Bạt ngàn đất 'vàng' bỏ hoang ở Tây Hồ

26/07/2012 13:54
Theo VnMedia
Không chỉ Vietcombank bỏ hoang hơn 5.000 m2 đất “vàng” từ năm 2008 đến nay, nhiều đại gia khác cũng “ôm” hàng ngàn mét vuông đất bạc tỉ nhưng chỉ để cỏ mọc.
Được xem là khu vực đắc địa ở Hà Nội nhưng quận Tây Hồ lại đang tồn tại hàng loạt khu đất diện tích từ vài ngàn đến cả chục ngàn mét vuông do các đại gia đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) rồi để hoang 6-8 năm nay.
“Quên” hàng vạn mét vuông đất
Hàng loạt ô đất Dl, D3, D5, D6, D7 và D9 trong khu đấu giá QSDĐ tại 2 phường Phú Thượng và Xuân La, quận Tây Hồ được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 từ tháng 5-2004 nhưng hiện vẫn để cỏ mọc.
Trong khu đất “vàng” này, ô D1 rộng 8.798 m2 do Công ty CP Lắp máy - Điện nước và Xây dựng thuộc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư; ô D3 rộng 17.127 m2 do 7 đơn vị quản lý: Công ty CP Xây dựng dân dụng Hà Nội - 2.515 m2, Công ty Xây dựng và Phát triển cơ sở hạ tầng - 3.331 m2, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Gia Lâm - 2.789m2, Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng - 1.850m2, Công ty TNHH Thương mại Hồng Lam - 2.133m2, Công ty Tu tạo và Phát triển nhà Hà Nội - 1.885m2, Vinaconex - 2.624 m2.

Đất đấu giá ở quận Tây Hồ để hoang nhiều năm
Đất đấu giá ở quận Tây Hồ để hoang nhiều năm


Cũng nằm trong khu đấu giá này, một số khu đất khác đang để trống, chưa xây dựng, như 2 ô D5, D6 thuộc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tiến Lộc, Công ty Xây dựng - Thương mại Việt Nhật, Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Trường An, Công ty CP Đầu tư Song Kim, Vinaconex, Công ty TNHH Dược thú y Thăng Long... quản lý với diện tích từ vài trăm đến hàng ngàn mét vuông.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Hà Nội, tổng diện tích đất đấu giá QSDĐ ở khu vực này là 88.735 m2, đã nộp ngân sách trên 1.575 tỉ đồng, gồm 6 ô Dl, D3, D5, D6, D7 và D9, gồm 261 lô đất. Hiện có 126 lô đất chưa sử dụng, trong đó 88 lô thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân và 38 lô của tổ chức (các ô D1, D3, D5 đấu giá năm 2004; D6, D9 đấu giá năm 2006).
Lên kế hoạch thu hồi
Với các lô đất nêu trên, TP Hà Nội đều chỉ đạo UBND quận Tây Hồ và các sở, ngành liên quan rà soát để đề xuất thu hồi theo quy định. Sở TN-MT đã kiến nghị UBND TP Hà Nội giao UBND quận Tây Hồ căn cứ theo Luật Đất đai, quy chế đấu giá QSDĐ và biên bản bàn giao đất ngoài thực địa để xử lý thu hồi theo quy định.
Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, cho biết đối với các ô đã đấu giá QSDĐ nhưng đến nay còn bỏ trống, TP yêu cầu quận Tây Hồ rà soát quy chế đấu giá và biên bản bàn giao đất ngoài thực địa với các đơn vị trúng đấu giá, lập hồ sơ thu hồi những trường hợp vi phạm, báo cáo kết quả về UBND TP trước ngày 5/8.
Theo ông Hậu, các trường hợp bỏ hoang đất này sẽ căn cứ vào bản quy chế đấu giá và các quy định hiện hành của TP để xử lý vi phạm. Theo Quyết định 29/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội về đấu giá QSDĐ, người trúng đấu giá đã được bàn giao đất mà trong thời hạn 12 tháng không tiến hành xây dựng sẽ bị thu hồi đất để đấu giá tiếp hoặc giao đất theo quy định. Người trúng đấu giá sẽ được hoàn lại số tiền đã nộp song không được tính lãi, trượt giá cũng như không được nhận lại tiền đặt cọc theo quy chế đấu giá. Người trúng đấu giá nếu sử dụng đất sai mục đích cũng sẽ bị xử lý theo pháp luật đất đai...
Trong tháng 7 này, TP Hà Nội cũng sẽ hoàn tất hồ sơ thu hồi 8,1 triệu m2 đất để hoang gây lãng phí của 11 tổ chức đã được lên danh sách trước đó.

Hàng trăm lô đất vẫn để trống
Theo Sở TN-MT Hà Nội, các khu đất đấu giá ở huyện Mê Linh hiện cũng bỏ trống rất nhiều. Tại các dự án: khu nhà ở Minh Giang - Đầm Và, khu đô thị Long Việt, khu đô thị Hà Phong, khu đô thị Cienco 5 - Tiền Phong..., hàng trăm lô đất dù đã đấu giá QSDĐ từ năm 2008 (trước thời điểm Mê Linh - Vĩnh Phúc sáp nhập Hà Nội) nhưng đến nay vẫn để trống. Các ông chủ “ôm” đất rồi để cỏ mọc ở Mê Linh chủ yếu là những doanh nghiệp bất động sản và nhà đầu tư cá nhân.

Theo VnMedia