Thiếu tướng Kim Nhất Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Đại học Quốc phòng Trung Quốc. |
Ngày 3/8, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell đã chỉ đích danh việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và thiết lập “khu phòng thủ Tam Sa” là “đi ngược lại những nỗ lực ngoại giao giải quyết bất đồng, hơn nữa còn có thể tiếp tục làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng ở khu vực này (biển Đông)”.
Đáp lại, ngày 4/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã bày tỏ bất mãn và phản đối Mỹ ra Tuyến bố vấn đề biển Đông.
Đối với vấn đề này, Tân Hoa xã dẫn lời Thiếu tướng Kim Nhất Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Đại học Quốc phòng Trung Quốc để biện hộ cho lập trường của Trung Quốc, chỉ trích Mỹ dám “vạch mặt” Trung Quốc, đồng thời cáo buộc Mỹ đang tập trung bao vây và làm tiêu hao Trung Quốc.
Tuy nhiên, thực hư thế nào cõ lẽ công luận cũng đã nhận ra ai là kẻ muốn biển biển Đông thành của sở hữu riêng, thành cái ao nhà và chà đạp lên luật pháp quốc tế.
Kim Nhất Nam cho rằng, đối với Mỹ, Tuyên bố vấn đề biển Đông vừa qua của Bộ Ngoại giao Mỹ là một hành vi bình thường, do “Mỹ can thiệp công việc nội bộ của nước khác quá nhiều”. Nhưng, nhìn vào toàn bộ tình hình biển Đông, lại rất khác thường.
Kim Nhất Nam biện hộ rằng, người đầu tiên gây ra tranh chấp ở biển Đông không phải là Trung Quốc, mà đẩy trách nhiệm sang cho Philippines rằng Philippines đã bắt giữ tàu cá Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough. Khi đó, Mỹ không ra tuyên bố chỉ trích Philippines.
Kim Nhất Nam tiếp tục vô cớ nói rằng, Việt Nam thông qua Luật biển đã đưa quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa của Trung Quốc vào bản đồ Việt Nam (trên thực tế đây là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền không thể trang cãi của Việt Nam với đầy đủ bằng chứng về lịch sử và pháp lý, như bản đồ nhà Thanh – Trung Quốc đã vẽ).
Kim Nhất Nam dùng lý lẽ có lẽ là "cùn" nhất trong các loại cùn nói rằng: "Khi đó, Mỹ cũng không ra tuyên bố chỉ trích Việt Nam “làm ảnh hưởng xấu đến giải quyết hòa bình vấn đề biển Đông”".
Tướng Trung Quốc biện hộ, Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" là một "phản ứng bị động". |
Kim Nhất Nam biện hộ rằng, Trung Quốc thiết lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” chính là một “phản ứng bị động” trước các “hành động gây hấn, từng bước chiếm đoạt lãnh thổ Trung Quốc” của nước khác, nhất là việc Việt Nam thông qua Luật biển. Trên thực tế đây là hành động chà đạp lên luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền quốc gia của phía Trung Quốc mà công luận thế giới đã thấy quá rõ.
Kim Nhất Nam nói rằng, lẽ ra Trung Quốc phải thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” từ năm 2007, nhưng mà Trung Quốc đã “quan tâm đến tình cảm của các bên ở biển Đông, đã đẩy lùi thời gian thiết lập thành phố Tam Sa tới 4-5 năm”, cho đó là “thiện chí” (nhưng bản chất là ý đồ từ lâu) của Trung Quốc.
Tướng Kim Nhất Nam cáo buộc Mỹ ra Tuyên bố biển Đông là “thêm dầu vào lửa” trong vấn đề biển Đông, chứ không phải là muốn bảo vệ hòa bình biển Đông, dùng phương pháp hòa bình để giải quyết vấn đề biển Đông.
Kim Nhất Nam suy đoán vô căn cứ, nặng về suy đoán chủ quan nhấn mạnh rằng, nếu không có sự “ủng hộ ngầm” của Mỹ, thì “giải quyết hòa bình vấn đề biển Đông hoàn toàn không phải là vấn đề quá khó”. Ông suy đoán, Mỹ đang “âm thầm làm chỗ dựa” cho các nước ĐNA để họ “mạnh dạn hơn, can đảm hơn từng bước chiếm đoạt cái mà Bắc Kinh gọi là "quyền lợi biển Đông thuộc chủ quyền" của Trung Quốc”. Và việc làm của Mỹ chắc chắn sẽ “đẩy biển Đông tới một cuộc đối đầu”.
Kim Nhất Nam tiếp tục cáo buộc: “Mỹ chính là người đứng sau Philippines và Việt Nam đưa biển Đông tới đối đầu, chứ không phải Trung Quốc, thậm chí không phải Philippines, cũng không phải Việt Nam”.
Mỹ tăng cường triển khai quân sự nhằm vào Trung Quốc. |
Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, Mỹ đã từ bỏ vai trò “trung lập”, bất ngờ công khai chỉ trích Trung Quốc. Còn tướng Kim Nhất Nam tiếp tục cáo buộc cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ làm như vậy.
Tân Hoa xã loan tin: "Cách đây không lâu, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có chuyến thăm nhiều nước vòng quanh Trung Quốc và “luôn có lời nói nhằm vào Trung Quốc, đến đâu cũng gây chia rẽ, ly gián, hoàn toàn không phù hợp với tư cách, nguyên tắc của một Ngoại trưởng”, đã gây khiêu khích nghiêm trọng đối với Trung Quốc. Và chính Tuyên bố vấn đề biển Đông của Bộ Ngoại giao Mỹ là sự tiếp diễn những lời nói của Ngoại trưởng Hillary Clinton"
Ngoài ra, Kim Nhất Nam còn bình luận, Mỹ một mặt nói quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương là vì an ninh của châu Á-Thái Bình Dương, quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương tuyệt đối không phải là để ngăn chặn Trung Quốc. Nhưng, từ sau khi Mỹ đề ra chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, khu vực châu Á-Thái Bình Dương bắt đầu “gió to sóng lớn”. Bất kể là vấn đề đảo Senkaku (tranh chấp Trung-Nhật) hay vấn đề biển Đông (tranh chấp Trung Quốc với các nước có liên quan trên biển Đông) đều có xu thế nóng lên. Kim Nhất Nam đưa ra kết luận thẳng tưng: "Mỹ không phải đem lại hòa bình cho châu Á-Thái Bình Dương"!
Kim Nhất Nam tuyên truyền, Mỹ nói là quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương không nhằm vào Trung Quốc, nhưng Mỹ, bằng cả lời nói và hành động, đang xây dựng một “hình thái bán Chiến tranh Lạnh”, xây dựng một trạng thái bao vây Trung Quốc.
Trong tình hình đó, “Mỹ muốn duy trì biển Đông có một độ nóng tương đối cao để phù hợp với lợi ích của Mỹ, tạo sự kiềm chế lớn hơn đối với Trung Quốc, làm tiêu hao lớn hơn đối với Trung Quốc, khả năng này phù hợp hơn với lợi ích của Mỹ”.
Mỹ vừa tổ chức diễn tập quân sự "Vành đai Thái Bình Dương-2012" có sự tham gia của 22 nước, không có Trung Quốc. |
"Mỹ bao vây Trung Quốc là một sự sắp đặt chiến lược lâu dài" - Tân Hoa xã TQ
Tân Hoa xã dẫn lời có nhà phân tích cho rằng, hiện nay, Mỹ một mặt công khai chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, mặt khác công khai khẳng định vấn đề đảo Senkaku thích hợp với Hiệp ước Bảo đảm An ninh Mỹ-Nhật, những động thái này đã phản ánh một tâm trạng “lo ngại chiến lược” của Mỹ.
Nhưng, tướng Kim Nhất Nam hoàn toàn không đồng tình Mỹ chỉ có “lo ngại chiến lược”. Theo ông, Nhật Bản “chiếm đoạt đảo Senkaku”, “Philippines gây hấn ở bãi cạn Scarborough” không chỉ phản ánh chính trị nội bộ của họ (như các chính trị gia Nhật Bản dựa vào cánh hữu để kiếm lá phiếu), mà còn phản ánh họ “cưỡng chiếm” vì lợi ích quốc gia.
Như vậy, không phải Mỹ chỉ có “lo ngại chiến lược”, mà là mưu tính sâu xa. Nếu chỉ coi là lo ngại chiến lược, là một phản ứng trước mắt, thì đã đánh giá thấp người Mỹ.
Mặc dù Mỹ tuyên bố không bao vây Trung Quốc, quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương là vì hòa bình ở khu vực này, trên thực tế, tình hình Mỹ bao vây Trung Quốc rất mạnh. Mỹ bao vây Trung Quốc về cơ bản chính là một trạng thái chiến lược của Mỹ, họ phải thực hiện bố trí thế trận cho trạng thái chiến lược này.
Kim Nhất Nam bình luận, trong quá trình thực hiện này, Mỹ có quá sốt ruột hay không có thể có yếu tố “lo ngại”. Nhưng nếu cho rằng, hành động này của Mỹ chỉ là “lo ngại chiến lược” là sai, thực tế là Mỹ bố trí thế trận đâu vào đấy, bĩnh tĩnh và đã trải qua tính toán lâu dài.
Kim Nhất Nam tiếp tục cho rằng: Mỹ muốn làm tiêu hao Trung Quốc, bao vây Trung Quốc, hạn chế sự phát triển của Trung Quốc, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc – điều này không thể nói là sự lo ngại chiến lược của Mỹ, mà là sự sắp đặt chiến lược của Mỹ. Không chỉ Tổng thống Mỹ Obama, Tổng thống Mỹ kế tiếp cũng sẽ làm như vậy. Theo đó, Kim Nhất Nam cho rằng, Trung Quốc phải chuẩn bị tốt và đầy đủ để ứng phó.
Mỹ và các nước Đông Nam Á tổ chức diễn tập quân sự liên hợp. |