Tổ chức Giáo dục Thiên nhiên lên án vụ giết voọc đăng ảnh lên Facebook

21/07/2012 13:00
Nguyễn Hường (nguồn ENV)
(GDVN) - Tổ chức phi chính phủ Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã lên tiếng lên án vụ giết voọc và đưa ra cảnh báo về nguy cơ tuyệt chủng voọc ở Việt Nam.

Tổ chức phi chính phủ Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã lên tiếng lên án vụ giết voọc và đưa ra cảnh báo về nguy cơ tuyệt chủng voọc ở Việt Nam sau khi những hình ảnh cực kỳ gây sốc ghi lại cảnh một quân nhân trẻ sát hại con vật nhỏ bé dã man và đăng hình lên Facebook.

Những hình ảnh hành hạ dã man trước khi giết hại hai con voọc quý hiếm được đăng tải trên Facebook của Quang khiến cộng động mạng trong và ngoài nước phẫn nộ những ngày qua.
Những hình ảnh hành hạ dã man trước khi giết hại hai con voọc quý hiếm được đăng tải trên Facebook của Quang khiến cộng động mạng trong và ngoài nước phẫn nộ những ngày qua.
"Cám ơn người đã báo cáo lại vụ việc cho ENV. Chúng tôi đang theo dõi người vi phạm để báo cáo về hành vi tội ác cho các cơ quan chức năng và đảm bảo người này sẽ bị trừng phạt theo quy định của pháp luật."

"Các bức ảnh đã nhận được hàng trăm bình luận và nhận xét bất bình từ khắp các cộng đồng trực tuyến. Đó là một vụ việc bi thảm, nhưng chúng tôi mừng trước phản ứng của cộng đồng" - ENV cho biết trong bài viết đăng tải trên trang web chính thức của tổ chức này.
ENV cũng cho biết, tổ chức này đã nhận được rất nhiều bình luận lên án hành động hành hạ trước khi làm thịt 2 con voọc chà vá chân xám của quân nhân trẻ.

Người này được xác định tên là Nguyễn Văn Quang (20 tuổi) hiện đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Quân đoàn 3 sau khi các hình ảnh trên được đăng tải trên Facebook bản tiếng Anh của ENV và trên trang web của cộng đồng tình nguyện viên ENV tại Việt Nam.
Theo ENV, đáng buồn thay đây không phải là một sự cố riêng lẻ. Hồi đầu tháng này, một người đàn ông được xác định là Bùi Văn Ngây cũng đã bị bắt vì tội giết hại 18 con voọc trong vườn quốc gia Bù Gia Mập. 
Theo ENV, Việt Nam là quê hương của ít nhất 11 loài voọc và các loài vượn khác nhau. 5 trong số chúng thuộc loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới.
Nguyễn Hường (nguồn ENV)