Xung quanh câu chuyện môi trường thiên nhiên đang bị tàn phá, nguồn động vật quý hiếm bị săn bắt, giết hại. Đặc biệt mới đây là việc hai thanh niên giết hại, hành hạ hai hai con khỉ (chà vá hay còn có tên gọi khác là voọc ngũ sắc) rồi chụp ảnh đăng lên các trang mạng khiến dư luận xã hội bức xúc.
Để độc giả có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, PV Báo điện tử GDVN đã có cuộc trò chuyện với GS.TSKH Võ Quý, nhà giáo, nhà sinh học Việt Nam.
GS.TSKH Võ Quý tình yêu thiên nhiên luôn là niềm vui |
May mắn được gặp ông tại nhà riêng tại khu chung cư Trung Văn (Thanh Xuân – Hà Nội), bỏ đi cái ồn ào của phố phường, ngôi nhà nhỏ của ông thu mình sau hàng cau xanh mướt. Ở cái tuổi 83, nhưng ông còn minh mẫn nhanh nhẹn.
Ông vẫn gắn mình với nghiệp giáo, được biết hiện GS.TSKH Võ Quý vẫn đang đứng trên bục giảng tại các lớp Cao học thuộc ĐHQG Hà Nội. Công việc bận rộn cùng những kế hoạch cho việc phục hồi thiên nhiên môi trường tại vùng nhiễm chất độc hóa học.
Vụ hành hạ, giết hại hai hai con khỉ (chà vá hay còn có tên gọi khác là voọc ngũ sắc) khiến dư luận xã hội bức xúc |
Theo GS.TSKH Võ Quý, con người hiện nay còn phải học từ động vật rất nhiều. “Ví dụ như con kiến tuy nhỏ bé như thế nhưng nó có thế biết trước trời mưa để cất giữ thức ăn, hàng lối đi lại trật tự không xô bồ như thế giới con người. Hay như chim cắt đôi mắt tinh nhanh của nó gấp 100 lần đôi mắt người, …” – GS.TSKH Võ Quý chia sẻ.
Nhớ lại ngày cả nước đang bước vào giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông và một số nhà khoa học được bí mật đưa vào các vùng bị phơi nhiễm chất hóa học để tìm hiểu tác động môi trường thiên nhiên con người.
Trong kỷ niệm đi rừng của mình, đáng nhớ nhất là chuyến đi rừng vào năm 1974, ông và một số nhà khoa học bí mật vào Tây Nguyên, khi phát hiện hộp sọ của một bò Sám, một loài động vật đã bị coi tuyệt chủng.
Mải lần theo dấu vết, qua nhiều đêm đi xuyên rừng khi hỏi lại ông mới biết mình đã đi sang đất Campuchia được gần 40km. Khi đó ông mới chịu quay về, trên đường về ông tìm cách đánh dấu đường đi để khi có dịp sẽ quay trở lại nghiên cứu tìm hiểu.
Nói đến sự bạc đãi của con người với “mẹ” thiên nhiên, GS.TSKH Võ Quý cho rằng: “Con người được thiên nhiên bao bọc nhưng lại không bảo vệ xây dựng mà chỉ biết khai thác tàn phá, còn người đối xử quá tệ với thiên nhiên môi trường”.
Trước hành vi giết hại hai con là voọc ngũ sắc đang gây xôn xao dư luận, GS.TSKH Võ Quý cho biết: “Đây là việc làm dã man, vô nhân tính, con người phải làm bạn với thiên nhiên. Nguyên nhân của những việc làm trên là do giáo dục. Bây giờ nhiều người còn không coi trọng nhau, thì nói gì người ta coi trọng con vật”.
Được biết vào cuối năm 1989, GS.TSKH Võ Quý cùng một số nhà khoa học được giao viết bản sơ thảo Bộ luật Môi trường đầu tiên. Ngay khi bắt tay vào tìm hiểu viết bản thảo, ông đã chú ý ngay đến việc đưa các khung hình phạt, đối với tội danh buôn bán, săn bắt giết hại động vật.
Theo GS.TSKH Võ Quý trong quá trình tiến hóa, phát triển của loài người ban đầu lấy việc săn bắn, hái lượm làm nguồn lương thực chính để sinh sống. Tuy nhiên con người trước đây lấy từ thiên nhiên với ý thức cộng đồng, có sự san sẻ. Khi săn cũng chỉ đủ dùng không bừa phứa tận diệt như bây giờ.
Là người có dịp đi nhiều nơi trên thế giới, đến hầu hết các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. GS.TSKH Võ Quý cho rằng, không đâu lại khai thác, săn bắt động vật tận diệt như ở nước ta. Ở các nước có sự quản lý nghiêm ngặt việc săn bắn khai thác này.
Họ quy định rất rõ trong năm có một mùa săn bắn, trong mùa săn bắn cũng chỉ được săn bắt số lượng nhỏ theo quy định, không được săn bắt trong mùa sinh sản, các hội săn phải chịu trách nhiệm đảm bảo hội viên thực hiện các quy định này…Từ đó nên dù có khai thác săn bắn động thực vật từ thiên nhiên. Nhưng luôn giữ được sự cân bằng sinh thái trong tự nhiên.
Để có thể giữ được môi trường thiên nhiên, bảo vệ loài động vật trong tự nhiên. Điều quan trọng là phải làm cho người dân tự giác bảo vệ, nâng cao đời sống người dân quanh các khu bảo tồn. Để người dân thấy được cái lợi ích cụ thể khi tham gia bảo vệ rừng.
Còn nữa...
GS.TSKH Võ Quý sinh năm 1929, tại xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh, ông là nhà giáo nhân dân, nhà sinh học Việt Nam. Ông là người tiên phong và đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu bảo vệ môi trường. Ông là người đầu tiên của Châu Á được trao giải thưởng "hành tinh xanh" của IUCN. Đây là một giải thưởng quốc tế lớn nhất về môi trường, có giá trị tương đương với giải Nobel (vì Nobel không có phần thưởng dành cho môi trường) được trao cho những cá nhân và tổ chức đã có thành tích nổi bật trong lĩnh vực này.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về lên án nạn săn bắt và giết hại động vật hoang dã theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY. Tòa soạn sẽ đăng tải ý kiến và phản hồi ngay với độc giả.