Nhật nâng cấp phòng thủ tên lửa đối phó Triều Tiên và Trung Quốc

19/08/2012 07:38
Trịnh Tuân (Nguồn: naval.com)
(GDVN) - Nhằm đối phó với các tên lửa đạn đạo từ Bắc Triều Tiên, Nhật Bản và Mỹ đang thảo luận về việc hiện đại hóa hai tàu khu trục trang bị hệ thống chiến đấu Aegis.

Lầu Năm Góc hôm thứ Tư (15/8) cho biết rằng Nhật Bản và Mỹ đang thảo luận về việc hiện đại hóa hai tàu khu trục trang bị hệ thống chiến đấu Aegis nhằm tăng cường khả năng chống lại các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo.

Theo đó, JDS Atago và Ashigara (đều thuộc lớp Atago) sẽ là hai khu trục hạm tên lửa dẫn đường trang bị hệ thống chiến đấu Aegis được tiến hành hiện đại hóa.

Khu trục hạm Atago (DDG 177) của Hải quân phòng vệ Nhật Bản.
Khu trục hạm Atago (DDG 177) của Hải quân phòng vệ Nhật Bản.

Sau khi hoàn thành nâng cấp cho hai con tàu này của Nhật Bản, Mỹ sẽ tiến hành hiện đại hóa các khu trục hạm trang bị hệ thống chiến đấu Aegis của Hải quân nước này.

Nhật Bản là một trong những nước có liên quan đến chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên và là đối tác lớn nhất của Hoa Kỳ trong khu vực về lá chắn tên lửa.

Hàng năm, Mỹ đã phải chi tới hàng chục tỷ đô la để phát triển các loại hình khác nhau của vũ khí chống tên lửa nhằm ứng phó với các mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Bắc Triều Tiên và Iran.

Nhật nâng cấp lá chắn tên lửa để đối phó với các tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên.
Nhật nâng cấp lá chắn tên lửa để đối phó với các tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên.

Hệ thống Aegis, do Lockheed Martin phát triển, bao gồm hệ thống radar, phần mềm, máy tính, màn hình, và các bệ phóng tên lửa để đối phó trên một  phạm vi rộng trước các mối đe dọa phá hủy từ trên không, trên đất liền, trên biển và các mục tiêu dưới nước.

Hệ thống này được đặt tên là lá chắn huyền thoại của thần Zeus, một vị thần nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp. Đến năm 2015, hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ được triển khai ở Romania và Ba Lan để bảo vệ châu Âu khỏi  các mối đe dọa tên lửa từ Iran.

Năm 2003, Nhật Bản tuyên bố rằng nước này sẽ hiện đại hóa 4 tàu khu trục trang bị hệ thống chiến đấu Aegis lớp Kongo với việc sử dụng các tên lửa SM-3.

Chính phủ Nhật Bản không thông báo về chi phí của việc nâng cấp nhưng ước tính chương trình có thể lên tới hàng triệu đô la.

Khu trục hạm JDS Atago (DDG 177) sẽ được nâng cấp trang bị hệ thống chiến đấu Aegis.
Khu trục hạm JDS Atago (DDG 177) sẽ được nâng cấp trang bị hệ thống chiến đấu Aegis.

Theo kế hoạch, hệ thống chiến đấu Aegis được hiện đại hóa sẽ có "bộ não" (máy tính và phần mềm) cũng như màn hình, hệ thống điều khiển và cảm biến hoàn toàn mới.

Lớp tàu khu trục Atago, và sau này là Kongo có thể được trang bị tên lửa mới SM-3 Block IIA và sẽ đi vào phục vụ từ năm 2018. Hệ thống phòng thủ tên lửa sau khi được nâng cấp sẽ có tầm hoạt động và độ chính xác lớn hơn nhiều so với các hệ thống trước đó.

Khu trục hạm JDS Kongo (DDG-173) của hải quân phòng vệ Nhật Bản.
Khu trục hạm JDS Kongo (DDG-173) của hải quân phòng vệ Nhật Bản.

Được biết, Mitsubishi Heavy Industries là công ty Nhật Bản duy nhất tham gia chương trình hiện đại hóa hệ thống các hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ.

Hệ thống chiến đấu trên hạm Aegis được xem là cơ sở của hệ thống phòng thủ tên lửa cơ động mà Mỹ triển khai ở Địa Trung Hải, biển Baltic, biển Đen và trên lãnh thổ nhiều nước châu Âu theo quyết định được đưa ra trong năm 2009.

Tên lửa SM-3 của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis được phóng đi từ tuần dương hạm của Hải quân Mỹ USS Lake Erie tại quần đảo Hawaii.
Tên lửa SM-3 của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis được phóng đi từ tuần dương hạm của Hải quân Mỹ USS Lake Erie tại quần đảo Hawaii.

“Chủ công” của hệ thống phòng thủ Aegis là tên lửa chống tên lửa Standar Missile SM-3, được phóng từ bệ phóng tên lửa thẳng đứng (VLS) Мk 41.

Tên lửa chống tên lửa SM-3 được công ty Raytheon của Mỹ phát triển từ tên lửa phòng không tầm xa SM-2 Block IV vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước.

Tên lửa có trọng lượng 1,5 tấn, chiều dài 6,59 m, đường kính tầng khởi động 5,33 m, đường kính tầng hành trình 3,43 m và sử dụng  động cơ 4 ống phụt.

SM-3 Block IIА (tên lửa sẽ được trang bị trên các khu trục hạm Atago của Nhật Bản) là một biến thể của tên lửa SM-3, được Mỹ và Nhật Bản hợp tác phát triển theo một thỏa thuận ký kết vào năm 2004 giữa hai nước.

Các biến thể của tên lửa chống tên lửa SM-3.
Các biến thể của tên lửa chống tên lửa SM-3.

Tên lửa chống tên lửa SM-3 Block IIА trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại cải tiến với động cơ tăng tốc-hành trình cỡ lớn cho phép nó bay với tốc độ tối đa 5,6 km/s và đạt mục tiêu ở cự ly lên đến 1.000 km.

Tổng chi phí phát triển SM-3 Block IIA ước tính khoảng 3,1 tỷ đôla.

Chương trình nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản đặc biệt là nâng cấp các khu trục hạm trang bị hệ thống chiến đấu Ageis, với việc đưa vào trang bị các tên lửa chống tên lửa SM-3 Block IIA diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang gia tăng sau các vụ đụng độ ở vùng quần đảo tranh chấp Senkaku (mà Trung Quốc gọi Điếu Ngư).

Tàu chiến Nhật Bản và Trung Quốc liên tục có các cuộc đụng độ tại quần đảo Senkaku, khiến mối quan hệ hai nước trở nên khá căng thẳng.
Tàu chiến Nhật Bản và Trung Quốc liên tục có các cuộc đụng độ tại quần đảo Senkaku, khiến mối quan hệ hai nước trở nên khá căng thẳng.

Việc triển khai tên lửa SM-3 Block IIA trên các khu trục hạm lớp Atago sẽ giúp Nhật Bản tăng cường khả năng để đôi phó với các mối đe dọa tên lửa hạt nhân và kiểm soát tốt các khu vực thuộc chủ quyền lãnh hải quốc gia và đặc biệt là khu vực tranh chấp với Trung Quốc.

Atago (DDG 177) là khu trục hạm tên lửa dẫn đường được xây dựng bởi công ty Mitsubishi Heavy Industries. Tàu được khởi đóng vào ngày 05 tháng 4 năm 2004, hạ thủy ngày 24 tháng 8 năm 2005 và đưa vào hoạt động trong Hải quân phòng vệ Nhật Bản vào ngày 15 tháng 3 năm 2007.

Chiếc thứ hai Ashigara (DDG-178) khởi đóng vào tháng 6 năm 2005 và được biên chế vào hải quân năm 2008.

Khu trục hạm Ashigara (DDG-178).
Khu trục hạm Ashigara (DDG-178).

Khu trục hạm lớp Atago có lượng giãn nước 10.000 tấn, dài 170 m, rộng 21 m, nướn nước 6,2 m thủy thủ đoàn 300 người. Tàu trang bị 4 động cơ Ishikawajima Harima/General Electric LM2500-30 công suất 10.000 mã lực cho phép tàu đạt tốc độ 30 hải lý và tầm hoạt động 4.500 dặm.

Vũ khí trang bị trên tàu gồm: 8 tên lửa đối hạm SSM-1B, tên lửa phòng không SM-2, rocket chống ngầm, một pháo 127 mm BAE Systems Mk-45 mod 4, 2 tên lửa 20 mm Phalanx và 2x3 ống phóng ngư lôi HOS302. Ngoài ra, tàu còn được trang bị một trực thăng SH-60K ở sàn đáp phía sau.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Trịnh Tuân (Nguồn: naval.com)