Dị nhân nghèo kiết xác trải lòng về việc sắm "xế hộp"

23/07/2012 05:30
Thùy Dương
(GDVN) - Về chuyện bán hũ vàng của mẹ để lại mua ô tô, ông Cẩn khẳng định hoàn toàn không có. Tiền mua ô tô là do ông tích cóp bao nhiêu năm không dám ăn, không dám mặc mà có được.
Phải phục kích cả tuần lễ cuối cùng chúng tôi cũng gặp được “người đàn ông chơi ngông nhất đất Cảng”. Trái với những gì đã tưởng tượng, tiếp đón chúng tôi là người đàn ông hiền hậu, khuôn mặt hằn lên những nét khắc khổ.

Rồi ông kể về cuộc đời mình: “Quê tôi nghèo lắm, bố thì mất sớm, hồi nhỏ tôi phải đi làm mướn thì mới có tiền để đến trường. Học hết cấp 3, tôi xin đi học trung cấp về thủy lợi. Mẹ tôi phải rất vất vả mới cho tôi theo được đến hết khóa học, còn hai anh bạn cùng xóm thì phải bỏ giữa chừng vì nhà nghèo quá.

Ngày ấy, cứ tranh thủ vài ngày được nghỉ học, tôi lại đi làm thuê cho người ta. Số tiền kiếm được, tôi đầu tư mua ít thuốc lào rồi mang ra ngoài thành phố bán, có khi lãi gấp đôi, gấp ba. Thế là có đủ tiền mua rau, mắm 1 tuần, không lo chết đói. Mẹ tôi bị tàn tật nên bà cụ chỉ đi từ nhà xuống dưới chợ và đi về, cả đời không đi xa nhà lấy 5km. Thấy tôi ham học, bà cụ chỉ biết động viên cố gắng vì dưới tôi còn 2 em nhỏ cần tôi chăm lo dìu dắt”.

Ngôi nhà của ông Cẩn lọt thỏm trong "rừng cây"
Ngôi nhà của ông Cẩn lọt thỏm trong "rừng cây"
Kể đến đây giọng ông Cẩn như chùng xuống. Những tháng ngày sau đó, ông phải lao động rất cực khổ để có tiền vừa nuôi mình đi học, lại phải chạy chữa thuốc thang cho mẹ và hai em ăn học.
  
Học xong Trung cấp Thủy lợi, ông Cẩn tất tả đi xin việc làm nhưng với tấm bằng trung cấp chẳng ai nhận ông. Không nản khó khăn, ông lại quyết chí đi học thêm tấm bằng đại học, sau bao cố gắng, cuối cùng ông cũng thi đỗ vào hệ tại chức của trường Đại học Xây dựng. Theo học được vài năm, đến khi làm đồ án tốt nghiệp thì mẹ ông đổ bệnh nặng, trong người không có nổi vài nghìn đồng. Ông chạy vạy khắp nơi cũng không đủ tiền nên đành phải bỏ ngang nghiệp học hành để về quê đi làm bốc vác thuê kiếm tiền chăm mẹ.

Ông Cẩn bên chiếc "xế hộp" của mình
Ông Cẩn bên chiếc "xế hộp" của mình
Sau khi mẹ qua đời, một mình ông Cẩn phải nai lưng ra để nuôi  hai người em. Tất cả số tiền ông kiếm được từ công việc Kiểm sát viên đê điều của Hạt quản lý đê điều huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đều dồn hết cho hai người em của ông. Người em trai (SN 1972) bị viêm màng não được ông đưa vào bệnh viện tâm thần chạy chữa. Một tháng đôi lần ông đến thăm em. Còn cô em gái út (SN 1975) được ông chu cấp cho ăn học tử tế, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ đã được ông xin cho một công việc đàng hoàng.

Chiếc "xế hộp" hàng ngày được ông che chắn bằng chăn bông, chiếu rách ...
Chiếc "xế hộp" hàng ngày được ông che chắn bằng chăn bông, chiếu rách ...

 Về chuyện bán hũ vàng của mẹ để lại mua ô tô, ông Cẩn khẳng định hoàn toàn không có. Tiền mua ô tô là do ông tích cóp bao nhiêu năm không dám ăn, không dám mặc mà có được.

Những đồ đạc "quý giá" của ông Cẩn ngoài chiếc xế hộp
Những đồ đạc "quý giá" của ông Cẩn ngoài chiếc xế hộp
Khi chúng tôi thắc mắc, tại sao hoàn cảnh gia đình như thế ông lại mua ô tô về để nằm góc sân thì được ông cho biết, công việc kiểm sát viên đê điều rất hay phải đi tuần tra đê vào mùa mưa bão. Cứ mỗi trận bão về, mưa to gió lớn mà đi xe đạp để tuần tra đê thì không thể đi được vì rất nguy hiểm, rồi đi tuần tra đêm rất hay gặp chó của người dân thả rông, đi xe đạp dễ bị chó cắn. Thế nên ông sắm con "xế" này, vừa để đi làm cho an toàn, vừa để kiếm thêm thu nhập khi trong làng xã nếu có ai thuê chở đi cưới hỏi.

Ông Cẩn tâm sự thêm với chúng tôi rằng, đã mua xe được 13 năm nhưng mãi đến năm 2011, ông mới được cấp giấy phép lái xe. Mỗi lần chạy xe, ông chỉ dám đổ 50.000 đồng tiền xăng, đủ một lượt đi và về sau đó, lại cất vào góc sân cho đỡ “hao mòn”.

Một góc sân nhà ông Cẩn
Một góc sân nhà ông Cẩn
Để làm rõ hơn những lời đồn thổi về ông Khúc Văn Cẩn và mảnh đất ông đang sinh sống, chúng tôi tìm gặp ông Phạm Văn Vở, Trưởng thôn Từ Lâm. Ông Vở khẳng định: “Gia đình ông Cẩn là một gia đình nông dân, chịu thương chịu khó làm ăn và đã sống ở đây từ rất nhiều đời trước. Những lời đồn đại trên hoàn toàn bịa đặt và không có căn cứ. Về bản thân ông Cẩn, ông là một người rất hiền lành, không có mâu thuẫn gì với hàng xóm láng giềng. Tuy bị mọi người gọi là “hâm” nhưng thật ra ông Cẩn sống rất tình nghĩa và là một người con có hiếu, một người anh hết mực thương yêu em…”.

Chia tay người đàn ông “chịu chơi” nhất đất Cảng, tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến cái dáng bé nhỏ của ông, vẻ mặt mừng quýnh khi thấy chúng tôi đến và cả giọng nói buồn buồn nhưng rất thật khi ông kể về cuộc đời mình. Những cuốn sách được ông đặt ngay ngắn trong góc tủ để làm bạn những lúc cô đơn. Chắc lâu lắm rồi nhà ông mới lại có khách đến chơi. Người ta vẫn cứ dị nghị, bàn tán về ông và chiếc xe ô tô nhưng ít ai biết rằng, ông cần lắm một sự cảm thông!



Thùy Dương