Phản ứng của TQ về "thông điệp biển Đông" của Mỹ chỉ là ngụy biện!

05/08/2012 09:30
Hồng Thủy, Anh Vũ
(GDVN) - Tân Hoa xã khẳng định những lời cáo buộc chống lại Trung Quốc của quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell, cùng với các cáo buộc tương tự khác của Washington, là căn cứ và vô trách nhiệm.
> Tra cứu ĐIỂM THI ĐH-CĐ 2012 nhanh, chính xác nhất
> Tìm hiểu đất nước Ireland, cơ hội nhận quà cực lớn
> Cả xã hội quan tâm: Tình hình biển Đông 

Hôm thứ Sáu, Mỹ đã lên tiếng quan ngại về căng thẳng gia tăng trên Biển Đông và đặc biệt là việc Trung Quốc tuyên bố thành lập (cái gọi là) "thành phố Tam Sa" và thành lập đơn vị đồn trú quân sự mới.
Ngay sau đó, ngày 4/8, hãng tin Tân Hoa Xã và giới truyền thông nhà nước Trung Quốc dường như ngay lập tức lu loa lên rằng đó là "công việc nội bộ" của Trung Quốc và "Mỹ đừng xía vô".

Hãng thông tấn này đã cố tình lập lờ đánh lận con đen khi coi việc lấn chiếm, chiếm đóng trái phép biển, đảo của nước khác, âm mưu kiểm soát tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch trên biển Đông là "công việc nội bộ".

Tàu Ngư Chính 310 của Trung Quốc thường xuyên hoạt động trái phép trên biển Đông.
Tàu Ngư Chính 310 của Trung Quốc thường xuyên hoạt động trái phép trên biển Đông.

Tân Hoa Xã vẫn khẳng định, Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược đối với thương mại toàn cầu, do đó bất kỳ sự gia tăng bất ổn nào trên vùng biển này đều dễ gây nên sự chú ý trên toàn thế giới.
Nhưng tình huống không ổn định đòi hỏi sự thận trọng và cân nhắc kỹ càng. "Khi một bên thứ 3 cố gắng làm cho sóng lớn hơn, có thể họ đã ở trên bãi biển để chờ đợi nhận những gì sẽ dạt vào bờ" - bài viết trên Tân Hoa Xã cho biết. Vậy việc phái 30 tàu cá ra thăm dò và đánh bắt trái phép ở Trường Sa còn chưa hết nóng, Bắc Kinh đã thúc đẩy 9000 tàu cá ồ ạt kéo bè ra biển Đông phải chăng chính là "sự thận trọng và cân nhắc kỹ càng" của Trung Quốc? 
Tân Hoa Xã khăng khăng cho rằng những phát biểu của quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell  là nhằm "chống lại Trung Quốc" (thực tế đúng là những phát biểu này nhằm mục đích ngăn chặn và chống lại thói hung hăng, côn đồ và những dự tính, âm mưu của Bắc Kinh muốn độc chiếm biển Đông - PV). Truyền thông Trung Quốc cáo buộc, phát biểu trên cùng những thông điệp tương tự khác của Washington là "vô căn cứ và vô trách nhiệm".

Quyền phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Patrick Ventrell
Quyền phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Patrick Ventrell

Tân Hoa Xã tiếp tục luận điệu sai trái, bất chấp công luận và hệ thống nguyên tắc pháp lý, thông lệ quốc tế về cái gọi là "thành phố Tam Sa" và "khu phòng thủ Tam Sa" khi cho rằng, đó là một điều chỉnh bình thường trong cơ cấu hành chính và quân sự của Trung Quốc và là một vấn đề hoàn toàn trong chủ quyền của Trung Quốc."
Theo hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc này, các động thái vừa qua của Bắc Kinh trên biển Đông không có nghĩa rằng Trung Quốc đang từ bỏ chính sách Biển Đông truyền thống. Bắc Kinh vẫn cam kết tìm kiếm giải pháp thích hợp để giải quyết tranh chấp thông qua các cuộc đàm phán song phương và tham khảo ý kiến lẫn nhau.

Như vậy người ta lại càng dễ thấy, Bắc Kinh đang nói một đằng, làm một nẻo.

Gần 9000 tàu Trung Quốc đã tràn ra Biển Đông đánh bắt cá trái phép.
Gần 9000 tàu Trung Quốc đã tràn ra Biển Đông đánh bắt cá trái phép.

Bài viết còn rêu rao rằng, Trung Quốc đã luôn luôn cố gắng kiềm chế tối đa. Đó là mong muốn thành thật của Trung Quốc để biến Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác, và tầm nhìn được chia sẻ rộng rãi trên toàn khu vực và thế giới rộng lớn.

"Kiềm chế tối đa" mà còn xua 4 tàu Hải giám ra Trường Sa diễn tập trái phép ngay sát thềm hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, kéo 30 tàu cá thành biên đội ra đánh bắt trái phép tại Trường Sa chưa xong, lại tung tiếp 9000 tàu cá ồ ạt ra biển Đông. Nếu Trung Quốc "không kiềm chế", không biết tình hình biển Đông sẽ còn đi đến đâu, Tân Hoa Xã chắc hẳn hiểu rõ điều này vì phóng viên của họ có mặt trong tất cả các hoạt động vừa nêu.

Bên cạnh đó, bài viết trên Tân Hoa Xã nói rằng, siêu cường duy nhất trên thế giới (Mỹ) đang cố gắng chia rẽ, tạo ra một khoảng cách giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, từ đó để cắt đứt đôi cánh của Trung Quốc.

Trong khi trên thực tế, tất cả các bên liên quan trên biển Đông đều bất bình, phẫn nộ trước những hành động leo thang của Bắc Kinh trên biển Đông. Nếu thực sự Trung Quốc coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị như họ vẫn nói, biết tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước biển Liên Hợp Quốc 1982 mà Bắc Kinh là 1 thành viên thông qua, thì Mỹ có cố gắng đến đâu cũng chẳng dễ gì "chia rẽ".

Tân Hoa xã cho rằng, Washington nên rút lui sự can thiệp của mình vào tranh chấp Biển Đông.
Trung Quốc hoan nghênh một vai trò xây dựng của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc và các nước láng giềng tham gia có khả năng và trí tuệ để giải quyết tranh chấp của riêng mình - Tân Hoa xã khẳng định.
Thâm ý đằng sau những ngôn từ mỹ miều của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc ai cũng hiểu, bởi một nguyên lý quá giản đơn là Trung Quốc bẻ từng chiếc đũa sẽ dễ hơn là bẻ cả bó đũa. Âm mưu độc chiếm biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc vẫn không có gì thay đổi. Mỹ và các bên liên quan đâu phải trẻ lên 3 để một vài câu dỗ dành của Tân Hoa Xã là sẵn sàng rút lui để mặc Bắc Kinh muốn làm gì thì làm?

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!



Hồng Thủy, Anh Vũ