Hiện nay trên cả nước xảy ra thực trạng đất dự án thì bỏ hoang, hoặc không sử dụng kéo dài trong thời gian qua gây lãng phí, trong khi đó người dân phải mượn lại đất để canh tác.
Giao đất tràn lan cho những chủ đầu tư không đủ năng lực
Trả lời phóng viên về thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, vấn đề giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất là việc làm cần thiết để phát triển kinh tế, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta phải sử dụng đất làm sao tiết kiệm và hiệu quả.
"Trên thực tế vừa qua việc giao đất, sử dụng đất diễn biến khá phức tạp. Chúng tôi cũng đã theo dõi và thấy rằng hiện nay trên phạm vi cả nước các trường hợp sử dụng đất còn lãng phí hoặc sai mục đích, vấn đề chuyển nhượng hoặc chuyển quyền sử dụng đất có vấn đề dẫn đến tình trạng đất để không nói trên", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang. (ảnh:chinhphu.vn). |
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng thừa nhận rằng, có một thực tế là đất được giao tương đối tràn lan, năng lực của các chủ đất còn rất hạn chế dẫn đến việc thực hiện dự án có thể kéo dài hoặc sau khi nhận đất không thể triển khai đầu tư được theo quy định của luật hiện nay.
Bạt ngàn đất 'vàng' bỏ hoang ở Tây Hồ
Cận cảnh gần 500.000 m2 "đất vàng" hoang phí ở Hà NộiTại sao '10 khu đất vàng' bị Hà Nội thu hồi?
Nguyên nhân của thực trạng này, theo ông Nguyễn Minh Quang, trước hết là trong những quy định, văn bản pháp luật về đất đai, những văn bản hướng dẫn thi hành luật cũng có thể có vấn đề này vấn đề khác mà do thiếu thực tiễn chúng ta chưa thấy được tính chất phức tạp nên chưa kịp điều chỉnh kịp thời.
Một vấn đề quan trọng khác là vấn đề quy hoạch sử dụng đất như thế nào đặc biệt là vấn đề quản lý quy hoạch đó làm thế nào để phải sử dụng đất đúng quy hoạch.
Một nguyên nhân nữa là trong thời gian vừa qua công tác đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng rất là khó do nhiều vướng mắc như về nguồn gốc đất không được làm rõ…
Một ý nữa mà chúng tôi cho rằng chúng ta cũng chia sẻ trong điều kiện kinh tế của thế giới trong những vừa qua, kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua cũng có những khó khăn nhất định nên liên quan đến khả năng đầu tư của các dự án.
Khi nào những người có trách nhiệm nhận trách nhiệm?
Mặc dù chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãng phí sử dụng đất là quy hoạch kém nhưng có một thực tế là trong thời gian qua chưa ai nhắc đến trách nhiệm của những người làm quy hoạch cũng như thẩm định và quản lý quy hoạch?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, ý kiến này về cơ bản là đúng nhưng trong thực tế vấn đề công tác quy hoạch là một nội dụng hết sức quan trọng và khó. Vì quy hoạch sử dụng đất liên quan đến các quy hoạch khác như quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của cả nước hoặc của từng địa phương và các quy hoạch khác nữa.
"Trong thời gian vừa qua chúng ta vẫn còn nhiều mặt yếu kém. Tất nhiên cho đến nay chúng ta đã quan tâm hơn đến quy hoạch. Trong thực tế thời gian vừa rồi chúng ta làm quy hoạch hình thức là nhiều hơn. Sau khi có quy hoạch rồi thì khâu quản lý quy hoạch cũng có vấn đề có thể tùy tiện điều chỉnh từ mục đích sử dụng này sang mục đích sử dụng khác. Việc này liên quan đến trách nhiệm quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước trong đó có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên môi trường cũng như trách nhiệm của các Bộ liên quan và các địa phương trong việc tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch này".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, vấn đề đất bị bỏ hoang hoặc chậm đưa vào sử dụng là bức xúc của xã hội hiện nay mà chúng tôi hết sức quan tâm. Vừa qua Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đã có tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 134 vào năm 2010 chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật đất đai tức là sau khi cấp đất rồi chậm đưa vào sử dụng.
Chúng tôi cũng đã tiến hành tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo và cùng các tỉnh tiến hành công tác thanh, kiểm tra và xử lý đối với các trường hợp cá nhân tổ chức đã được giao đất mà không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng lãng phí… Vấn đề này vừa rồi chúng tôi làm khá quyết liệt. Và tôi cho là các địa phương đã làm việc khá tốt. Tất nhiên việc này vừa phải làm quyết liệt nhưng cũng cần có thời gian nhất định. Ví dụ như Hà Nội vừa rồi kiểm tra và thu hồi 800ha của 11 dự án, Long An kiểm tra 57 dự án và thu hồi được khoảng 3000 ha… Hiện nay các tỉnh đều thấy rõ vấn đề đấy, tất nhiên cũng còn một số vướng mắc này khác thì chúng ta phải cùng nhau khắc phục, giải quyết.
Theo VnMedia