Tác giả "Cảm xúc Trường Sa": Đem tính mạng "cược" với sóng biển Đông

12/08/2012 09:44
Nam Phong ghi
(GDVN) - Để có những tác phẩm tuyệt sắc về quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngoài biển Đông, NS nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn đã không ngại sóng to gió lớn, có thể ngã xuống biển bất cứ lúc nào, dù anh không biết bơi.


Hành trình của 300Gb ảnh

Với mỗi nghệ sĩ (NS) nhiếp ảnh, để có những tác phẩm được công chúng biết tới hay một triển lãm ảnh là điều vô cùng khó. NS nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn (PV tờ Thời Nay - Báo Nhân Dân) đã làm được cái điều tưởng chừng khó khăn ấy bằng triển lãm ảnh về Trường Sa đầy ý nghĩa với tên gọi "Cảm xúc Trường Sa".

NS nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn - tác giả của những tác phẩm trong triển lãm "Cảm xúc Trường Sa" (Ảnh nhân vật cung cấp)
NS nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn - tác giả của những tác phẩm trong triển lãm "Cảm xúc Trường Sa"  (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chùm ảnh:

Chùm ảnh: "Cảm xúc Trường Sa" với 68 bức ảnh tuyệt mỹ

Chùm ảnh: Tuyệt sắc Trường Sa của Việt Nam hiên ngang giữa biển Đông

Chùm ảnh: Tuyệt sắc Trường Sa của Việt Nam hiên ngang giữa biển Đông

Tháng 4 vừa qua, chuyến đi mà anh mong đợi từ bao năm đã trở thành hiện thực và chuyến đi ấy đã cho anh những thành quả ngoài sức tưởng tượng. NS Vũ Anh Tuấn chia sẻ, khi đi, anh chỉ ý niệm rằng sẽ phải tận dụng mọi khả năng, mọi điều kiện để làm sao chụp được càng nhiều ảnh càng tốt. Bởi ra thăm Trường Sa – vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc ngoài biển Đông là niềm mơ ước của không chỉ riêng anh mà là của bất cứ người dân Việt nào.

Lên đường với ý nghĩ ấy nên trong đầu anh không hề có bất cứ ý tưởng nào cho những chủ đề mà anh sẽ thực hiện trong chuyến đi 10 ngày ra đảo.

Anh Tuấn kể lại, những lúc trên tàu, anh luôn tìm tòi, quan sát để có thể bấm máy, ghi lại những khoảnh khắc ở bất cứ chỗ nào. Anh chuẩn bị sẵn chân máy đặt trên boong và phải buộc vào thành tàu, để “chắc ăn” anh móc vào giữa chân máy vật nặng để khỏi bị gió đánh bay, cố định chân máy và chỉ cần đặt máy lên là bấm.

Máy ảnh, ống kính… phục vụ cho chuyến công tác này được anh chuẩn bị rất kỹ. Nếu bình thường, khi mọi người đi đảo Trường Sa có thể phân vân về việc đem máy tốt, thiết bị tốt để chụp ảnh vì hơi nước biển, nước biển rất hại máy ảnh nhưng với NS Vũ Anh Tuấn thì không, anh mang những gì tốt nhất mà anh có, tất cả các phương tiện để phục vụ cho việc sáng tác của mình trong chuyến công tác này.

Anh chia sẻ lý do rất đơn giản rằng: “Đây là chuyến đi rất ý nghĩa, hơn nữa lại là người làm báo nên tôi tận dụng hết khả năng mình có, không ngại chuyện máy móc”. Cứ ngày lôi máy ra chụp, đến tối anh lại dùng khăn lau máy bằng nước ngọt để cái mặn của hơi nước biển không làm hỏng máy rồi làm khô cho ngày hôm sau chụp tiếp.

Tác phẩm "Bao la biển trời" của tác giả Vũ Anh Tuấn.
Tác phẩm "Bao la biển trời" của tác giả Vũ Anh Tuấn.

Vì vậy mà trong chuyến đi ấy, NS Vũ Anh Tuấn đã gặt hái gần 300Gb ảnh với hàng vạn bức ảnh về những thủy thủ trên tàu Hải quân, khu vực máy tàu, phong cảnh nơi biển đảo thiêng liêng của tổ quốc cũng như cuộc sống của những chiến sĩ, người dân trên đảo.

Đem tính mạng cược với sóng biển Đông

Với gần 300Gb ảnh, khi đổ ảnh ra máy tính, NS Vũ Anh Tuấn vô cùng ngạc nhiên vì những bức ảnh mà anh đã ghi lại.

Chia sẻ về bối cảnh ra đời những tác phẩm của mình, NS nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn cho biết, anh phải kiên nhẫn đợi chờ, bất chấp hiểm nguy lúc sóng to, gió lớn, bất chấp nguy cơ có thể bị ngã xuống biển, bị nước biển làm ướt máy… để chụp. Như tác phẩm “Rèm nước”, anh đã thực hiện trong một khoảnh khắc rất khó khăn và nguy hiểm.

Tác phẩm "Dạn dày sóng gió" được NS Vũ Anh Tuấn dày công thực hiện khi phải đợi chờ rất lâu để có được khoảnh khắc tuyệt vời này. Nó lột tả sự vất vả của các chiến sĩ nơi hải đảo thiêng liêng nhưng các anh rất đỗi kiên cường, dũng cảm, ngày đêm bám đảo, bám biển, bảo vệ chủ quyền của tổ quốc.
Tác phẩm "Dạn dày sóng gió" được NS Vũ Anh Tuấn dày công thực hiện khi phải đợi chờ rất lâu để có được khoảnh khắc tuyệt vời này. Nó lột tả sự vất vả của các chiến sĩ nơi hải đảo thiêng liêng nhưng các anh rất đỗi kiên cường, dũng cảm, ngày đêm bám đảo, bám biển, bảo vệ chủ quyền của tổ quốc.

Trong lúc ngồi trên thuyền chở PV vào thăm đảo, sóng biển lớn, thuyền được kéo đi rất chòng chành. Theo quy định của lực lượng Hải quân, mọi người đều phải ngồi xuống thuyền và bám chắc vào thành. Nhưng khi anh phát hiện sợ dây thừng lúc trùng xuống ngập nước rồi căng ra tạo thành những hàng nước, anh bất chấp hiểm nguy, đứng dậy, hai chân anh dạng rộng ra hai bên thuyền rồi nhanh chóng xử lý thông số tốc độ, khẩu độ và bấm máy. Anh nói đùa, nghĩ lại cứ thấy mình như đem tính mạng ra cược với sóng biển Đông.

Tác phẩm “Dạn dày sóng gió 2” được thực hiện khi sóng đánh lớn, nước biển đập vào bờ bọt bắn cao nhưng anh không ngại, anh lội xuống nước và đợi chờ rất lâu để “tóm” được thời khắc sóng xô tạo bọt trắng cho độ sáng của tiền cảnh được như ý muốn.

Anh Tuấn chia sẻ, khi về, xem lại những bức ảnh mà anh chụp mới thấy mình thật liều lĩnh, nếu lúc đó mà ngã xuống biển thì chỉ có uống nước no, có khi mất mạng vì anh không biết bơi.

Để thực hiện được những tác phẩm "Rèm nước", NS Vũ Anh Tuấn đã quên đi cái hiểm nguy, bất chấp việc có thể rơi xuống biển bất cứ lúc nào, trong khi anh không biết bơi.
Để thực hiện được những tác phẩm "Rèm nước", NS Vũ Anh Tuấn đã quên đi cái hiểm nguy, bất chấp việc có thể rơi xuống biển bất cứ lúc nào, trong khi anh không biết bơi.

Nói về ý tưởng tổ chức triển lãm ảnh Trường Sa, anh Tuấn cho hay, ban đầu và ngay cả khi kết thúc chuyến công tác “đặc biệt ấy" về đến đất liền anh cũng không hề mảy may ý định ra cuộc triển lãm cho mình.

Sau gần 3 tháng, bỗng anh chợt nghĩ tại sao mình không đem những tư liệu mà mình có được thông tin đến đông đảo công chúng, người dân được biết để hiểu thêm về cuộc sống đầy gian khó nhưng rất đỗi bình dị của người dân và các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ biển đảo của tổ quốc nơi ngoài xa biển Đông. Vậy là anh quyết định thực hiện cuộc triển lãm “Cảm xúc Trường Sa”.

Không phải đây là lần đầu tiên diễn ra cuộc triển lãm về Trường Sa mà trước đó đã có rất nhiều tập thể, cá nhân tổ chức triển lãm chủ đề này. Nhưng đây là triển lãm đầu tiên của cá nhân NS Vũ Anh Tuấn. Vì thế thách thức với anh là làm sao để đưa tới công chúng những góc nhìn khác biệt, mới mẻ nên cần có sự chọn lựa kỹ lưỡng và anh đã chọn được gần 70 tác phẩm tiêu biểu trong loạt ảnh này để trưng bày.

Ngay khi ra mắt, triển lãm "Cảm xúc Trường Sa" được anh em giới nghệ sĩ, bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao.

"Cảm xúc Trường Sa" đã thu hút rất đông công chúng trong nước và quốc tế thăm quan. Và ai cũng đều có chung cảm xúc về vẻ đẹp tuyệt vời của biển đảo của Việt Nam ngoài biển Đông. (Ảnh NP)
"Cảm xúc Trường Sa" đã thu hút rất đông công chúng trong nước và quốc tế thăm quan. Và ai cũng đều có chung cảm xúc về vẻ đẹp tuyệt vời của biển đảo của Việt Nam ngoài biển Đông. (Ảnh NP)

NS nhiếp ảnh – nhà báo Việt Văn (Báo Lao động), người từng đoạt nhiều giải quốc tế danh giá về nhiếp ảnh nhận xét: “Từ sáng sớm đến hoàng hôn, sự kiên nhẫn và nhạy cảm giúp anh có cảm xúc mạnh ghi lại những thời khắc đẹp tuyệt của thiên nhiên. Với sự đa dạng của góc máy, những tìm tòi trong bố cục, lựa chọn khuôn hình, Vũ Anh Tuấn đã cho người xem thưởng ngoạn nhiều bức tranh thiên nhiên của Trường Sa như “Tĩnh lặng”, “Giai điệu sóng biển”, 3 ảnh “Rèm nước” (dù thực sự  chỉ 1 bức Rèm nước 3” là đủ), 3 bức “Vẽ sóng”... Ngay cả những bức ảnh chọn cờ Tổ quốc làm chủ thể giữa lồng lộng mây trời, sóng nước thì ảnh cũng không khô cứng, mà khá đẹp, gợi lên cảm xúc và khát khao khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc".

NS Vũ Anh Tuấn chia sẻ, cho đến thời điểm hiện tại, anh đã có 6 phóng sự ảnh từ chuyến đi Trường Sa đăng trên tờ Thời Nay – Báo Nhân Dân và còn rất nhiều phóng sự khác anh chưa công bố . Sau khi kết thúc triển lãm, tác giả Vũ Anh Tuấn sẽ trao tặng toàn bộ 68 tác phẩm của mình cho Bộ tư lệnh Hải Quân. Những bức ảnh này sẽ được đem ra triển lãm tại các nơi đóng quân của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam.

Nam Phong ghi