Cùng là khoai tây, nhưng mì Omachi quảng cáo là "làm từ khoai tây, rất ngon mà không sợ nóng", còn trà thảo mộc Dr Thanh thì "ăn snack, khoai tây chiên, nóng trong người...".
Bé Kiên Cường, con trai chị Huyền (Tây Hồ, Hà Nội) thường xuyên bị táo bón. Thấy mì Omachi quảng cáo là "làm từ khoai tây, không sợ nóng", chị liền mua cho bé ăn. Thế nhưng, khi cậu bé hát líu lo một đoạn quảng cáo trà Dr Thanh, "ăn bánh snack, khoai tây chiên, nóng trong người...", chị Huyền lại giật mình về loại "mì khoai tây" mà mình cho con ăn.
Sau một hồi tìm hiểu chị được biết, đồ ăn chiên với dầu mỡ thì không thể không nóng và mì thì chắc chắn phải trải qua công đoạn chiên với dầu. Cũng vì thế, chị Huyền cũng nghi ngờ thêm về yếu tố khoai tây trong loại mì "không sợ nóng". Đọc trên bao bì, chị mới té ngửa, khoai tây chỉ chiếm chưa đến 1% trong thành phần mì Omachi.
Thị trường mì gói cạnh tranh vô cùng khốc liệt, quảng cáo là một |
"Ngay cả trong trường hợp khoai tây chiên ăn vào không nóng, thì tỷ lệ 1% không thể giúp loại mì này trở nên không nóng", chị Huyền thầm nghĩ.
Theo bác sĩ Lê Quảng Hào, Viện Dinh Dưỡng, khoai tây chiên (tinh bột) cung cấp nhiều năng lượng, ăn nhiều sẽ gây nóng, đặc biệt vào những ngày hè. Thêm vào đó, thành phần chỉ có 1% từ khoai tây nhưng quảng cáo như là mì khoai tây thì không chính xác.
Phát hiện trên của chị Huyền cũng là điều mà nhiều bà nội trợ nhận thấy thời gian gần đây khi các mẫu quảng cáo mì gói được phát san sát vào giờ vàng. Một điều tình cờ là có lần quảng cáo của trà Dr Thanh lại gần với mì Omachi khiến cho người xem phân vân.
* Clip Quảng cáo mì Omachi |
Tiến sĩ Phạm Thị Liên, Chủ nhiệm bộ môn Marketing một trường đại học ở Hà Nội nhận xét: "Hai quảng cáo cùng được đăng tải như vậy sẽ khiến cho người xem bối rối và họ không biết nên tin vào quảng cáo nào".
Còn ông Lê Quốc Vinh, Giám đốc Công ty truyền thông Le Bros cho rằng, nếu như hàm lượng khoai tây quá ít thì không được lấy nó làm trung tâm để nhấn mạnh quảng cáo. Việc nhấn mạnh chỉ nên thực hiện nếu đó là một hàm lượng tương đối đáng kể.
Trong khi đó, đại diện truyền thông của Masan (công ty sở hữu thương hiệu mì Omachi) không bình luận gì về việc quảng cáo trà Dr Thanh có nội dung "tố" mì Omachi. Đại diện này cho biết, tất cả các câu trả lời chính thức về các vấn đề liên quan đến quảng cáo của đơn vị này cần được nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra truyền thông đại chúng.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Uyên Phương - Giám đốc truyền thông Công ty Tân Hiệp Phát (chủ sở hữu thương hiệu Dr Thanh) cho biết, thông điệp truyền thông có liên quan đến khoai tây chiên xuất hiện ở 2 quảng cáo của Dr Thanh và Omachi là một sự tình cờ.
Clip Quảng cáo trà thảo mộc Dr Thanh
"Thông điệp không lo bị nóng của Dr Thanh bắt nguồn từ một thực tế là người tiêu dùng những năm gần đây sử dụng thức ăn nhanh như snack, khoai tây chiên... ngày càng nhiều hơn. Sau khi ăn thì cảm giác nóng xuất hiện. Tuy nhiên, quảng cáo của chúng tôi hoàn toàn độc lập và không liên quan đến thông điệp của các sản phẩm khác", bà Phương khẳng định.
Bên cạnh việc quảng cáo Dr Thanh "tố cáo" Omachi, loại mì này còn bị một "người anh em" có tên Tiến Vua (cùng do Công ty Masan sở hữu) "choảng" một cú nặng. Clip quảng cáo mì Tiến Vua bò cải chua (loại bình dân) đem thông điệp về phẩm màu E102 là chất độc hại có trong mì ăn liền. Đại diện của Masan còn thông tin tới nhiều cơ quan truyền thông về sự độc hại của chất này. Thế nhưng trên chính bao bì của mì Omachi đang lưu hành trên thị trường lại ghi rất rõ về chất E102 có trong thành phần.
Trong khi đó, Cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã chính thức có thông báo khẳng định, chất E102 được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm tại Việt Nam và dùng trong định mức thì vẫn an toàn cho sức khỏe. Sau khi Bộ Y tế đưa ra thông điệp này, phía Masan không có phản ứng gì thêm.
Theo Vnexpress
>> Quảng cáo mì Tiến Vua ‘tố cáo’ mì Omachi chứa phẩm màu độc hại
>> Acecook khiếu nại quảng cáo mì gói Tiến Vua gây nhầm lẫn
>> Gây hiểu lầm, mì Tiến Vua bị yêu cầu chỉnh sửa quảng cáo
>> Phẩm màu E102 có trong mì ăn liền: Nguy hiểm chết người hay vô hại?