Vinaconex nêu đích danh "thủ phạm" gây ra khoản lỗ nghìn tỷ

17/08/2012 13:27
Nguyễn Tiến
(GDVN) - Một lãnh đạo của Vinaconex cho biết, việc thua lỗ của công ty chủ yếu là do trích lập dự phòng đầu tư tài chính vào Công ty Cổ phần Xi măng Cẩm Phả.
Mới đây, trong báo cáo tài chính quý II và nửa đầu năm 2012 của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho thấy, công ty này đang thua lỗ tới 757 tỉ đồng và nợ ngân hàng lên tới hơn 1.112 tỉ đồng.
Đơn vị: Tỷ đồng.
Đơn vị: Tỷ đồng.
Con số này khiến những đối tác của Vinaconex thực sự lo ngại và đặt dấu hỏi về năng lực tài chính hiện nay của công ty.

Vinaconex mắc kẹt với khối nợ khủng

Vinaconex mắc kẹt với khối nợ khủng

Những đại gia Việt nào đang

Những đại gia Việt nào đang "còng lưng" ôm khối nợ 'khủng'?

Vinaconex lỗ 757 tỷ, nợ hơn nghìn tỷ

Vinaconex lỗ 757 tỷ, nợ hơn nghìn tỷ

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam quanh những con số trên, một đại diện lãnh đạo của Vinaconex thừa nhận, việc báo cáo thua lỗ trong 6 tháng đầu năm của công ty chủ yếu là do trích lập dự phòng đầu tư tài chính Công ty Xi măng Cẩm Phả (hơn 1.000 tỉ) mà phía Tổng công ty Vinaconex đang nắm giữ đến hơn 99% cổ phần. Xi măng Cẩm Phả là công ty cổ phần mới ra đời. Theo kế hoạch, trong 3 đến 5 năm đầu hoạt động thường phải chịu lỗ. Trong báo cáo nghiên cứu khả thi khi xây dựng nhà máy cũng đã dự tính sẽ lỗ theo kế hoạch, mỗi năm 300 đến 400 tỉ đồng. “Nguyên nhân dẫn đến việc công ty xi măng mới ra đời thường phải chịu lỗ vì tiêu thụ gặp khó khăn do thương hiệu mới, nhiều khi phải giảm giá nhiều để cạnh tranh, trong khi đó, chi phí khấu hao, chi phí tài chính gồm trả gốc và lãi vay lớn. Đồng thời chi phí đầu vào trong thời gian qua như điện, than tăng rất cao mà giá bán xi măng lại bị khống chế bởi doanh nghiệp chiếm thị phần chi phối là Tổng công ty Xi măng VN. Hiện Công ty Cẩm Phả đang cố gắng hạn chế lỗ, nhưng theo dự kiến năm nay cũng phải lỗ tới 300 tỉ. Nếu điều kiện đầu vào và khả năng tiêu thụ xi măng tốt thì cũng phải 2 đến 3 năm nữa mới về số 0 được (chỉ số cân đối sản xuất, chưa có lãi)”, vị lãnh đạo này cho hay. Vị lãnh đạo Vinaconex cũng cho biết thêm, mặc dù tổng các ngành kinh doanh của Vinaconex có lãi nhưng do công ty mẹ phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính vào Công ty Xi măng Cẩm Phả nên ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty mẹ. Hơn nữa, hiện nay các đơn vị còn nợ tổng công ty Vinaconex đến gần 2.000 tỉ trong đó có Sở Xây dựng Hà Nội nợ tới hơn 1.000 tỉ, EVN nợ hơn 300 tỷ. Về thông tin Vinaconex muốn bán Công ty Cổ phần Xi măng Cẩm phả cho Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, vị lãnh đạo này cho hay việc tái cấu trúc Công ty Cổ phần xi măng Cẩm phả đã có nghị quyết của Đại hội cổ đông. Mục đích là để Vinaconex tái cấu trúc lại danh mục đầu tư, đồng thời cũng để Công ty Cổ phần Xi măng Cẩm Phả có thêm nguồn lực để phát triển. Hiện nay Vinaconex đang đàm phán với nhiều đối tác, trong đó có Tổng công ty Xi măng Việt Nam. Liên quan đến một số ý kiến lo ngại rằng về hiệu quả đầu tư hàng nghìn tỉ đồng từ thuế của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vào Vinaconex, vị lãnh đạo này cho hay: “Khi tiến hành cổ phần hóa Vinaconex, theo quy định thì Nhà nước phải nắm giữ 51%. Tại thời điểm cổ phần hóa, vốn của Vinaconex khoảng 1.500 - 1.800 tỉ, Nhà nước phải nắm giữ hơn một nửa trong số vốn đó và đã giao cho SCIC nắm giữ số vốn của Nhà nước tại Vinaconex.
Đơn vị: Tỷ đồng.
Đơn vị: Tỷ đồng.
Theo chiến lược phát triển, Vinaconex sẽ phát triển tành tập đoàn xây dựng, bất động sản số 1 tại Việt Nam. Muốn làm được như vậy, Vinaconex phải tăng vốn, tái cấu trúc doanh nghiệp theo lộ trình tăng vốn từ 3.000-5.000 tỉ, từ 5.000-10.000 tỉ… và lộ trình này đã được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt trên cơ sở đề án cổ phần hóa Tổng công ty được Thủ tướng phê duyệt. Như vậy, muốn giữ được 51% vốn, SCIC phải đầu tư vào Vinaconex theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt”. Giải đáp những lo ngại của một số nhà đầu tư về việc Vinaconex thoái vốn trong thời điểm khó khăn như hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn đến các công ty và các dự án mà tập đoàn này đang làm chủ, lãnh đạo của Vinaconex cho hay: “Chúng tôi rất chia sẻ với những cán bộ công nhân viên tại các công ty mà Vinaconex thoái vốn cũng như các nhà đầu tư tại một số dự án bất động sản mà Vinaconex đã rút đi. Tuy nhiên Vinaconex vẫn phải thoái vốn tại một số đơn vị ngoài ngành để có đủ sức tập trung vào những công trình lớn hơn”. Vị lãnh đạo này khẳng định: Hầu hết các công ty, dự án mà Vinaconex thoái vốn không xảy ra lỗ. Có một số ít những dự án mà Vinaconex thoái vốn có lỗ nhưng do yếu tố thị trường.
Nguyễn Tiến