Trung Quốc xây dựng hạm đội tàu sân bay: hạn chế từ động cơ tàu 052C

10/08/2012 10:11
Việt Dũng (nguồn báo Phương Đông, Quang Minh)
(GDVN) - Trung Quốc thực sự vấp phải khó khăn không chỉ về động cơ hàng không, mà cả động cơ của tàu nổi cỡ lớn, nên sức chiến đấu rất hạn chế.
Hình ảnh tàu khu trục 052C lô thứ hai do dân mạng chụp được.
Hình ảnh tàu khu trục 052C lô thứ hai do dân mạng chụp được.

Báo Trung Quốc dẫn nguồn (chưa xác định độ chính xác) từ trang mạng quân sự “Diễn đàn hải quân Cao Ly” Hàn Quốc ngày 2/8, diễn đàn có bài viết phân tích những vấn đề tồn tại về tính năng và những hạn chế có thể gặp phải khi sử dụng tàu khu trục 052C trong tương lai, loại tàu chiến được Trung Quốc bắt đầu sản xuất hàng loạt.

Bài viết cho rằng, khi so sánh tàu khu trục 052C đang chạy thử trên biển với các tàu chiến cùng loại đã đưa vào hoạt động sẽ không khó phát hiện, thể tích tàu chiến không có sự thay đổi rõ rệt, điều này cho thấy Trung Quốc vẫn hoàn toàn chưa giải quyết được những hạn chế về thiết bị động lực (động cơ) cho tàu nổi cỡ lớn.

Đồng thời, những thông tin về tên lửa hành trình CJ-10 trang bị cho tàu khu trục 052C mới biên chế cũng cho thấy, Trung Quốc có thể đã nhầm lẫn trên phương diện cách thức sử dụng cụ thể tàu khu trục 052C.

Trong khi đó, lô tàu khu trục 052C mới nhất không thể trang bị công nghệ mới được sử dụng cho tàu hộ vệ 054A tiếp tục cho thấy, Trung Quốc còn chưa tiến hành ứng dụng rộng rãi công nghệ mới của hải quân cho tàu chiến tiên tiến.

Khu trục 052C vẫn đối mặt với hạn chế về thiết bị động lực

Hiện nay, một bức ảnh công bố trên trang mạng quân sự của Trung Quốc cho thấy, ở một nhà máy đóng tàu của Hải quân Trung Quốc có ít nhất 3 tàu khu trục 052C đang đồng thời lắp ráp, mức độ hoàn thành đều hơn 50%.

Trước đó đã có ít nhất 1 tàu khu trục 052C đã bắt đầu chạy thử. Do đó, tàu khu trục 052C có thể sẽ trở thành một loại tàu khu trục được sản xuất hàng loạt, kế tiếp sau tàu khu trục lớp Lữ Đại.

Biên đội tàu khu trục 052C
Biên đội tàu khu trục 052C

Nếu tiến hành so sánh tàu khu trục 052C (đang được chạy thử, chưa sơn số hiệu) với tàu chiến cùng loại khác đã biên chế sẽ không khó phát hiện, so với tàu chiến cùng loại cũ, tàu khu trục 052C mới chế tạo hoàn toàn không thay đổi về thể tích, như vậy Hải quân Trung Quốc có thể chưa giải quyết được “nút cổ chai” về động lực – thứ gây khó khăn lâu dài cho sự phát triển tàu nổi cỡ lớn. Do đó, hạn chế về sức chiến đấu của tàu khu trục 052C có thể lộ rõ trong tác chiến sau này, làm cho việc sử dụng loại tàu chủ lực này của Hải quân Trung Quốc sẽ bị hạn chế rất lớn.

Lấy chiếc tàu khu trục 052C đầu tiên, tàu khu trục Lan Châu, số hiệu 170, hạ thủy ngày 29/4/2003, làm tiêu chí, lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc đã có khả năng phòng không khu vực tầm trung và tầm xa. Nhưng, so với tàu chiến cùng loại cùng thời đại hoặc được trang bị tương đối sớm của Hải quân các nước xung quanh (như tàu khu trục lớp Kongo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản), tàu khu trục 052C vẫn có một khoảng cách nhất định về tính năng phòng không.

Nguyên nhân chính tạo ra khoảng cách này, ngoài hạn chế nhất định về tính năng tên lửa trang bị cho tàu khu trục 052C, loại tàu khu trục này bị hạn chế bởi thiết bị động lực, có thân tàu khá nhỏ (lượng giãn nước của tàu khu trục 052C thấp nhất trong số tàu chiến cùng loại trên thế giới) cũng là một nguyên nhân quan trọng tạo ra khoảng cách về tính năng.

Trong khi đó, giới hạn về không gian nâng cấp bởi thân tàu khá nhỏ, trái lại, đã hạn chế việc tiến hành nâng cấp các loại công nghệ sau này của tàu chiến, từ đó làm cho tàu khu trục 052C đối mặt với hạn chế nghiêm trọng trên 2 phương diện là tính năng ban đầu và tính năng nâng cấp.

Tàu khu trục 052C tại nhà máy đóng tàu.
Tàu khu trục 052C tại nhà máy đóng tàu.

Nhìn vào bố cục ống khói của tàu khu trục 052C, nó lấy tua-bin chạy ga (tua-bin khí) làm động lực chính. Loại động cơ cụ thể chỉ có thể là DN-80 của Ukraine hoặc phiên bản sao chép của Trung Quốc. Tính năng công nghệ của loại tua-bin chạy ga này dẫn đầu trên thế giới, nhưng dù đã được Ukraine và Trung Quốc nâng cấp công nghệ nhiều lần, nó vẫn có điểm yếu cố hữu là thể tích tua-bin chạy ga tương đối lớn, độ tin cậy khá kém, tuổi thọ sử dụng tương đối thấp.

Mặc dù công suất của tua-bin chạy ga DN-80 lớn hơn tua-bin chạy ga LM-2500 nổi tiếng thế giới do Mỹ chế tạo, nhưng trong quá trình phát triển tàu khu trục 052C, Trung Quốc lại đối mặt với vấn đề trang bị 2 tua-bin chạy ga DN-80 thì không đủ công suất, trong khi trang bị 4 chiếc thì quá thừa.

Cuối cùng, Trung Quốc chỉ có thể thiết kế tàu khu trục 052C thành tàu lớp 6.000 tấn thích hợp với 2 tua-bin chạy ga DN-80. Trong khi thể tích tàu khu trục 052C lô mới vẫn giữ kích thước vốn có cho thấy, Trung Quốc hoàn toàn không giành được đột phá trên phương diện thiết bị động lực của tàu khu trục. Điều này chắc chắn tương đối bất lợi cho Trung Quốc, nước đang ở trong thời kỳ phát triển lớn về hải quân, lấy xây dựng biên đội tàu sân bay làm đại diện.

Những thông tin về tên lửa hành trình cho thấy Trung Quốc có nhầm lẫn trong sử dụng tàu khu trục 052C

Trước đây, truyền thông Nga tiết lộ, Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa CJ-10 trên tàu thử nghiệm, đồng thời suy đoán, Trung Quốc sẽ trang bị loại tên lửa này cho lô tàu khu trục 052C mới. Mặc dù suy đoán này thiếu cơ sở lý luận, nhưng thông qua phân tích tính năng của lô 2 tàu khu trục 052C đầu tiên đã biên chế có thể phát hiện, suy đoán này hoàn toàn không phải vô căn cứ.

Tên lửa chống hạm C-803 Trung Quốc.
Tên lửa chống hạm C-803 Trung Quốc.

Trước tàu khu trục 052C, tất cả tàu nổi cỡ lớn của Hải quân Trung Quốc trang bị tên lửa chống hạm dòng C-802 có tầm phóng khoảng 120 km. Trong khi đó, tàu khu trục 052C lại trang bị tên lửa chống hạm dòng C-803 có tầm phóng hơn 280 km (suy đoán). Do đó, mặc dù định vị ban đầu của tàu khu trục 052C là một loại tàu khu trục kiểu phòng không khu vực, nhưng Trung Quốc luôn muốn biến nó thành một trang bị có khả năng tấn công chống hạm số một.

Vì vậy, nếu Trung Quốc thực sự có kế hoạch chế tạo tên lửa hành trình tầm xa CJ-10 phiên bản hải quân, thì tàu khu trục 052C được trang bị đầu tiên cũng là hợp lý. Nhưng vấn đề dường như bình thường này lại cho thấy Trung Quốc nhầm lẫn trong sử dụng tàu khu trục 052C.

Mọi người đều biết, sau khi tiếp thu kinh nghiệm chế tạo tàu nổi ban đầu của Liên Xô, Trung Quốc luôn cố gắng tạo ra phong cách công nghệ tàu nổi cỡ lớn mang đặc sắc Trung Quốc. Bởi vì, trong quá trình sử dụng và chế tạo tàu nổi kiểu Nga, Trung Quốc sớm phát hiện, rất nhiều thiết bị điện tử và vũ khí rườm rà trên thân tàu tương đối nhỏ của tàu chiến kiểu Nga rất có thể gây ra sự cố nghiêm trọng.

Nhưng, Hải quân Trung Quốc từ sớm đã giống với Hải quân Nga là thiếu lâu dài tàu nổi cỡ lớn. Vì vậy, Trung Quốc đã buộc phải chế tạo tàu chiến kiểu tổng hợp có thân tàu khá nhỏ, phát triển có chiều sân và đơn giản hoá về công nghệ. Tàu khu trục 052C là tàu khu trục cỡ lớn nhất đang được Trung Quốc chế tạo, để nó có khả năng tác chiến tổng hợp, đặc biệt là khả năng chống hạm như Hải quân Trung Quốc luôn coi trọng, chắc chắn là nội dung tương đối quan tâm của Hải quân Trung Quốc.

Tuy nhiên, tàu khu trục 052C bị hạn chế về động cơ, tiềm năng nâng cấp thân tàu tương đối hạn chế, trong khi nó là một loại tàu khu trục kiểu phòng không chuyên trách, trang bị tên lửa hành trình tầm xa CJ-10 chiếm không gian tương đối lớn chắc chắn là một việc làm “được không bằng mất”.

Tên lửa hành trình Trường Kiếm-10 (CJ-10) của Trung Quốc.
Tên lửa hành trình Trường Kiếm-10 (CJ-10) của Trung Quốc.

Nhưng có quan điểm cho rằng, Mỹ cũng trang bị tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk (tương tự tên lửa CJ-10) trên tàu khu trục lớp Arleigh Burke (tương tự tàu khu trục 052C). Vì vậy, Trung Quốc trang bị tên lửa hành trình tầm xa CJ-10 cho tàu khu trục 052C không phải không có chỗ thích hợp. Song quan trọng ở chỗ, tàu khu trục lớp Arleigh Burke trang bị tên lửa hành trình Tomahawk trong hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng kiểu MK-41, hoàn toàn không chiếm diện tích boong tàu.

Đồng thời, Mỹ còn tích hợp rất có hiệu quả việc phát hiện và dẫn đường của tên lửa hành trình Tomahawk vào hệ thống Aegis của tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Trong khi đó, tàu khu trục 052C rõ ràng không thể tích hợp có hiệu quả tên lửa hành trình tầm xa CJ-10 vào hệ thống kiểm soát hoả lực và vũ khí trang bị của tàu chiến.

Nếu phải tiến hành tích hợp một cách cưỡng ép, không chỉ đối mặt với rất nhiều hạn chế về công nghệ, điều quan trọng hơn khả năng tác chiến phòng không khu vực với vai chính là tàu khu trục 052C sẽ tiếp tục bị hạn chế.

Sự thiếu sót của tàu khu trục 052C cho thấy sự phổ biến công nghệ mới của Trung Quốc còn hạn chế

Lấy tàu khu trục 052B làm tiêu chí, Trung Quốc đã bắt đầu một đợt cao trào đóng tàu mới, đồng thời cũng đã bắt đầu tiến hành đuổi kịp trình độ tiên tiến của tàu chiến thế giới. Như vậy, Trung Quốc đã có khả năng thiết kế tàu chiến bán tàng hình cỡ lớn thế hệ thứ hai.

Tàu hộ vệ 054A Hải quân Trung Quốc
Tàu hộ vệ 054A Hải quân Trung Quốc

Lấy tàu khu trục 052C làm tiêu chí, Trung Quốc đã có khả năng chế tạo tàu khu trục cỡ lớn tàng hình, có khả năng phòng không khu vực. Còn lấy tàu hộ vệ 054A làm tiêu chí, Trung Quốc lần đầu tiên đã trang bị hệ thống phóng thẳng tên lửa “nóng/nhiệt”, tương tự MK-41 của Mỹ. Tàu hộ vệ 054A cũng trở thành tàu chiến có số lượng chế tạo lớn nhất trong số tàu chiến thế hệ mới của Trung Quốc.

Như vậy, hầu như toàn bộ công nghệ trang bị cho tàu hộ vệ 054A, trong đó có hệ thống phóng thẳng tên lửa “nóng” nội địa, đều đã hoàn toàn hoàn thiện. Nhưng, khi nhìn vào tàu khu trục 052C đang chạy thử, nó vẫn sử dụng hệ thống phóng thẳng tên lửa “lạnh” kiểu cố định, tương tự hệ thống phóng thẳng kiểu bàn quay (turntable) của Nga. Hạn chế công nghệ này cho thấy, Trung Quốc có lẽ vẫn chưa thực hiện được việc phổ biến công nghệ mới một cách có hiệu quả. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài đối với việc phát huy sức chiến đấu của tàu nổi cỡ lớn của Hải quân Trung Quốc.

Tham khảo mô hình phát triển của tàu khu trục lớp Arleigh Burke Mỹ, hệ thống kiểm soát hoả lực (với trung tâm là radar quét điện tử trang bị cho tàu chiến) và hệ thống phóng thẳng tên lửa “lạnh” là hai bộ phận không thể tách rời. Hệ thống phóng thẳng tên lửa “lạnh” nhờ sự tích hợp và tính thông dụng chưa từng có của nó, có khả năng mang theo và phóng tên lửa đầy đủ, theo đó việc nâng cấp tính năng hệ thống kiểm soát hoả lực đã tăng cường sức chiến đấu. Nhưng, Trung Quốc lại tách hai bộ phận này ra, lần lượt trang bị ở hai loại tàu chiến.

Mặc dù tàu khu trục 052C và tàu hộ vệ 054A sau này kết hợp sử dụng, tính năng hiệp đồng trong kiểm soát hoả lực và vũ khí trang bị vẫn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Một trong những nguyên nhân căn bản gây ra hạn chế này chính là sau khi hiểu rõ hệ thống phóng thẳng tên lửa “lạnh” của tàu hộ vệ 054A, hoàn toàn không thể tiến hành thành công nghiên cứu phát triển sâu sắc để hệ thống phóng tên lửa mới có khả năng đồng thời tích hợp tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa, từ đó có khả năng trang bị cho tàu khu trục phòng không khu vực.

Tàu sân bay Varyag Trung Quốc.
Tàu sân bay Varyag Trung Quốc.

Tàu sân bay Varyag vừa hoàn thành chạy thử 25 ngày, lúc này người ta lại tập trung chú ý hơn vào việc xây dựng biên đội tàu sân bay cỡ lớn tương tự như Hải quân Mỹ. Nhưng, biên đội tàu sân bay chỉ là một trong rất nhiều bộ phận hợp thành của Hải quân Mỹ.

Hải quân Mỹ sở dĩ có thể luôn xưng hùng ở các đại dương trên thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai, lý do chủ yếu nhất là các loại tàu nổi của Hải quân Mỹ có khả năng thực hiện các hành động tác chiến, mà việc đạt được khả năng này, ở mức độ rất lớn, chính là phụ thuộc vào việc phổ biến có hiệu quả công nghệ mới trên tàu chiến chính.

Đối với Trung Quốc, nếu vẫn lấy radar quét điện tử “phiên bản hải quân” và hệ thống phóng thẳng tên lửa làm ví dụ, nó phải đồng thời phát triển theo hai phương hướng là “phóng đại” và “thu nhỏ” về kích cỡ. Ý nghĩa của “phóng đại” là làm cho Hải quân Trung Quốc trong đó có tàu khu trục 052C có khả năng tác chiến đầy đủ và tiên tiến, tiến tới có khả năng đảm đương nhiệm vụ tác chiến cường độ cao trong biên đội tàu sân bay.

Còn ý nghĩa của “thu nhỏ” là làm cho tàu hộ vệ như 054A, thậm chí nhỏ hơn như tàu hộ vệ 056, có khả năng tác chiến tổng hợp như tàu chiến đấu duyên hải của Mỹ, có khả năng chiếm ưu thế trong các cuộc xung đột trên biển cường độ thấp. Việc có đủ khả năng trên hai phương diện này sẽ làm cho Hải quân Trung Quốc từng bước có khả năng tác chiến tổng hợp, thích ứng với các hình thức tác chiến, tương tự như Hải quân Mỹ.

Tàu khu trục 052C trang bị hệ thống phóng thẳng tên lửa.
Tàu khu trục 052C trang bị hệ thống phóng thẳng tên lửa.
Việt Dũng (nguồn báo Phương Đông, Quang Minh)