Tái mặt những thông điệp trên áo của giới trẻ

22/04/2011 11:53
“Tôi còn 99% zin!” hay “Thèm tình!”, “Ngực tôi khủng lắm đó!”... là nghĩa của thông điệp bằng tiếng Anh in trên áo được nhiều bạn trẻ vô tư chưng diện...

“Tôi còn 99% zin!”  hay “Thèm tình!”, hoặc “Ngực tôi khủng lắm đó!”, “Sẵn sàng qua đêm!”, “Đang thích chết, đừng động vào thằng này!”.... nghĩa của thông điệp bằng tiếng Anh in trên áo được nhiều bạn trẻ vô tư chưng diện trên phố hiện nay không khỏi khiến nhiều người choáng váng...

>> Bắt bệnh khoe hàng hiệu “nực cười” trên mạng của teen
>> Con trai “lộ hàng”, hậu quả ngoài dự tính
>> Giật mình "mốt" khoe thân của những cô gái nhỏ

Chẳng hiểu "mô tê" gì về những ngoại ngữ in trên áo phông của con gái, chị Thủy đành viết ra giấy rồi đến cơ quan nhờ dịch. Đồng nghiệp dịch tới đâu, chị choáng váng tới đó...

Vì con không muốn làm... thằng đụt


Trời bắt đầu vào hạ, Ngọc - cô con gái 14 tuổi của chị Thủy (ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) xin mẹ tiền để sắm mấy cái áo phông mặc cho mát. Thấy lý do chính đáng, chẳng ngần ngại, chị Thủy cho con tiền.

Chuyện chẳng có gì đáng nói, nếu như mỗi lần Ngọc mặc những áo phông mới mua mà hàng xóm không túm năm tụm ba xì xầm. Có người còn ghé tai chị Thủy nói: “Chẳng hiểu cô thế nào mà cho con gái mặc áo phông đó?!”. Ngạc nhiên trước những phản ứng này, chị bắt đầu để ý dòng chữ tiếng Anh được in trên áo con. Chẳng hiểu mô tê gì ngoại ngữ, chị Thủy đành viết ra giấy rồi đến cơ quan nhờ dịch.

 Áo phông có hình kinh dị đang là “mốt” với một bộ phận giới trẻ
Áo phông có hình kinh dị đang là “mốt” với một bộ phận giới trẻ.

Đồng nghiệp dịch tới đâu, chị Thủy lại choáng váng và xấu hổ tới đó. Bởi những dòng chữ ấy có nội dung như: “Tôi còn 99% zin!”  hay “Thèm tình!”, hoặc “Ngực tôi khủng lắm đó!”, “Sẵn sàng qua đêm!”...

Sốc và choáng váng, chị định thần một lúc rồi lao về nhà hỏi chuyện cho ra nhẽ. Khác với sự choáng váng của chị, Ngọc có vẻ thản nhiên: “Con tưởng chuyện gì, có vài câu tiếng Anh mà mẹ cứ làm loạn cả lên. Bạn bè con thường mặc thế mà!”. “Thế con có hiểu những câu in trên đó không mà mặc?”. “Tất nhiên là con hiểu. Những câu đó còn “nhẹ nhàng” đấy, bạn con còn nhiều câu “khủng” hơn”. Câu trả lời của con gái, một lần nữa làm chị Thủy phát hoảng.

Cũng sốc không kém chị Thủy là anh Hoàng Tuấn Tú (ở Từ Liêm, Hà Nội). Một lần vô tình đi ngoài đường, anh bắt gặp cậu con trai mới lớn mặc chiếc áo phông có in hình một con dao đâm trúng ngực một cô gái, máu chảy đầm đìa. Không chỉ con anh, dăm ba đứa bạn đi cùng cũng mặc chiếc áo có in các hình bạo lực đầy gươm đao, máu chảy. Trông chúng chẳng khác gì bọn trẻ bụi đời. Anh nhớ lại, sáng nay, con trai anh đi học vẫn mặc quần áo đồng phục, nó thay áo ở đâu, bao giờ?.

Phóng về nhà, việc đầu tiên là anh kiểm tra tủ quần áo của con. Đập vào mắt anh là vô số áo phông in hình bạo lực: Từ hình mặt quỷ nhe hàm răng sắc nhọn đến hình đầu lâu, xương người trắng hếu, hình hai thanh kiếm vắt chéo nhau, xung quanh vương vãi máu me và mãng xà quấn chằng chịt... cùng với dòng chữ Việt rất khiêu khích: “Đang thích chết, đừng động vào thằng này!”, “Đang khát máu”, “Đại ca ngứa nghề tùng xẻo”.

Bực không nói thành lời, anh Tú nén lại, kiên nhẫn đợi con về nhà để hỏi chuyện. Thì ra, con trai anh, sáng đi học vẫn mặc quần áo đồng phục, nhưng vẫn không quên giấu chiếc áo phông “kinh dị” vào trong cặp để thay mỗi khi đi học về, hoặc đi chơi với đám bạn. Theo nó, mặc áo phông đó mới thể hiện “đẳng cấp” trẻ sành điệu. Mặc như vậy, nó mới thấy mình người lớn, ra oai và khiến người khác phải khiếp sợ. Để có tiền mua áo phông “thửa” ấy, nó đã lấy tiền mừng tuổi từ tết để sắm. “Nếu không có áo phông này, bạn bè con cho là thằng... “đụt”!”, thằng bé lí nhí đáp.

Hàng “độc” - cần là có


Tại cửa hàng áo phông tại phố Hàng Bông, Hà Nội, bà chủ cửa hàng không mấy ngạc nhiên khi được đề nghị in những câu “khiếm nhã” trên áo. Đối với bà và những người chủ hàng nhận in chữ trên áo phông thì chuyện đó chỉ là... chuyện vặt. Bởi, họ đã quá quen những đề nghị này nhất là bọn trẻ. Theo họ, chỉ cần có tiền, là họ sẽ đáp ứng yêu cầu.

 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nếu như những áo phông thường giá chỉ năm bẩy chục nghìn đồng, thì mỗi chiếc áo in hình kinh dị và dòng chữ “khiếm nhã” có giá 200.000-400.000 đồng, tùy vào sự “khủng” mà khách hàng yêu cầu. Thông thường, áo in hình càng rùng rợn thì giá bán càng cao và nhiều khi phải đặt hàng trước cả tuần lễ mới có.

Theo lời bà chủ hàng này thì mốt thời trang kinh dị này đã xuất hiện từ một vài năm nay. Lúc đầu chỉ có vài mẫu áo in hình đầu lâu, xương sọ đơn giản, nhập từ nước ngoài về. Sau đó, do sự lan truyền rộng rãi của nó trong giới trẻ, đơn đặt hàng ngày càng tới tấp trong khi hàng nhập về bị giới hạn, nhiều cửa hàng thời trang trong nước đã bắt đầu tự làm khuôn, in dập các hình ác quỷ, máu me, rắn rết lên lưng áo và những dòng chữ... “chẳng giống ai”!

Ngoài ra, để cạnh tranh về kiểu dáng và mẫu mã, một số cửa hàng thời gian tuổi teen còn bán cả áo khoác, dây nịt, vòng đeo tay, giày dép có in hình đầu lâu, xương xẩu. Thậm chí có nơi còn khuyến mãi, khi khách hàng mua trọn bộ áo phông, áo khoác và dây nịt sẽ được tặng một sợi dây chuyền hoặc nhẫn có mặt hình đầu lâu.

Bất chấp sự “choáng váng” của người những người xung quanh, trào lưu mặc áo phông với các slogan gây shock vẫn đang tiếp tục “hút hồn” nhiều bạn trẻ. Đối với các bạn trẻ, việc nổi loạn, việc những con mắt đổ dồn vào chiếc áo của mình là một sự thích thú. Muốn thể hiện bản thân, nhiều teen còn chẳng ngại gì chuyện... mỗi ngày một “tuyên ngôn” mới.

Bà Lê Hồng Hoa - chuyên gia tâm lý của Trung tâm tư vấn Tâm lý trẻ Hà Nội phân tích: “Đặc điểm tâm lý của giới trẻ là thích làm nổi, khẳng định giá trị bản thân và thể hiện trước đám đông nên thời trang có in hình và chữ là một lựa chọn hiệu quả để thể hiện cá tính của mình. Nhưng một số bạn trẻ đã thể hiện mình một cách quá lố.

Những hình ảnh bạo lực, chết chóc, câu nói dung tục, khiêu khích in trên áo vô hình trung sẽ tạo nên lối ứng xử và suy nghĩ bi quan, tiêu cực, ảnh hưởng không tốt đến quá trình hình thành nhân cách của các em. Hơn nữa, nhiều người còn đánh giá con người và dành sự tôn trọng hay coi thường phần nào qua cách bạn trẻ lựa chọn trang phục ấy”.

Nếu không kịp thời ngăn chặn, các kiểu thời trang kinh dị này sẽ ngày càng phát triển, trở thành một trào lưu ăn mặc khá phổ biến trong giới trẻ. Do đó xã hội cần gióng lên hồi chuông phê phán kiểu thời trang bạo lực và phi văn hóa này, trong đó vai trò giáo dục, nhắc nhở của nhà trường và sự dạy dỗ của các bậc phụ huynh là hết sức quan trọng.


Theo Pháp luật Việt Nam

>> Bắt bệnh khoe hàng hiệu “nực cười” trên mạng của teen
>> Con trai “lộ hàng”, hậu quả ngoài dự tính
>> Giật mình "mốt" khoe thân của những cô gái nhỏ