Tàu vận tải đổ bộ (cỡ lớn) 071 của Hải quân Trung Quốc. |
Tờ “Thanh niên Tham khảo” Trung Quốc vừa đăng bài viết của tác giả Lục Khánh Phong cho rằng, tàu đổ bộ cỡ lớn là phương tiện điều động lực lượng tầm xa lý tưởng, cũng thích hợp cho việc thông qua các nhiệm vụ bán quân sự và nhân đạo để phô trương “sức mạnh mềm”.
"Đối với Trung Quốc, một nước đang dốc sức xây dựng hải quân tầm xa (hải quân nước xanh/viễn dương), sự trỗi dậy của họ trong những năm gần đây là hợp lý”. - Lục Khánh Phong cho hay.
Tô-tem (vật tổ) cá sấu thường được các nước phương Tây làm “nhân vật chính” của huy hiệu tàu đổ bộ, bởi vì cá sấu là động vật vừa sống được ở dưới nước, vừa sống được trên cạn, dùng để hình dung tàu đổ bộ thì càng thích hợp.
Tạp chí “Tin nhanh Quốc phòng” Đài Loan vừa có bài viết cho rằng, cùng với việc trang bị hàng loạt tàu đổ bộ thế hệ mới, những năm gần đây, “cá sấu khổng lồ lưỡng thê” (tàu đổ bộ) của Hải quân Trung Quốc cũng tới tấp “bơi” ra đại dương; bất kể là học kinh nghiệm của Hải quân Mỹ hay phục vụ cho thực hiện nhiệm vụ đa dạng hóa nhiều chủ thể của một nước lớn khu vực, Quân đội Trung Quốc phát triển tàu đổ bộ cỡ lớn có thể gọi là “hợp logic”, hay “chín muồi”.
Sát thủ đa diện trên đại dương
Sau khi bước vào thế kỷ 21, Hải quân Trung Quốc ngày càng đẩy nhanh các bước vươn ra biển xa, ngoài việc khẩn trương chế tạo tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu ngầm kiểu mới và cải tạo tàu sân bay Varyag, Trung Quốc cũng đặc biệt coi trọng đối với tàu đổ bộ cỡ lớn – những con “cá sấu khổng lồ lưỡng thê” này vừa là trọng tâm mới trong xây dựng cân đối hạm đội, vừa là một trong những trụ cột chính của hải quân tầm xa, đặc biệt là nền tảng của tác chiến trên thế tấn công.
Hiện nay, Hải quân Trung Quốc đã trang bị 2 tàu vận tải đổ bộ 071 lớp 18.000 tấn (tàu Côn Luân Sơn và tàu Tỉnh Cương Sơn thuộc Hạm đội Nam Hải, sử dụng cho tác chiến trên biển Đông) và nhiều tàu đổ bộ xe tăng cỡ lớn.
Hải quân Trung Quốc hiện có 2 tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn 071, đều được trang bị cho Hạm đội Nam Hải đảm trách khu vực biển Đông. Trong hình là tàu vận tải đổ bộ 071 Côn Luân Sơn (trên) và tàu vận tải đổ bộ Tỉnh Cương Sơn (dưới) của Hạm đội Nam Hải. |
Theo quan điểm của tạp chí “Tin nhanh Quốc phòng” Đài Loan, tàu đổ bộ cỡ lớn có thể nâng cao rõ rệt khả năng điều động lực lượng tầm xa cho Quân đội Trung Quốc, tăng cường khả năng uy hiếp/răn đe chiến lược.
Trước khi trang bị tàu đổ bộ cỡ lớn, Quân đội Trung Quốc tuy có thể dựa vào máy bay vận tải để tiến hành điều chuyển lực lượng, nhưng loại máy bay này phụ thuộc vào nhập khẩu, số lượng có hạn, dễ bị người khác kiểm soát, vận chuyển đường không không thích hợp với cơ động lực lượng lớn, có quá nhiều yếu tố hạn chế.
Tàu đổ bộ cỡ lớn thì khác, nó không chỉ có thể dễ dàng vận chuyển lực lượng quy mô cấp tiểu đoàn, máy bay trực thăng, tàu đệm khí và tàu đổ bộ cơ giới (trang bị cho tàu đổ bộ cỡ lớn) đều có thể đưa lực lượng lên bờ, tính tự do cao hơn nhiều so với vận chuyển đường không.
Không chỉ như vậy, lực lượng hàng không của tàu đổ bộ cỡ lớn mạnh hơn tàu chiến thông thường, có thể phát huy khả năng uy hiếp/đe dọa/răn đe mạnh hơn trong xung đột trên biển, thực hiện các mục tiêu quân sự một cách linh hoạt hơn.
Đồng thời “tính nhạy cảm về tư cách” của chúng trong các hành động tranh chấp cường độ thấp sẽ thấp hơn nhiều so với tàu sân bay, có thể sử dụng làm lực lượng cảnh giới thông thường linh hoạt hơn.
Mặt khác, tàu đổ bộ cỡ lớn cũng được coi là then chốt tăng cường khả năng tác chiến chống tàu ngầm của Quân đội Trung Quốc. So với đồng nghiệp phương Tây, mối đe dọa tàu ngầm mà Hải quân Trung Quốc đối mặt lớn hơn nhiều, còn tàu khu trục/hộ vệ thế hệ mới của Trung Quốc phần lớn chỉ có thể mang theo 1 máy bay trực thăng, đồng thời thiếu máy bay săn ngầm cánh cố định tương tự P-3C, khả năng săn ngầm trên không tổng thể yếu.
Máy bay trực thăng săn ngầm Ka-28 của Hải quân Trung Quốc, do Nga chế tạo. |
Máy bay trực thăng cảnh báo sớm Z-8 phiên bản hải quân do Trung Quốc tự chế tạo. |
Sau khi sở hữu tàu đổ bộ mang theo nhiều máy bay trực thăng cỡ lớn, mâu thuẫn nêu trên có thể lập tức được giải quyết dễ dàng. Nó có thể xây dựng mạng lưới săn ngầm hàng không tầm xa tương đối chặt chẽ, không những có thể làm cho tàu khu trục/hộ vệ chuyên tâm cho tác chiến phòng không và chống hạm, mà còn có thể giải phóng máy bay chiến đấu cánh cố định của tàu sân bay, đưa vào tác chiến tấn công đối đất và kiểm soát trên không.
Tiếp theo, tàu đổ bộ cỡ lớn thích hợp hơn với việc tiến hành các “hoạt động quân sự phi chiến tranh” như chống khủng bố trên biển, cứu trợ nhân đạo, giữ gìn hòa bình. Chẳng hạn như chiến dịch rút người Hoa từ Libya về nước năm 2011, tàu đổ bộ cỡ lớn có thể nhanh chóng đến khu vực khủng hoảng, dựa vào khả năng “nhập-xuất” mạnh đã nhanh chóng rút nhân viên; khi nước khác xảy ra thiên tai quy mô lớn, tàu đổ bộ cỡ lớn cũng vận chuyển rất nhiều vật tư đến cứu trợ nhân đạo, đồng thời sử dụng máy bay trực thăng hoặc tàu đệm khí trực tiếp đưa vật tư tới tay các nạn nhân.
Những năm gần đây, Hải quân Mỹ đã tới tấp sử dụng tàu đổ bộ tiến hành cứu trợ nhân đạo, nhờ vậy đã xây dựng được một hình tượng tốt đẹp.
"Đúng như tướng hải quân nghỉ hưu của Đài Loan, Lan Ninh Lợi nói, phát triển tàu đổ bộ cỡ lớn, vừa có thể tăng cường rất lớn khả năng tầm xa cho Trung Quốc trong khi không phải tăng nhiều chi phí, vừa có thể đáp ứng sự trông đợi của cộng đồng quốc tế đối với vai trò của một “nước lớn có trách nhiệm”, có thể gọi là sự lựa chọn tốt nhất cho cả “thể diện và bên trong”. - báo TQ tuyên truyền.
Tuy nhiên, những gì TQ đang thể hiện thời gian gần đây lại cho thấy hình ảnh một TQ đang ngày càng xấu xí bởi các hành động liên quan đến đòi hỏi chủ quyền một cách vô lý với tứ phía xung quanh.
Hình ảnh này của dân mạng Trung Quốc được cho là tàu vận tải đổ bộ 071 thứ ba của Trung Quốc, mang tên Trường Bạch Sơn. |
Phương pháp chiến đấu mới hoàn thiện trong thực tiễn
Hải quân Mỹ trang bị rất nhiều tàu đổ bộ cỡ lớn, giúp cho lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ có khả năng tác chiến ba chiều “siêu xa, từ biển tới đất liền” bất cứ lúc nào, trở thành đối tượng để Quân đội Trung Quốc học hỏi trong những năm gần đây.
Báo Đài Loan cho rằng, thông qua phân tích các cuộc diễn tập quân sự và kinh nghiệm huấn luyện của Mỹ, Hải quân Trung Quốc đưa ra khái niệm mới về tác chiến đổ bộ “đa tầng, siêu xa”, phối hợp tấn công hỏa lực chính xác và tác chiến liên hợp ba quân chủng để giành lấy thắng lợi cấp chiến dịch.
Cụ thể, phương thức tác chiến đổ bộ “đa tầng, siêu xa” của Hải quân Trung Quốc, không chỉ có thể kết hợp vận dụng với tác chiến đổ bộ ngang (mặt bằng) truyền thống, mà còn chú trọng hơn đến việc kết hợp giữa tàu chiến đổ bộ mới và cũ, tiến hành đổ bộ đột kích “tốc độ cao, nhiều hướng, nhiều tầng, toàn bộ chiều sâu” trong thời gian ngắn, gọi tắt là “trực tiếp đột kích, từ biển tới đất liền”.
Các bài báo công khai cho rằng, bất kể quan sát từ góc độ bắt chước quân Mỹ hay đáp ứng nhu cầu tự thân, Hải quân Trung Quốc đang bước vào giai đoạn then chốt chuyển đổi sức mạnh tác chiến đổ bộ - cùng với việc tiếp tục trang bị tàu đổ bộ cỡ lớn kiểu mới, tiếp tục tăng cường thực hiện phương pháp tác chiến chiến thuật.
Một ví dụ điển hình nhất trên phương diện này là, trong nhiệm vụ hộ tống, chống cướp biển ở vịnh Aden lần 6 năm 2011, Hải quân Trung Quốc đã lần đầu tiên điều động tàu vận tải đổ bộ 071 Côn Luân Sơn, trở thành một bước đi quan trọng để tạo nên “tính chất tầm xa” cho Hải quân Trung Quốc.
Ý tưởng về tàu tấn công đổ bộ của Trung Quốc (ảnh từ báo chí Trung Quốc) |
“Mục tiêu cuối cùng” vừa lộ ra
Trung tâm Đánh giá Quốc tế và Chiến lược Mỹ (IASC) phân tích, tàu vận tải đổ bộ 071 hoàn toàn không phải là “mục tiêu cuối cùng” của lực lượng tàu đổ bộ Trung Quốc, bởi vì số lượng máy bay trực thăng trang bị cho tàu này vẫn không thể so sánh với loại tàu tiên tiến áp dụng đường băng thông suốt của Âu-Mỹ, “có thể khẳng định, trong tương lai Hải quân Trung Quốc chắc chắn sẽ phát triển tàu tấn công đổ bộ đường băng thông suốt có thể trang bị nhiều hơn máy bay trực thăng”.
Các phương tiện truyền thông như “Kanwa Defense Review” của Canada, “Bình luận An ninh Kuala Lumpur” của Malaysia đều cho biết, Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Công nghiệp nặng Tàu thủy Trung Quốc (CSOC) đã đưa ra mô hình tàu tấn công đổ bộ tự sản xuất, dài 198 m, lượng giãn nước đầy 22.000 tấn, trên bề mặt tàu chiến bố trí tổng cộng 4 điểm cất/hạ cánh máy bay trực thăng.
Về thiết kế thân tàu, tàu này áp dụng mũi hình cầu để giảm lực cản khi chạy. Dư luận bên ngoài suy đoán, tàu tấn công đổ bộ tương lai của Trung Quốc có thể cùng hành động với cụm chiến đấu tàu sân bay, cũng có thể hoạt động độc lập như một biên đội riêng, vì vậy chắc chắn sẽ trang bị hệ thống chỉ huy tác chiến tiên tiến.
Xét tới mối đe dọa tàu ngầm và nhu cầu tác chiến đổ bộ của Hải quân Trung Quốc, tàu tấn công đổ bộ có thể trang bị 16-20 máy bay trực thăng, kiểu loại có thể lựa chọn máy bay trực thăng Ka-28 do Nga chế tạo hoặc máy bay trực thăng lớp 10 tấn tương lai do Trung Quốc tự sản xuất.
Máy bay trực thăng săn ngầm Z-9EC do Trung Quốc tự sản xuất. |
Theo kinh nghiệm của hải quân các nước phương Tây, 12 máy bay trực thăng săn ngầm có thể cơ bản đáp ứng nhu cầu săn ngầm khu vực, không gian còn lại có thể dùng để trang bị máy bay trực thăng quét mìn và máy bay trực thăng đa dụng (chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, tiếp tế theo phương thẳng đứng).
Cuối cùng, về hỏa lực tự vệ, do tàu tấn công đổ bộ hiện đại chủ yếu sử dụng máy bay trực thăng, tàu đổ bộ đệm khí và tàu đổ bộ cơ giới để tiến hành tấn công “siêu xa”, không cần đột kích đoạt bãi như tàu đổ bộ xe tăng, trang bị của nó thường lấy phòng không cự ly gần làm chính.
Truyền thông nước ngoài dự đoán, tàu tấn công đổ bộ tương lai của Trung Quốc có thể sẽ sử dụng 2 khẩu pháo phòng không tầm gần đa nòng 30 mm, hệ thống tên lửa hạm đối không FL-3000N, chúng đều có khả năng phòng thủ tên lửa rất mạnh, có thể kháng cự hiệu quả đối với các cuộc tấn công liên tục của tên lửa chống hạm đối phương.
Trung Quốc mua tàu đổ bộ đệm khí Zubr của Ukraina. |
Tàu đổ bộ đệm khí cỡ vừa tốc độ cao do Trung Quốc tự chế tạo. |