Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Ngày xưa, Hà Nội không có "bún mắng..."

16/07/2012 09:21
Nguyễn Tiến
(GDVN) - Sinh ra và lớn lên tại vùng đất "nghìn năm văn hiến", nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vẫn còn nhớ như in những hình ảnh đẹp đẽ về văn hóa kinh doanh và cách ứng xử hết sức nhẹ nhàng, tinh tế của những người bán hàng tại Hà Nội.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, trong kí ức của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn,, văn hóa kinh doanh và cách ứng xử của người Hà Nội thật nhẹ nhàng và thanh lịch.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn (Ảnh TCTHHN)
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn (Ảnh TCTHHN)

"Hà Nội vẫn đáng để chúng ta tự hào"

Trước những tranh luận cho rằng văn hóa ứng xử giữa con người với con người tại Hà Nội đã bị biến đổi theo chiều hướng xấu, không còn giữ được những nét thanh lịch như ngày xưa, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn - tác giả bài thơ "Hương thầm", bài thơ "thay lời muốn nói" một thời của thế hệ trẻ Việt  Nam - cho biết: “Tôi thuộc loại người lạc quan nên thường nhìn mọi việc ở khía cạnh đẹp. Tôi thấy, về cơ bản Hà Nội vẫn là một thành phố mà đi đâu cũng được bạn bè công nhận là thanh lịch, khéo léo và thông minh... Ví dụ, học sinh Hà Nội học giỏi, con gái Hà nội đẹp, các bà mẹ nấu ăn ngon,mọi người đều ăn mặc thanh lịch...
Tôi nghĩ như vậy, Hà Nội vẫn đáng để chúng ta tự hào. Còn sự xuống cấp của văn hóa ứng xử của một số người Hà Nội theo tôi, một thành phố lớn, là thủ đô, là nơi hấp dẫn con người (cả tài giỏi và nghèo đói khắp nơi đổ về), thì chẳng phải bây giờ, mà từ lâu đã có những hiện tượng như vậy. Ví dụ, thời Vũ Trọng Phụng cũng đã có Bà Phó Đoan, Xuân tóc đỏ... Nhưng những hiện tượng như vậy, vẫn chỉ là số ít”.

Nhiều người thầm tiếc cho văn hóa kinh doanh của người Hà Nội xưa
Nhiều người thầm tiếc cho văn hóa kinh doanh của người Hà Nội xưa


Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cũng cho rằng, trong kinh doanh, có lẽ văn hóa ứng xử ở Hà Nội, một vài cửa hàng có lệ mê tín như: Buổi sáng ai mua hàng mà ko được thì "xui" cả ngày nên chủ quán thường cáu giận hoặc ép khách phải mua bằng được, nếu ko thì sau đó "đốt vía".

 “Theo tôi, đó là một lệ xấu. Còn ăn uống ngoài nhà hàng thì các quầy bia tràn lan những tiêng hô "dô, dô"... thật là khiếp hãi! Và bên cạnh đó là “cháo chửi, bún mắng”... Tôi thỉnh thoảng cũng đi du lịch, thấy các nước, nhất là ở thủ đô không đâu có tình trạng kinh khủng như vậy cả… Rất may là tôi ít đi ăn ở những nơi kinh hoàng này nên chưa được tận mắt chứng kiến”, nhà thơ Phan Thị Thanh  Nhàn nói.

Ký ức văn hóa kinh doanh của Hà Nội xưa
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất "nghìn năm văn hiến", nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vẫn còn nhớ như in những hình ảnh đẹp đẽ về văn hóa kinh doanh và cách ứng xử hết sức nhẹ nhàng, tinh tế của những người bán hàng tại Hà Nội.

“Hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi được bố hoặc mẹ cho "xuống phố" chơi. Mẹ thường dắt tôi vào chợ Đồng Xuân mua các đồ vật cần dùng của gia đình rồi cho tôi ăn quà trong chợ. Tôi vẫn còn nhớ, các bà các cô bán chè hoặc bún, bánh ... bao giờ cũng xoa đầu tôi, khen ngoan, đồng thời kéo một cái ghế nhỏ cho tôi ngồi và hỏi tôi muốn ăn món gì. 
Thái độ của họ rất thân thiết và quan tâm. Còn đi với bố, thì cụ thường cho tôi chọn giầy dép hoặc khăn, áo... ở các cửa hiệu có vẻ sang trọng trên các phố hàng Ngang, hàng Đào. Vào các nơi này, bao giờ tôi cũng được chọn lựa thoải mái, người bán ngắm nghía phía trước phía sau, khuyên bố tôi quyết định chọn cho con gái nhỏ bộ đồ nào đẹp nhất. Và khi ra về, hai bố con tôi đều rất hài lòng với cách ứng xử của những người bán hàng. Tôi nghĩ, bây giờ chắc vẫn còn những người bán hàng dễ thương như vậy”.
Tác giả của bài thơ “Hương thầm” nổi tiếng đã được phổ nhạc cũng đau đáu nỗi niềm muốn giữ lại những nét thanh lịch vốn có của người Hà Nội. “Chúng ta phải làm gì để nét thanh lịch của Hà  Nội xưa còn mãi? Tôi nghĩ, tất cả là ở kết quả giáo dục trong nhà trường và trong gia đình. Ấn tượng của tuổi thơ là rất sâu đậm, cái gì đã thấm vào con trẻ thì sẽ mãi đi theo chúng. Nhưng hình như trong chương trình của sách giáo khoa tiểu học không có mục dậy luật lệ giao thông cũng như ứng xử trong giao tiếp, trong kinh doanh...? Bác Hồ đã dạy: "Mười năm trồng cây- Trăm năm trồng người". Tôi nghĩ, mọi việc nên được bắt đầu ngay từ hôm nay”.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn sinh năm 1943 tại Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Bà làm thơ từ sớm, đầu những năm 1960 đã có thơ đăng báo. Năm 1969, bài thơ Hương thầm của bà đoạt giải nhì cuộc thi thơ của báo Văn nghệ. Bài thơ "Hương thầm" của bà đã được nhạc sỹ Vũ Hoàng phổ nhạc năm 1984 và cũng trở nên nổi tiếng với những câu hết sức nhẹ nhàng, và sâu sắc như:
Cửa sổ hai nhà cuối phố
Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ
Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa
Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm...


Bà là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội trong giai đoạn 2001-2005. Ngoài làm thơ, bà còn viết báo, truyện ngắn, truyện cho thiếu nhi. Phan Thị Thanh Nhàn kết hôn với nhà thơ Thi Nhị, đã mất năm 1979. Hiện nay, bà đang sống cùng con gái duy nhất tại Hà Nội. Phan Thị Thanh Nhàn được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Điểm nóng
Tranh cãi về Clip mỳ Gấu đỏ Góc ảnh độc giả
Văn hóa ứng xử nơi công cộng  Hình ảnh cười chỉ có ở giao thông VN
Hà Nội - một thời để nhớ
Bấm xem ảnh đẹp
Điểm nóng: Hành trình tổ công tác đặc biệt 142
Bấm xem clip hot

Nguyễn Tiến