Sự hung hăng của Trung Quốc tiếp tục bị học giả quốc tế lên án

03/08/2012 13:22
T.H
(GDVN) - Sự hung hăng của Bắc Kinh không chỉ khiến các nước Đông Nam Á mà cả Nhật, Hàn Quốc và Ấn Độ thật sự lo ngại.
Liên quan đến việc Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) ngang nhiên mời thầu khai thác chín lô dầu khí nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, Reuters dẫn lời một nguồn tin từ Bắc Kinh tiết lộ các công ty nước ngoài có khoảng thời gian từ nay đến tháng 6-2013 để quyết định có dự thầu hay không. “Quan điểm của chính quyền Trung Quốc rất rõ ràng. Họ muốn chiếm đoạt và phát triển khu vực này” - giám đốc một tập đoàn dầu khí quốc tế nhận định. Thông tin này được đăng tải trên báo Tuổi trẻ.
Cũng theo báo này, lo ngại việc Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục hợp tác thăm dò dầu khí trên biển Đông, Thời Báo Hoàn Cầu ngày 31-7 cho rằng Bắc Kinh cần “có phản ứng mạnh”, “cần tăng cường sức ép chính trị” với Việt Nam và Ấn Độ. Báo này còn dẫn lời học giả Tôn Hạo thuộc ĐH Ngoại giao Trung Quốc cho rằng sự hợp tác giữa New Delhi và Hà Nội không xuất phát từ lợi ích kinh tế mà là chính trị. “New Delhi muốn làm phức tạp thêm vấn đề nhằm ghìm Trung Quốc vào đó, để họ (Ấn Độ) có thể thống lĩnh trong các vấn đề ở khu vực” - báo này lo ngại viết.

Tàu hải giám Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Tàu hải giám Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Các hành động gây hấn của Trung Quốc tiếp tục bị giới học giả khu vực và quốc tế chỉ trích dữ dội. Trên trang Russia & India Report, giáo sư quan hệ quốc tế Rupakjyoti Borah thuộc ĐH Pandit Deendayal Petroleum cho rằng Trung Quốc đang thử thách ý chí của các nước láng giềng cũng như quyết tâm “tái cân bằng lực lượng” của Mỹ ở châu Á. Ông nhấn mạnh sự hung hăng của Bắc Kinh không chỉ khiến các nước Đông Nam Á mà cả Nhật, Hàn Quốc và Ấn Độ thật sự lo ngại.
Giáo sư Borah cho rằng Ấn Độ cần tham gia nỗ lực gìn giữ hòa bình, ổn định trên biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, và bảo vệ các lợi ích thương mại của Ấn Độ tại Việt Nam. Do đó, New Delhi cần tăng cường hợp tác với ASEAN để đảm bảo an toàn hàng hải trên biển Đông và kêu gọi Trung Quốc đàm phán hòa bình để giải quyết tranh chấp.
Trên báo Jakarta Post, học giả Yohanes Sulaiman thuộc ĐH Quốc phòng Indonesia cũng nhận định các hành động của Trung Quốc xuất phát từ những rối ren chính trị và xã hội trong nội bộ nước này. Trong những năm gần đây, biểu tình chống bất công xã hội liên tục bùng phát ở Trung Quốc do tình trạng tham nhũng tràn lan, khoảng cách giàu nghèo tăng vọt. Theo học giả Sulaiman, thái độ cứng rắn của Bắc Kinh về vấn đề biển Đông chính là do áp lực từ một số thành phần khác trong nước, và điều này sẽ chỉ có hại cho các lợi ích chiến lược của Trung Quốc xét về lâu dài.

Trung Quốc "chăng dây rào bãi Scarborough"

Thông tin được đăng tải trên các báo, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin hôm 2-8 cho biết tàu cá Trung Quốc trước khi rời đi đã phong tỏa lối vào khu đầm phá bãi cạn Scarborough.

Tàu khu trục lớp Maestrale của Ý. Ảnh: Wikipedia
Tàu khu trục lớp Maestrale của Ý. Ảnh: Wikipedia

Theo lược dịch của Người lao động, thông tin mới nhất từ Lực lượng phòng vệ bờ biển cho biết người Trung Quốc đã dùng phao để cố định một dây thừng dài bắt ngang qua lối vào khu đầm phá nói trên. Ông Gazmin nói: “Có thể người Trung Quốc làm như thế để ngăn chúng tôi vào đó vì họ đang tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough. Dĩ nhiên chúng tôi luôn xem khu vực này là lãnh thổ của mình”.

TOÀN CẢNH TRƯỜNG SA - HOÀNG SA NHÌN TỪ ĐẤT LIỀN
BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA
AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY

Ông Gazmin cho biết thêm rằng Bộ Quốc phòng đang cân nhắc cách thức xử lý sợi dây thừng nói trên. Tàu Philippines vẫn chưa quay trở lại bãi cạn Scarborough trong những ngày gần đây do thời tiết xấu.
Vụ việc trên diễn ra trong bối cảnh Philippines đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó động thái khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông.
Bộ trưởng Gazmin tiết lộ nước này có kế hoạch mua 2 tàu khu trục lớp Maestrale của Ý vào năm tới. Hai tàu này được trang bị tên lửa đất đối không và đất đối đất, có khả năng săn tàu ngầm ở biển Đông. Nếu hợp đồng trị giá 11,7 tỉ peso (khoảng 5.816 tỉ đồng) này được ký kết, đây sẽ là lần đầu tiên Philippines sở hữu tàu chiến được trang bị tên lửa và những vũ khí hiện đại khác.
Theo ông Gazmin, 2 tàu khu trục này có khả năng sát thương cao hơn so với tàu tuần duyên lớp Hamilton mà Mỹ bán cho Philippines.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Fernando Manalo cho biết Manila có thể ký hợp đồng mua 10 trực thăng tấn công của hãng Eurocopter (Pháp) trong tháng này. Không dừng lại ở đó, Bộ Quốc phòng Philippines còn đề xuất mua máy bay chiến đấu đa chức năng KAI T-50 Golden Eagle của Hàn Quốc.
T.H