1. Hoàng Anh Gia Lai: Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), tính đến 31/12/2011, tổng nợ phải trả của tập đoàn lên đến 15.493 tỷ đồng, tăng hơn 5.200 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tổng tài sản của HAGL là 25.576 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ phải trả trên tài sản là 63%. |
Tương tự, trong báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2012, Công ty CP HAGL chỉ lãi có 6 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 300,32 tỷ đồng của quý I/2011 do chi phí lãi vay quá lớn, chiếm gần 225 tỷ đồng vì tổng nợ phải trả cuối quý I năm nay là 9.260 tỷ đồng, bằng một nửa tổng tài sản. |
Ông Đức thừa nhận: theo kiểm toán đến cuối năm 2011, đúng là HAGL có khoản nợ phải trả 15.600 tỷ. Có điều, khoản nợ phải trả khác với nợ ngân hàng và các tổ chức tín dụng (phải trả lãi suất). Cụ thể, trong khoản nợ phải trả 15.600 tỷ, thì nợ các tổ chức tín dụng và ngân hàng được xác định là 11.628 tỷ đồng. Như vậy, theo lời ông Đoàn Nguyên Đức, số nợ chính thức hợp nhất của HAGL là 6.435 tỷ (phải trả cho các tổ chức tín dụng), chứ không phải con số 15.600 tỷ như dư luận và một số ý kiến phát biểu. |
2. Quốc Cường Gia Lai: Việc nợ nần của QCG cũng là một trong những đề tài làm xôn xao dư luận thời gian qua. Nhiều nguồn tin cho biết QCG đang nợ tới cả nghìn tỷ đồng. |
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Như Loan cho hay, trong tổng số nợ của QCG, bà lo nhất là những khoản nợ vay tài trợ bất động sản. Nợ tài trợ bất động sản mà công ty đang gánh là hơn 700 tỷ đồng, chủ yếu là nợ tài trợ dự án Phước Kiểng. |
Theo bà, công ty sẽ bán sỉ các dự án chung cư QCGL II, Giai Việt, Trung Nghĩa…, chấp nhận thiệt đôi chút để có tiền trả được nợ. "Riêng những khoản nợ hàng trăm tỷ đồng cho thủy điện, cao su, chúng tôi không lo. Bởi lẽ, các khoản vay này là vay dài hạn và nguồn thu từ các dự án thủy điện, cao su sẽ đủ đảm bảo trả lãi và nợ gốc", bà Loan cho biết. |
3. Địa ốc Hoàng Quân: Danh sách tiếp theo trong "sổ nợ nghìn tỷ" là đại gia Địa ốc Hoàng Quân. |
Tính đến cuối quý IV/2011 tiền và các khoản tương đương tiền của Hoàng Quân (HQC) chỉ còn hơn 11 tỷ đồng, trong khi nợ ngắn hạn khổng lồ 1.790 tỷ đồng (trong đó có 661 tỷ đồng người mua trả trước). |
4. Tập đoàn Thái Hòa cũng vừa cho ra báo cáo tài chính với con số 1.226 tỷ đồng tiền nợ. Đây là các khoản kê khai nợ, bao gồm cả nợ của công ty mẹ Thái Hòa và các đơn vị con. Trong đó, chỉ có 70% là nợ quá hạn, tương đương khoảng hơn 800 tỷ đồng. Còn 30% vẫn là nợ bình thường và trong mức cấp vốn kinh doanh. |
Theo chủ tịch HĐQT Thái Hòa - Nguyễn Văn An, tuy nợ cao hơn vốn chủ sở hữu nhưng hoàn toàn không phải vấn đề gì xấu và đây cũng không phải là nợ ngắn hạn thuần túy. Bởi trước đó, Thái Hòa dùng tài sản ngắn hạn để đầu tư vào trung và dài hạn nên làm cho số nợ này tăng cao. |
Ông An cũng cho biết đã lên phương án bán công ty con để trả nợ, và về cơ bản các nhà băng đã đồng ý giúp tập đoàn cơ cấu lại các khoản nợ. |
5. Công ty cổ phần Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An – PVA: lượng tiền vào tương đương tiền của doanh nghiệp này khá lớn với hơn 49,5 tỷ đồng nhưng nợ ngắn hạn lại rất cao, lên đến 1.110 tỷ đồng (trong đó chỉ có 173 tỷ đồng người mua trả tiền trước). (Tòa tháp đôi của PVA) |
6. Vinaconex: Theo báo cáo tài chính quý II và 6 tháng đầu năm của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã VCG), đơn vị đang vay và nợ các ngân hàng hơn 1.112 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn khoảng 400 tỷ, còn nợ dài hạn đến hạn trả khoảng 712 tỷ đồng. |
Hiện, có thông tin liên quan đến việc Vinaconex muốn bán Xi măng Cẩm Phả cho Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), nhưng thương vụ này chưa được bên nào chính thức xác nhận. |
7. Công ty thủy sản Binhanfisco: Những vụ rắc rối về nợ nần của nữ đại gia thủy sản Phạm Thị Diệu Hiền, Tổng giám đốc Bianfishco bùng phát sau đám cưới của con trai. Trong khi đoàn rước dâu với dàn xe siêu sang diễu hành khắp đường phố Sài Gòn, Cần Thơ thì 2 nông dân bị nợ tiền mua cá căng biểu ngữ đòi nợ bà Diệu Hiền ngay trước cổng biệt thự riêng. Hai nông dân này cũng làm đơn khởi kiện nữ đại gia thủy sản ra tòa án Ô Môn để đòi nợ |
Tuy nhiên, chuyện nợ nần của Bianfishco không dừng lại ở tiền mua cá. Công ty còn nợ tiền bảo hiểm xã hội, y tế cùng phí dịch vụ của nhiều đối tác khác và khoản nợ nhiều tỷ đồng với ngân hàng. |
Để giải quyết khủng hoảng nợ nần, chồng nữ đại gia thủy sản dự kiến bán nhà máy cho một tập đoàn tài chính Hà Lan, thậm chí bán cả chiếc Rolls Royce Phantom biển tứ quý 3333 để trả nợ. |
P.T (tổng hợp)