Biển Đông: Ấn Độ ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ khiến Hoàn Cầu báo "cay cú"

21/07/2012 13:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc có thể đưa ra nhiều món hời kinh tế làm mồi nhử các công ty dầu khí nước ngoài, nhưng đâu phải Bắc Kinh muốn dụ ai cũng được

>> Cập nhật thông tin từ Facebook


Ngày 17/7 Hoàn Cầu thời báo dẫn nguồn tin AFP cho hay, tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC vẫn tiếp tục triển khai dự án hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí với Việt Nam tại lô 128 nằm hoàn toàn trong thềm lục địa Việt Nam, một động thái được tờ Hoàn Cầu cho là “vuốt mặt không nể mũi”.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, ngài Ranjit Rae bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Việt Nam về vấn đề biển Đông
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, ngài Ranjit Rae bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Việt Nam về vấn đề biển Đông

Tập đoàn dầu khí Hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) trước đó ngang nhiên tuyên bố mời thầu 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong thềm lục địa Việt Nam, hành động được dư luận quốc tế đánh giá là bước leo thang liều lĩnh, phá vỡ mọi quy định luật pháp và thông lệ quốc  tế mà phía Trung Quốc đã làm trong vấn đề biển Đông.

Bắc Kinh liên tục lên tiếng bóng gió xa xôi cũng như dọa nạt các tập đoàn, công ty dầu khí nước ngoài không được hợp tác với Việt Nam khai thác tại thềm lục địa, vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Những động thái này của Trung Quốc không mới, kỳ cục, phi pháp, phi lý nhưng dễ hiểu vì đó là biểu hiện của cuồng vọng muốn biến biển Đông thành ao nhà.

Tuy nhiên, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản và nhiều cường quốc khác đâu phải con nít để ai đó thích dọa dẫm gì thì dọa!

Hôm thứ Sáu ngày 6/7, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam ngài Ranjit Rae tái khẳng định rằng khu vực biển Đông là chìa khóa đối với an ninh năng lượng của New Delhi và tranh chấp chủ quyền biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế.

>> Cập nhật thông tin từ Facebook


Tờ The Hindu xuất bản tại Ấn Độ sáng 7/7 cho hay, đây có thể được xem như một kết quả của sự gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia xung quanh biển Đông liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải.

Thời báo Hoàn Cầu là kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đi đầu trong việc đưa tin bóp méo sự thật, xúi giục kích động xung đột trên biển Đông (hình ảnh: Biển quảng cáo trên phiên bản điện tử của tờ này cũng được dùng để đăng tải thông tin sai trái, bóp méo sự thật về biển Đông)
Thời báo Hoàn Cầu là kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đi đầu trong việc đưa tin bóp méo sự thật, xúi giục kích động xung đột trên biển Đông (hình ảnh: Biển quảng cáo trên phiên bản điện tử của tờ này cũng được dùng để đăng tải thông tin sai trái, bóp méo sự thật về biển Đông)

Ông Ranjit Rae cũng lưu ý rằng một nửa lượng hàng xuất khẩu và nhập khẩu của Ấn Độ đi qua biển Đông. “Tranh chấp do đó nên được giải quyết theo luật pháp quốc tế. Biển Đông rất quan trọng và phải được đảm bảo an toàn, an ninh cho các tàu quốc tế để đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu không bị ảnh hưởng”.

Trung Quốc luôn phản đối việc giải quyết tranh chấp biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế và nhấn mạnh vào việc giải quyết vấn đề thông qua đàm phán tay đôi đối với từng nước có tranh chấp.

Căng thẳng bao trùm lên khu vực sau khi Trung Quốc phái 4 tàu Hải giám của họ ra thực hiện cái gọi là tuần tra trên biển Đông trong một nỗ lực khẳng định “chủ quyền” hết sức phi lý, phi pháp, bất chấp công luận khu vực và quốc tế.

>> Cập nhật thông tin từ Facebook


Tình hình càng xấu đi sau khi công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) tuyên bố mời thầu quốc tế đối với 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong thềm lục địa Việt Nam và không hề có tranh chấp với ai.

Sơ đồ vị trí 9 lô tập đoàn CNOOC Trung Quốc mời thầu quốc tế nằm hoàn toàn trong thềm lục địa Việt Nam và không có bất cứ tranh chấp nào, một động thái leo thang vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc dựa vào bảo đồ Đường lưỡi bò 9 đoạn (phi pháp, phi lý, không thể chấp nhận) - ảnh trên là bản đồ do Trung Quốc tạo ra, xâm phạm trắng trợn chủ quyền của nước khác.
Sơ đồ vị trí 9 lô tập đoàn CNOOC Trung Quốc mời thầu quốc tế nằm hoàn toàn trong thềm lục địa Việt Nam và không có bất cứ tranh chấp nào, một động thái leo thang vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc dựa vào bảo đồ Đường lưỡi bò 9 đoạn (phi pháp, phi lý, không thể chấp nhận) - ảnh trên là bản đồ do Trung Quốc tạo ra, xâm phạm trắng trợn chủ quyền của nước khác.

Trung Quốc đã yêu cầu Ấn Độ “kiềm chế, không tiến hành thăm dò dầu khí với Việt Nam để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Tuy nhiên, New Delhi tỏ ra không hề bối rối với những áp lực từ phía Trung Quốc. Ấn Độ đã ký với Việt Nam một thỏa thuận trong tháng 10 năm ngoái, mở rộng và thúc đẩy khai thác dầu khí trên biển Đông.

Những tuyên bố đòi hỏi (vô lý, ngang ngược và bất hợp pháp – PV) của Trung Quốc trên biển Đông bị từ chối bởi cả Ấn Độ và Việt Nam.

Về phía Ấn Độ, quốc gia này khẳng định toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương trải dài từ bờ biển Đông Phi đến vùng biển Đông rất quan trọng với hoạt động hàng hải quốc tế, vấn đề năng lượng và an ninh quốc gia.

>> Cập nhật thông tin từ Facebook


Đại sứ Ấn Độ Ranjit Rae nhấn mạnh: “Biển Đông là một khu vực năng động như người ta vẫn nói, trung tâm trọng lực kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển sang khu vực, các khuôn khổ mới đang được phát triển trong khu vực biển Đông trên lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh”.

Biển Đông đã trở thành điểm nóng, tâm điểm của các diễn đàn quốc tế và khu vực (ảnh: Diễn đàn đối thoại Shangri-La 2012 tại Singapore)
Biển Đông đã trở thành điểm nóng, tâm điểm của các diễn đàn quốc tế và khu vực (ảnh: Diễn đàn đối thoại Shangri-La 2012 tại Singapore)

“Ấn Độ coi điều đó như một phần của khu vực và sự phát triển của chính nó”, ông Rae cho biết thêm, “Các công ty dầu khí của chúng tôi đã hoạt động tại Việt Nam mấy thập kỷ qua. Điều đó không có gì mới. Đây là những hoạt động thương mại được thực hiện bởi các doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam và tôi không nghĩ có bất kỳ ý nghĩa chính trị nào.”

Tờ The Hindu cho rằng, phát biểu trên của Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Ấn Độ trong hoạt động hợp tác với Việt Nam nhằm đảm bảo nhu cầu ngày càng lớn về năng lượng để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế ổn định.

Đại sứ Ranjit Rae khẳng định, quan hệ hợp tác Ấn Độ - Việt Nam “đang phát triển mạnh mẽ và còn mạnh mẽ hơn với thời gian”.

>> Cập nhật thông tin từ Facebook


"Đó là một mối quan hệ rất sôi động và mạnh mẽ mà sẽ phát triển và tăng cường trong một khoảng thời gian sắp tới. Năm nay là một năm rất quan trọng trong mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam. Chúng tôi đang kỷ niệm 40 năm thành lập quan hệ ngoại giao, và năm năm thành lập quan hệ đối tác chiến lược,” ông nói.

Trong lúc Bắc Kinh vừa lấn lướt, hung hăng trên thực địa nhằm đẩy mạnh âm mưu độc chiếm biển Đông, đồng thời ra sức lobby, chia rẽ nội khối ASEAN về quan điểm giải quyết vấn đề biển Đông dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, đàm phán đa phương, rất nhiều nước khác trên thế giới phản đối cuồng vọng đó.

Hội nghị ASEAN và diễn đàn an ninh ARF tại Phnom Penh, Campuchia tuần trước chia rẽ sâu sắc về vấn đề biển Đông do nước cờ lobby nước chủ nhà, Chủ tịch luân phiên ASEAN của Bắc Kinh
Hội nghị ASEAN và diễn đàn an ninh ARF tại Phnom Penh, Campuchia tuần trước chia rẽ sâu sắc về vấn đề biển Đông do nước cờ lobby nước chủ nhà, Chủ tịch luân phiên ASEAN của Bắc Kinh

Đặc biệt việc CNOOC tuyên bố mời thầu 9 lô dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam một cách phi pháp, vô hiệu và bất chấp công luận quốc tế chắc chắn sẽ  vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế mà phát biểu của Đại sứ Ấn Độ là một minh chứng.

Trung Quốc có thể đưa ra nhiều món hời kinh tế làm mồi nhử các công ty dầu khí nước ngoài, nhưng đâu phải Bắc Kinh muốn dụ ai cũng được vì tất cả đều biết 9 lô dầu khí ấy nằm trong thềm lục địa Việt Nam và không có tranh chấp với bất cứ quốc gia nào.

Trong trường hợp này, bất cứ một doanh nghiệp nào bắt tay với Trung Quốc tức là đã cố tình nhắm mắt dẫm đạp lên các quy định pháp lý luật pháp quốc tế và dư luận, và rõ ràng cái lợi ích trước mắt, ngắn hạn ấy sẽ làm tổn hại nghiêm trọng uy tín của những doanh nghiệp này.

Và trong môi trường cạnh tranh toàn cầu ngày càng phải tuân thủ luật chơi chung như hiện nay, tất nhiên các công ty dầu khí quốc tế lựa chọn hi sinh uy tín của mình để đánh đổi một miếng mồi nhử Bắc Kinh đưa ra là hoàn toàn không đáng.

>> Cập nhật thông tin từ Facebook

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!


Hồng Thủy