Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Đau lòng những nữ sinh Hà thành phát điên vì... chăm học (P1)

17/08/2012 05:34
Đắc Chuyên
(GDVN) -"Trình trạng mất ngủ kéo dài triền miên khiến N. có những ảo giác lạ, thường xuyên nghĩ có người ám hại mình và rất sợ ma".
"Niềm vui ngắn chẳng tày gang"

Theo BS. Nguyễn Thị Vân – Phó khoa nhi, Bệnh viên Tâm thần Trung ương I, những năm gầy đây, tình trạng học sinh, sinh viên có những biểu hiện về rối loạn thần kinh ngày càng gia tăng. Có mặt ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, phóng viên Giáo Dục Việt Nam ghi nhận rất nhiều trường hợp mắc các bệnh về thần kinh là các em học sinh, sinh viên có học lực khá, giỏi.

Nguyễn Thị N. (Hà Đông, Hà Nội) vừa phải bỏ dở kỳ thi học kỳ hai của lớp 10 để đi điều trị bệnh tâm thần. Trước đó, N. đã từng là một học sinh khá. Sau khi thi vượt cấp vào một trường tư thục ở Hà Đông, Hà Nội và được xếp vào lớp chọn chuyên khối A, N. bắt đầu có những biểu hiện bất thường như mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi, và không muốn giao tiếp với người ngoài. 

Trình trạng mất ngủ kéo dài triền miên khiến N. có những ảo giác lạ, thường xuyên nghĩ có người ám hại mình và rất sợ ma. Chị Nguyễn Thị L. mẹ của N. cho hay: “Khi cháu mất ngủ, tôi cứ nghĩ là do cháu quá căng thẳng trong việc học hành, hoặc do những rối loạn về tâm sinh lý ở độ tuổi mới lớn. Có ai ngờ…”. 

N. “trắng đêm” từ đầu cho tới giữa học kỳ mà không có bất kỳ một sự can thiệp nào từ phía thầy thuốc khiến N. luôn trong trạng thái “mất hồn”. Thời điểm giữa học kỳ I của năm lớp 10, N. bắt đầu hoảng loạn, khi đó gia đình mới tá hỏa đưa N. đi khám ở và điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai. Sau một thời gian thực hiện đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, bệnh tình của N. thuyên giảm và được xuất viện. 

Sau một thời gian điều trị nội trú ở Bệnh viện tâm thần Trung ương I Nguyễn Thị N. đã dần phục hồi sức khỏe
Sau một thời gian điều trị nội trú ở Bệnh viện tâm thần Trung ương I Nguyễn Thị N. đã dần phục hồi sức khỏe
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau khi đi học lại, được một thời gian ngắn, N. phát bệnh trở lại và lần này nặng hơn lần trước. “Khi cháu xuất viện, cả nhà tôi luôn để tâm tới cháu, ngay cả chuyện học hành cũng vậy, tôi chỉ cho cháu ngồi học một lát rồi lại bảo cháu ra chơi với các em nhỏ trong xóm để bớt cằng thẳng. Nhưng không hiểu sao cháu lại phát bệnh”, chị L. bùi ngùi nhớ lại. 

Lần này chị L. quyết định đưa N. vào Bệnh viện 103 để điều trị nhưng kết quả cũng không mấy khả quan. Được những người hàng xóm mách nước, chị L. cùng chồng khăn gói quả mướp đưa con đi “trị” bệnh ở Bệnh viện Tam thần Trung ương I.

Là người trực tiếp điều trị cho N. bác sĩ Vân cho biết: “N. lên đây trong tình trạng bệnh khá nặng. Những rối loạn về thần kinh ở mức báo động, khi có người lạ tới gần thì vô cùng hoảng sợ”. Bác sĩ Vân nói thêm với những bệnh về thần kinh thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và thầy thuốc về tất cả các mặt, nếu làm được như vậy thì bệnh tình sẽ nhanh chóng thuyên giảm.

Sau một thời gian ngắn điều trị nội trú ở bệnh viện, N. đã dần “khỏe” lại. Giờ đây, trên khuôn mặt tròn trĩnh của cô gái đang tuổi ăn tuổi lớn, nụ cười đã xuất hiện trở lại. Những nét thông minh, lanh lợi dần thay thế sự ngờ nghệch, lo sợ, hoảng loạn khi có người lạ xuất hiện.

Phát điên vì bị ngồi... nhầm lớp

Trong quá trình điều trị cho N. bác sĩ Vân đã ân cần chăm sóc, thủ thỉ với N. như với một người em. Cũng vì lẽ này, N. rất tin tưởng và kể cho chị nghe nhiều điều. Từ những câu chuyện N. kể dần hé lộ nguyên nhân khiến N. gặp phải tình cảnh như ngày hôm nay.

“Rất thích học văn và hướng là sẽ theo khối D, nhưng trớ trêu thay N. bị xếp vào học lớp chọn chuyên khối A. Chính vì nghịch lý trên mà trong quá trình học tập N. luôn căng thẳng, không hứng thú với chuyện học hành. Hơn nữa theo N. các thầy cô dạy khối A ghê hơn các thầy cô dạy khối D, và thường xuyên có những hình phạt đối với những ai bị điểm kém hoặc kiểm tra đầu giờ mà không trả lời được. Bản thân N. cũng đã “dính án” chép kín 10 tờ giấy vì bài kiểm tra bị điểm kém.

Học ở lớp chọn chuyên khối A mà tổng kết học kỳ đầu lớp 10 ba môn toán, lý, hóa của em lần lượt là 5.0; 4,4; 6.0”, bác sĩ Vân nhớ lại. 

BS. Vân đưa ra lời khuyên đối với các bậc phụ huynh cần quan tâm tới con cái nhiền hơn nữa
BS. Vân đưa ra lời khuyên đối với các bậc phụ huynh cần quan tâm tới con cái nhiền hơn nữa
Bác sĩ Vân phân tích: “Việc em bị xếp nhầm chỗ như trên nên dẫn đến chuyện ức chế trong học hành. Kết quả học tập thấp, khiến em tự ti so với các bạn trong lớp nhưng vì không muốn bố mẹ buồn nên em vẫn cố theo. Cũng giống như con thuyền bị rỉ nước, mới đầu nước vào ít, nếu không có những biện pháp khắc phục kịp thời, đến một thời điểm nào đó nước sẽ nhần chìm con thuyền”. 

Hơn 15 năm trong nghề, bác sĩ Vân đã gặp nhiều trường hợp như N. và đưa ra lời khuyên đối với các bậc phụ huynh: “Quan tâm tới con cái chưa bao giờ là thừa, hơn nữa trông bối cảnh xã hội có nhiều áp lực như ngày này thì việc quan tâm tới con cần phải được chú trọng hơn nữa. Người lớn hãy làm sao để cho con trẻ có một môi trường sinh hoạt và học tập tốt nhất. Nhưng bên cạnh đó, bản thân các em cũng cần trang bị cho mình những kỹ năng để ứng phó với những tình huống xấu xảy ra trong cuộc sống”.

Tiễn chúng tôi ra về, N. bẽn lẽn bước theo sau bác sĩ Vân cùng người nhà. Cô gái này khẽ nở nụ cười và chia sẻ ước mơ, sau này muốn làm ca sĩ.

(Còn nữa)
Đắc Chuyên