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết: Mặc dù có đơn khiếu nại của phụ huynh có con thi vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa nhưng quan điểm của sở là giữ nguyên quyết định ban đầu, tức là không chấm điểm câu số 3 trong đề thi toán nếu thí sinh giải bằng kiến thức cao hơn trình độ.

Lý do: trong thông báo tuyển sinh vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa đã lưu ý rằng: nội dung kiến thức kiểm tra nằm trong chương trình tiểu học, chủ yếu là chương trình lớp 5.

Riêng về bài giải câu 3 của một số học sinh thì không sai nhưng các em đã sử dụng kiến thức thuộc chương trình lớp 8, lớp 9. Còn có nhiều công cụ khác để giải nhưng không thể chấp nhận với những cách giải cao hơn trình độ.

Bởi nó sẽ tạo ra những hệ lụy sau này: hàng loạt trung tâm luyện thi vào lớp 6 mọc lên, việc dạy thêm - học thêm tràn lan. Trong mỗi cấp học ngành GD-ĐT đều có đặt ra những yêu cầu cụ thể về kiến thức, kỹ năng để học sinh phát triển một cách hài hòa, việc học nâng cao sẽ là sự quá tải gây nặng nề cho các em.

Quân Trang (tổng hợp)