Chỉ những người thích “đặc sản chặt chém” mới đến biển Sầm Sơn du lịch

23/07/2012 07:36
Hương Trà (tổng hợp)
(GDVN) -“Chặt chém như thế thì còn ai dám đến Sầm Sơn mà du lịch nữa, chỉ có những người thích “đặc sản chặt chém” và muốn bỏ tiền mua sự bực mình thì mới đến Sầm Sơn du lịch thôi” – độc giả Đặng Đức Hiếu chia sẻ.
Sau khi báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loại bài viết về tình trạng chặt chém tại khu du lịch biển Sầm Sơn cùng những đánh giá, góp ý rất chân thành từ phía độc giả, tòa soạn báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được hàng trăm phản hồi từ bạn đọc, những người đã và đang quan tâm sát sao đến vụ việc này. Trong đó, phần lớn tiếp tục là những ý kiến phản hồi gay gắt về tình trạng chặt chém gây bức xúc tại bãi biển này.

Sầm Sơn: bãi biển hay là bãi chém?

Những ai đã từng đến với khu du lịch biển Sầm Sơn gần như đều bị chặt chém ít nhất một lần. Tiếp tục luồng chia sẻ về chuyến du lịch đầy ấn tượng của mình, độc giả Dũng bày tỏ: “Mọi người đừng nên đi du lịch ở Sầm Sơn.

Cách đây 5 năm tôi cũng  bị cảnh trên trời rơi xuống. Chẳng là mình lên hòn Trống Mái chơi, đi đến khúc cua, có mấy đứa nhóc ném hương vàng vào giữa kẽ xe (đoàn tôi đi xe máy) của tôi và người ngồi sau, chúng tôi bỏ lại và đi tiếp. Vậy mà khi quay lên tụi chúng tụ tập 5-7 đứa chặn đường đòi tiền hương vàng. Tức quá bạn tôi xông ra. Chi chút nữa thôi là to chuyện, từ đó không bao giờ đi Sầm Sơn nữa”. 

Khách du lịch phần lớn bị chặt chém khi chụp ảnh tại Sầm Sơn, Thanh Hóa
Khách du lịch phần lớn bị chặt chém khi chụp ảnh tại Sầm Sơn, Thanh Hóa
“Sầm Sơn ư? Tôi từng đi khắp Việt Nam mình nhưng chưa thấy nơi đâu có những kiểu kinh doanh chặt chém khách một cách thô thiển như nơi đây. Vào một lần thôi thề không bao giờ quay lại. Vĩnh biệt Sầm Sơn luôn” – độc giả Michael Chebi chia sẻ.

Mỗi độc giả là một câu chuyện khác nhau. Nhưng có lẽ chưa ai gặp trường hợp hi hữu như của độc giả Huân: “Gia đình tôi còn bị đòi chuộc đồ cơ. Tôi cạch không bao giờ đi Sầm Sơn nữa”. Và của độc giả ở địa chỉ email quyphx@... : “Tôi là người đã đi nghỉ ở nhiều bãi tắm. Tôi thấy Sầm Sơn là bãi tắm tồi tệ nhất! Hôm đó tôi trực tiếp nhìn thấy cảnh một nhân viên đánh khách hàng đến ngất sửu ngay trên bãi biển. Tôi thề sẽ không bao giờ đi Sầm Sơn nữa.

Nạn chặt chém khách hầu hết chỉ tung hoành ở việc chụp ảnh tiêu biểu như trường hợp của độc giả Việt Bắc: “Tôi mới đi Sầm Sơn về đúng là có kiểu chặt chém này. Tôi gọi người chụp ảnh trên bãi biển cùng cá heo hỏi cặn kẽ bao nhiêu một kiểu, họ nói 25.000 đồng, ý chụp 1 kiểu. Chiều về họ trả 5 kiểu đòi 50.000.  Tôi nhất quyết chỉ lấy 1. Cò quay mãi cuối cùng chấp nhận phải lấy 2 kiểu 40.000. Hỏi ra cả đoàn bị không ít kiểu này. Nên tẩy chay những nơi làm ăn như thế”. Độc giả ở địa chỉ email pingu@...: “Tôi là người sống ở Thanh Hoá nhiều năm. Từ những năm 1996 gia đình tôi đi Sầm Sơn chơi cũng đã bị "chặt chém" rồi chứ đừng nói bây giờ. Chụp 1 kiểu ảnh mà khi tính tiền 15 kiểu. Tắc trách ở đây là khâu quản lý. Đề nghị xử phạt nghiêm minh những kiểu kinh doanh vớ vẩn này”. 
Sau nạn chặt chém khi chụp ảnh là trong ăn uống. Thông thường ăn uống tại mỗi khu du lịch biển thường khá tốn kém. Nhưng theo nhận xét của nhiều độc giả thì có lẽ chưa ở đâu có kiểu chặt chém quái gở như ở Sầm Sơn.

Độc giả Trần Huy bức xúc: “Đúng là đã đi Sầm Sơn 1 lần cạch đến già luôn. Ăn uống mà không hỏi trước giá là bị chặt chém ngay. Mang máy ảnh đi ra biển chụp thì bị ngay mấy anh thợ ảnh dọa: "Chú mà chụp anh đập máy đấy, muốn chụp ảnh thì chụp của bọn anh".

Ở đâu có kiểu vậy chắc chỉ có thương hiệu của Sầm Sơn. Hỏi mấy ông bảo vệ lại bảo luật ở đây là vậy. Cứ như vậy bảo sao khó phát triển”.

Độc giả Ngô Hà còn tỏ ra ngạc nhiên vì đến nay mọi người vẫn ưa chuộng đi nghỉ mát tại Sầm Sơn: “Trời! giờ vẫn còn người đi Sầm Sơn sao?.  Cách đây 6 năm tôi đi du lịch ở đây, nghe bạn bè dặn dò cẩn thận.

Mình ra biển uống bia cũng hỏi kỹ từ tiền bia bao nhiêu 1 chai, có tính tiền ghế không ?.  Cuối cùng yên tâm ngồi uống, 3 người hết khoảng chục chai bia. Cuối cùng khi tính tiền, nó ném đâu ra hơn 2 chục cái vỏ kêu mình uống. Gọi công an thì công an kêu anh uống bao nhiều người ta tính bấy nhiêu,vật chứng rõ ràng thì trả đi. Bó tay. Đi đến đâu cũng cảm giác bị lừa”. 

“Tôi đã từng đi Sầm Sơn nghỉ cùng Gia đình. Tuy nhiên, các dịch vụ ở đây phải nói rằng chặt chém khách du lịch vô cùng trắng trợn thậm chí có những lời lẽ vô văn hóa, không thể chấp nhận” – đánh giá chung của độc giả Trần Đức Sâm.

Phải có cái nhìn hai chiều

Bên cạnh những phản hồi lên án một cách gay gắt về tình trạng chặt chém khách du lịch không thương tiếc ở bãi biển Sầm Sơn còn có một số độc giả tỏ ra thông cảm với tình trạng này và bày tỏ mong muốn mọi người cần có cái nhìn hai chiều trước khi đánh giá và kết luận về một sự việc.

Độc giả Lê Tình bày tỏ: “Nói chặt chém cái gì thì tôi công nhận chứ nói chặt chém ở việc chụp ảnh 10.000  thì tôi phản đối. Mấy bà đầu tư con đà điểu rồi cho tôi thuê đi, 10.000đ/ 1 lần tôi nằm trên lưng đà điểu cho bạn bè chụp cả ngày tôi mới xuống, tôi trả bà 10.000, bà chịu không. Người ta cũng là người mà, kinh doanh cũng cần phải có lợi nhuận để nuôi gia đình chứ. Nói như Ngọc Trinh không lấy tiền thì cạp đất mà ăn à”. 

Cưỡi đà điểu (Ảnh minh họa: nguồn Internet)
Cưỡi đà điểu (Ảnh minh họa: nguồn Internet)

Cùng quan điểm với độc giả Lê Tình là độc giả Nguyễn Vũ: “Người ta nuôi mãi mới được 1 con đà điểu để kiếm kế sinh nhai. Mấy bà bỏ ra có 10.000 mà đòi ngồi chụp đến bao giờ được kiểu ưng ý mới xuống có mà người ta ăn cám à. Gớm! Xem cái clip thấy mấy bà cũng đâu có hiền lành gì mà lu loa ầm ĩ lên. Cái gì cũng phải có cái nhìn 2 chiều chứ”. 

“Các bạn đừng có ác cảm quá, đi du dịch ở Việt Nam chỗ nào chẳng thế. Thời trẻ chúng tôi đi du lịch đánh nhau hầu hết ở các tỉnh đi qua do kinh nghiệm của mình còn ít, không có người hướng dẫn du lịch nên xảy ra vậy.  Còn chuyện bạn nêu trên -  50.000 đ/lần chụp với đà điểu không gì đắt cả mà do thỏa thuận.  Còn bạn phải biết người ta bầy ra là để kinh doanh... Tôi vừa đi Tam Đảo về: tắm bể nước: 50.000đ/1 lần; 50.000 đ/1quả dừa, 35.000d/1 bao VINA; 5.000đ/1cốc nước vối... Tôi cảm thấy thoải mái vì thỏa thuận được chấp nhận... Mong các bạn đừng làm mất lòng tin của những người khác và chúng ta hãy tự tin ở mình 1 lần đi Sầm Sơn xem sao... Đáng trách là Ban quản lý du lịch Sầm Sơn, UBND Thị Xã Sầm Sơn chưa dẹp được 1 số điểm đen thôi. Còn nghỉ mát ở Sầm Sơn thì tôi tin là đẹp nhất miền Bắc!”. Chia sẻ của độc giả Văn Đình Hùng.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn chặt chém khách du lịch trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY

Hương Trà (tổng hợp)