Câu chuyện xung quanh văn hóa phục vụ của không chủ hàng, nhân viên tại Hà Nội bị lưu danh thành tiếng xấu "bún mắng, cháo chửi" trong những ngày qua đang trở thành đề tài tranh luận sôi nổi của đông đảo bạn đọc đã từng đến và đang sinh sống trên mảnh đất thủ đô. Một trong ý kiến đó là của độc giả Nguyễn Thu Hoài. Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin đăng tải toàn bộ nội dung bài viết này. Mời bạn đọc cùng theo dõi:
Quả đúng như ý kiến của nhiều người đã chia sẻ: "bún mắng, cháo chửi" đã khiến cho không ít du khách phương xa dù chỉ một lần đến và ngay cả những người dân sống ở Hà Nội cũng được phen "hoảng hồn".
Không lẽ đi ăn phở ở Hà Nội thì cứ phải cúi mặt mà ăn hay sao? (Ảnh: Internet). |
Không "hoảng" sao được khi mà những người mua hàng đã vừa phải bỏ tiền ra để ăn ấy vậy mà lại phải hứng chịu biết bao nhiêu lời mắng, chửi thậm tệ, thậm chí còn "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" của một số chủ hàng...
Và cũng chẳng thể không "uất ức" khi cái danh "khách hàng là thượng đế" ở nhiều nơi còn được treo thành các bảng khẩu hiệu nhưng thực tế cách đối xử với khách hàng lại hoàn toàn ngược lại. Người xưa vẫn có câu "trời đánh còn tránh miếng ăn" và ở nhà, trong bữa ăn, dù có tức bực mấy với con cái bố mẹ cũng không nỡ mắng chửi. Ấy vậy mà ở đây, khách hàng không những đã mất công đến ăn, đã phải bỏ tiền ra để được ăn mà vẫn bị nghe mắng, nghe chửi. Đó là một điều nghịch lý hết sức. Điều đó cũng cho thấy rõ một thực tế về sự thiếu thốn trong hiểu biết về văn hóa kinh doanh của các chủ bán hàng. Họ cứ có tiền, có vốn, có địa điểm, có nghề là sẵn sàng mở cửa hàng, sẵn sàng bán hàng còn những điều đối xử với khách như thế nào, châm ngôn kinh doanh thế nào dường như họ chẳng mấy quan tâm. Có ý kiến cho rằng, do các thức ăn ở đấy ngon mà giá rẻ, khách đến đông nên đôi khi chủ hàng cũng "chảnh" và đó là một phần nguyên nhân gây ra cái cảnh "bún mắng, cháo chửi". Nếu xét ở một khía cạnh nào đó thì có thể đúng nhưng nếu xét trên văn hóa bán hàng, văn hóa truyền thống của chúng ta thì nguyên nhân đó không thể chấp nhận được. Anh đã làm ngon, bán giá rẻ, khách đến đông thì anh càng phải ý thức được về sự tôn trọng đối với mỗi khách hàng đến với mình chứ không phải nổi lên rồi là "chảnh" là "coi thường" khách hàng. Theo quan điểm cá nhân của tôi, thì đó là kiểu làm ăn manh mún, chộp giật, không biết nhìn xa trông rộng. Và như một nhà nghiên cứu đã nói, một bộ phận chủ hàng ở Hà Nội vẫn mang theo mặt trái của căn tính nông dân, thích mang mắng chửi vào kinh doanh. Nhưng cũng có một thực tế hiện nay, mặc cho những chủ hàng "văng" đủ các thứ trên đời ra thì khách đến ăn vẫn cứ đông đúc, thậm chí nhiều người còn chấp nhận xếp hàng, đứng bưng bát để ăn. Sẽ càng không thể chấp nhận được hơn với cái sở thích quái dị của một số người còn đến ăn để xem bà chủ hôm nay có chửi ai hay không với suy nghĩ: "Họ chửi ai chứ chẳng phải chửi mình,...".
Cảnh xếp hàng ăn phở ở Hà Nội (Ảnh: Internet). |
Tôi không tự kiêu về văn hóa của chính bản thân nhưng tôi dám khẳng định rằng, tôi sẽ không bao giờ chấp nhận thưởng thức cái "ngon" theo kiểu như vậy. Người ta nói ăn ngon không phải chỉ ở mỗi cái thưởng thức hương vị từ đầu lưỡi mà ăn ngon còn ở cả "mắt thấy, tai nghe". Liệu rằng ngồi ăn như vậy thì có khác nào với câu ca mà các cụ xưa đã dạy: "miếng ăn là miếng nhục" không đây. Sống trên đời thì phải ăn nhưng ăn làm sao cho ra ăn, chứ không phải bạ đâu cũng ăn, bạ đâu cũng ngồi. Người Hà Nội xưa theo tôi biết, không bao giờ như vậy cả. Với cá nhân tôi, đi ăn ở đâu, ăn với ai luôn được tôi quan tâm trước hơn so với việc sẽ ăn cái gì. Người bán hàng đã vô văn hóa nhưng đúng là ở đây cũng cần phải xem lại ý thức của chính những khách hàng. Tôi nghĩ rằng, ai cũng có trong mình danh dự, lòng tự trọng, không ai muốn bị người khác chửi, động chạm đến danh dự của mình cả. Hơn thế, trong trường hợp này, những khách hàng còn là những người bỏ tiền ra "nuôi béo" các chủ hàng thì đâu thể để những thứ xấu xí, tạp nham đó tồn tại được. Như tôi đã nói ở trên, những khách hàng đã phải bỏ công để đến, bỏ tiền ra để ăn mà lại còn bị nghe mắng, nghe chửi như vậy là không thể chấp nhận được. Còn những khách hàng đã như vậy mà vẫn thờ ơ, vẫn bàng quan, thì, tôi xin hỏi rằng, có lẽ nào, đi ăn phở ở Hà Nội cứ phải cúi mặt mà ăn hay sao? * Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Độc giả Nguyễn Thu Hoài