Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Lời tâm sự hiếm hoi của Trúc "mẫu hậu"

23/08/2012 07:30
Cách đây 2 năm, tôi có thực hiện một cuộc phỏng vấn hiếm hoi (gần như là lần duy nhất) với Trúc “mẫu hậu” trong trại giam Xuân Lộc.

Người đàn bà quyền lực đứng sau ông trùm Năm Cam một thời cũng đã chịu chia sẻ với nhà báo về cuộc đời mình – dù vẫn giữ thái độ dè dặt và đề phòng. Khi đó, Trúc “mẫu hậu” có nói với tôi, bà ước sẽ vượt qua bệnh tật để trở về với gia đình, để con cái khỏi thêm một lần mang tiếng có người thân chết trong tù; và bà sẽ nương nhờ cửa phật tại ngôi chùa  mà sư cô Diệu Quang – người con gái đã xa lánh bụi trần của bà nhiều năm trước đang sống đời tu hành. Ước mơ đó của Trúc “mẫu hậu” không thành.

Ngày 16/8 vừa qua, Trúc “mẫu hậu” đã qua đời tại trại giam Xuân Lộc sau một thời gian bệnh nặng. Sư cô Diệu Quang đã lên nhận thi hài bà và đưa về ngôi chùa Phước An, nằm trên đường Tôn Đản, quận 4, TP.HCM, kết thúc một cuộc đời nhiều giông bão.

Cuộc gặp duy nhất với Trúc “mẫu hậu” trong trại giam Xuân Lộc

Loi tam su hiem hoi cua Truc mau hau
Trúc "mẫu hậu" trong trại giam

Ngày 17/8, khi báo chí đưa tin về cái chết của Trúc “mẫu hậu” – vợ của trùm Năm Cam. Chùa Phước An, nằm trong một con hẻm nhỏ ở quận 4, là nơi gia đình Trúc “mẫu hậu” tổ chức tang lễ cho bà. Đó cũng là ngôi chùa nơi con gái bà – sư cô Diệu Quang đang tu hành.

Đám tang của người đàn bà từng có quyền lực lớn bên cạnh ông trùm Năm Cam diễn ra đơn giản như bao đám tang bình thường khác.

Trong một chuyến công tác đến trại giam Xuân Lộc cách đây 2 năm, tôi có cơ hội được gặp 2 nhân vật lớn trong vụ án Năm Cam: Hải Bánh và Trúc “mẫu hậu”. Những ngày làm việc ở phân trại số 1, tôi nói chuyện với Hải Bánh rất nhiều, và mừng vì thấy kẻ giang hồ lừng lẫy một thời giờ đang cố gắng cải tà quy chánh.

Thời điểm đó, ở trong trại giam, Hải Bánh sống rất lành mạnh: ngày ngày chăm sóc cây cảnh, vẽ thi pháp và tham gia các phong trào văn nghệ của trại. Tôi thích thú với cách Hải Bánh dàn dựng tiết mục múa chào mừng 1000 năm Thăng Long, hay cách Hải Bánh cùng các phạm nhân tổ chức trò chơi cờ người giữa các phạm nhân trong trại. Nhìn những chương trình văn nghệ, những trò chơi mà Hải Bánh dàn dựng ấy, tôi vẫn tiếc cho Hải Bánh. Tôi nghĩ Hải Bánh là một người có nhiều tài lẻ. Và nếu không đi theo con đường giang hồ nhiều lầm lỗi ấy, Hải Bánh vẫn sẽ có những cơ hội riêng trong cuộc đời mình.

Thời điểm đó, Hải Bánh đang cải tạo tại phân trại số 1, còn Trúc “mẫu hậu” thụ án tại phân trại 5, cách xa nhau mấy chục cây số. Nhưng những buổi giao lưu giữa phạm nhân các phân trại, Hải Bánh và Trúc “mẫu hậu” vẫn gặp nhau. Họ chỉ nhìn nhau gượng cười. Thật khó để họ có thể nói chuyện với nhau dễ dàng, sau ngần ấy những chuyện xảy ra trong quá khứ.

Khi tôi ngỏ ý xin gặp và trò chuyện với phạm nhân Phan Thị Trúc – Trúc “mẫu hậu”, một cán bộ quản giáo của phân trại 5 (trại Xuân Lộc) khi ấy có nói với tôi: Từ khi vào trại giam đến giờ, Trúc “mẫu hậu” rất tránh né việc tiếp xúc với báo chí, bà thường từ chối mọi câu hỏi về gia đình mình, về quá khứ của mình. Các cán bộ quản giáo của trại cho phép tôi gặp bà, nhưng không hứa được bà có chấp nhận trò chuyện cùng tôi hay không. Dẫu lường trước được việc mình sẽ bị từ chối, nhưng buổi chiều tối hôm đó, tôi vẫn nhờ một cán bộ trại đưa đến căn phòng nơi Trúc “mẫu hậu” đang ở.

So với các phạm nhân nữ trong trại giam, nơi ở của Trúc “mẫu hậu” có thể nói là khá khang trang, rộng rãi. Vì sức khỏe rất yếu, lại cao tuổi, nên Trúc “mẫu hậu” được trại Xuân Lộc ưu tiên cho ở trong một căn phòng nhỏ, cùng với 2 phạm nhân nữ khác cũng đang điều trị bệnh.

Tôi đến vào cuối giờ chiều, đúng lúc Trúc “mẫu hậu” nhận phần cơm chiều do một phạm nhân khác đưa tới. Mấy năm nay, vì đau yếu, việc đi lại với Trúc “mẫu hậu” rất khó khăn, nên ngay cả việc đi nhận cơm mỗi bữa, bà cũng phải nhờ những người khác. Nhìn Trúc “mẫu hậu” trong bộ quần áo phạm nhân, mệt mỏi và già nua, đang trệu trạo ăn suất cơm chiều của mình, không ai còn nhận ra vẻ sắc sảo của người đàn bà đã từng một thời làm mưa làm gió. Những sóng gió gia đình trong những năm qua đã đánh gục Trúc “mẫu hậu”, khiến bà gần như không gượng dậy nổi.

Năm 2002, câu chuyện về gia đình trùm Năm Cam gây xôn xao trên báo chí: trùm Năm Cam bị tử hình, Trúc “mẫu hậu” (vợ Năm Cam), Trương Hiền Bảo (con trai) và Hiệp phò mã (con rể) cũng không tránh khỏi cảnh tù đày. Trúc “mẫu hậu” bị kết án 20 năm tù giam và được đưa về cải tạo tại trại giam Xuân Lộc. Kể từ khi ông trùm Năm Cam bị tử hình, câu chuyện về những biến cố đã qua luôn là đề tài nhạy cảm trong gia đình Trúc “mẫu hậu”. Hàng tháng mỗi lần lên thăm mẹ, con cái của Trúc “mẫu hậu” chỉ hỏi han, động viên bà và tuyệt đối tránh nhắc lại những chuyện cũ vì lo lắng những câu chuyện đó sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tinh thần cải tạo của bà.

Khi gặp tôi, biết tôi là nhà báo, Trúc “mẫu hậu” lập tức nói một cách lịch sự nhưng kiên quyết: “Nhà báo thông cảm, tôi không muốn nhắc lại chuyện cũ”. Nhưng sau một lúc hỏi han, trò chuyện, khi tôi nhắc đến người con gái đã đi tu của bà, như chạm vào những nỗi niềm thầm kín nhất, Trúc “mẫu hậu” bắt đầu cởi mở hơn, dù trong lúc nói chuyện, bà vẫn luôn giữ tư thế “đề phòng”, lo sợ tôi đề cập đến những chuyện nhạy cảm mà bà không muốn nhắc tới.

Hé mở những câu chuyện thầm kín về gia đình trùm Năm Cam

Dù khi Năm Cam còn sống, Trúc “mẫu hậu” đã từng khiến bao nhiêu người khổ sở, khiếp hãi, nhưng ở vị trí một người mẹ, bà vẫn hiền dịu và yêu thương các con, vẫn đau đáu mong mỏi các con có được một cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Cho nên khi thấy các con mình cũng bị ảnh hưởng bởi những sai lầm của bố mẹ, lương tâm của người mẹ đã khiến Trúc “mẫu hậu” ngày đêm không thể ăn ngon, ngủ yên.

Ngày Năm Cam bị đưa ra xét xử và tuyên án tử hình, có nhiều người tham dự phiên tòa không khỏi bất ngờ khi thấy ở ngoài sân có một ni cô khóc ngất lên ngất xuống. Ni cô đó chính là Trương Thị Ánh (con gái thứ tư của Năm Cam), pháp danh là Diệu Quang. Ai cũng bất ngờ khi biết một ông trùm với hồ sơ tội ác như Năm Cam lại có một người con gái đi tu và đang theo học để trở thành tiến sĩ Phật giáo ở Trung Quốc.

Kể về người con gái đã xuất gia của mình, Trúc “mẫu hậu” ứa nước mắt. Bà gọi cô con gái đã đi tu của mình là sư cô, chứ không gọi là con, vì người đã xuất gia là người đã không còn thờ cha mẹ, chỉ còn thờ Phật. Con gái bà đã không còn là con của bà nữa, mà trở thành người của nhà chùa. Trúc “mẫu hậu” nói bà đông con, cả con ruột của bà, cả con riêng của chồng, con nào bà cũng thương, nhưng bà thương sư cô nhất, cũng xót xa cho sư cô nhất, bởi sư cô là người yếu đuối, mỏng manh nhất và cũng là người chịu nhiều tổn thương nhất trong bi kịch của cả gia đình.

Sư cô Diệu Quang sinh năm 1968, là con thứ 4 của vợ chồng ông trùm Năm Cam và Trúc “mẫu hậu”, đã xuất gia từ năm 9 tuổi. Nhưng trước đó, từ năm lên 5 - 6 tuổi, sư cô Diệu Quang đã tỏ rõ căn tu của mình.

Trúc “mẫu hậu” kể rằng, gia đình bà đông con, đủ nếp đủ tẻ, đứa con nào cũng hiếu động, nghịch ngợm từ nhỏ, chỉ có sư cô Diệu Quang (tên tục là Trương Thị Ánh) là tính cách khác hẳn. Lúc còn nhỏ tuổi, Trương Thị Ánh cũng hiếu động, nghịch ngợm và hay mắc lỗi. Mỗi lần như thế, Trúc “mẫu hậu” vẫn phạt con gái như thường. Tuy nhiên, vợ chồng bà luôn nhận ra ở Tư Ánh có những điều rất khác thường so với những đứa con khác. Khi mới 5 – 6 tuổi, mỗi lần có người thân trong gia đình lên chùa, bao giờ Tư Ánh cũng đòi đi theo. Tư Ánh tỏ ra rất thích không khí, quang cảnh nơi chùa chiền và rất thích được ngồi nghe các sư giảng giải kinh phật.

Đến năm 7 tuổi, Tư Ánh bắt đầu được Trúc “mẫu hậu” cho đi học. Nhưng ở trường học, Tư Ánh rất ít vui chơi, nô đùa cùng những đứa trẻ cùng tuổi. Lúc nào Tư Ánh cũng ngồi trầm ngâm, nghĩ ngợi xa xôi và rất dè dặt biểu lộ cảm xúc. Mỗi ngày đi học về, Tư Ánh lại đến ngôi chùa gần nhà, dọn dẹp, quét tước chùa chiền giúp các sư và ngồi nghe các sư giảng giáo lý nhà Phật. Đôi khi Tư Ánh ngồi đó cả buổi chiều, gương mặt trầm ngâm, tĩnh lặng.

Thấy con gái có vẻ ngại giao tiếp và luôn muốn tránh xa người xung quanh, đôi khi tỏ ra rụt rè, xa cách với chính bố mẹ mình, vợ chồng Năm Cam rất lo lắng. Lúc đó, Trúc “mẫu hậu” đã lờ mờ nhận ra những khác biệt ở con gái mình so với những đứa trẻ khác, nhưng không sao cắt nghĩa được là gì. Ông trùm Năm Cam cũng vậy. Là người nóng tính, mỗi lần thấy con gái lên chùa về, Năm Cam đều nổi giận, la mắng. Năm Cam khuyến khích con gái nô đùa, nghịch ngợm với bạn bè trong khu phố và tỏ ra rất không hài lòng mỗi khi con gái xin phép lên chùa. Năm Cam từng nói với con gái: “Con mới 7 tuổi, hướng thiện là tốt. Nhưng một đứa trẻ như con thì chưa cần hướng thiện đến mức thế”.

Có thể nói trong suốt 2 – 3 năm trời, vợ chồng Năm Cam và Trúc “mẫu hậu” đều đã tìm mọi cách ngăn cản việc con gái mình càng ngày càng thành tâm hướng về cửa phật. Năm lên 9 tuổi, Tư Ánh về nhà xin phép cha mẹ cho đi tu. Năm Cam rất tức giận, quát tháo ầm ĩ và tìm mọi cách cấm đoán. Nhưng sự cấm đoán của Năm Cam không có kết quả. Tư Ánh – cô con gái nhỏ của vợ chồng Năm Cam và Trúc “mẫu hậu”, khi đó mới 9 tuổi đầu nhưng đã tỏ rõ sự kiên quyết của mình.

Bị cha mẹ phản đối, nhưng ngày ngày, Tư Ánh vẫn âm thầm ăn cơm chay và đọc kinh phật, để gột rửa sạch mọi bụi bẩn trần thế, giữ cho tâm  hồn thanh tịnh. 1 năm sau, Tư Ánh lại lên chùa, xin được xuất gia. Trúc “mẫu hậu” kể: “Ngày sư cô đi tu, chồng tôi vẫn đang thụ án trong trại giam sau vụ gây lộn với một nhóm giang hồ vì bênh anh rể. Ông ấy không có mặt để chứng kiến con gái mình xuất gia đi tu, gửi thân nơi cửa Phật, nhưng tôi thì có mặt. Tôi nhớ hôm đó ngoài con gái tôi còn có một cô nữa cũng quyết định xuống tóc đi tu. Cô kia thì đi tu vì thất tình, bị người yêu ruồng bỏ, nhưng con gái tôi thì hoàn toàn chưa nhuốm bụi trần, chưa trải qua các cung bậc hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời. Nó thanh thản trước quyết định xuất gia. Khi đến giờ hành lễ, gương mặt nó thanh tịnh, bừng sáng niềm hạnh phúc được dâng hiến cuộc đời mình cho nhà Phật”.

Loi tam su hiem hoi cua Truc mau hau
Sư cô Diệu Quang

Chứng kiến con mình gửi thân nơi cửa Phật, nhiều năm sau này, Trúc “mẫu hậu” vẫn muộn phiền vì lo con mình không được hạnh phúc. Nhưng sau này nhìn thấy Tư Ánh rất mãn nguyện với cuộc đời tu hành của mình, bà nhận ra con bà sinh ra có lẽ là để trở thành người của nhà chùa, sinh ra để sống một cuộc đời xa lánh trần tục. Tư Ánh đã mang căn tu trong người, nên đó là con đường duy nhất mà cô lựa chọn, con đường mà cô nhất định phải đi, không thể nào khác, vợ chồng Trúc “mẫu hậu” có cấm cản thế nào cũng vô ích.

Ngày hôm đó, tất cả mọi người có mặt ở đó đều khóc vì thương Tư Ánh, Trúc “mẫu hậu” cũng không cầm được nước mắt, chỉ mong con gái mình sẽ nghĩ lại. Nhưng cô Tư Ánh không khóc. Cô nhìn mẹ rồi vái lạy lần cuối: “Đây là lần cuối cùng con xin vái lạy ba mẹ. Sau này con thành người tu hành rồi, ba mẹ có mất con cũng chẳng được vái lạy nữa. Sau này con cũng không được gọi ba, gọi mẹ nữa. Người xuất gia không còn cha mẹ”. Kể từ đó, Tư Ánh trở thành người xuất gia, với pháp danh Diệu Quang, mỗi lần gặp ba mẹ, sư cô Diệu Quang gọi Trúc “mẫu hậu” là cô, gọi Năm Cam là chú. Vợ chồng Trúc “mẫu hậu” cũng gọi con gái là sư cô Diệu Quang.

Khi đi tù về, nhận được tin con gái mình đã đi tu, Năm Cam rất đau buồn, nhưng biết không thể thay đổi được điều gì nữa. Năm Cam chấp nhận sự thật đó. Thỉnh thoảng mỗi lúc nhớ con, hai vợ chồng Năm Cam vẫn lên chùa thăm nom sư cô, nhưng lần nào gặp, Năm Cam và Trúc “mẫu hậu” cũng phải vái lạy sư cô theo đúng lễ giáo nhà chùa. Những tình cảm ruột thịt, nỗi nhớ nhung con gái, vợ chồng Năm Cam đều không được phép thể hiện nữa.

Trong những người con của Năm Cam, thì sư cô Diệu Quang là người hiền lành và ngây ngô nhất. Từ nhỏ đã hướng tâm mình về cửa phật, gửi thân nơi cửa phật, nên những va chạm, bon chen với đời, sư cô Diệu Quang đều chưa từng trải qua. Ngày nhỏ, khi mới đi tu, có lần sư cô Diệu Quang được sư trụ trì sai đi mua hoa quả về làm lễ. Đến quầy hoa quả, người bán hàng cân thiếu và tính giá trội lên, sư cô Diệu Quang không mang đủ tiền, nhưng cũng không dám trả lại số hoa quả đã mua. Sư cô cứ đứng đó tần ngần, sợ hãi, cho đến lúc sư trụ trì đi tìm và hỏi, sư cô Diệu Quang mới dè dặt nói không dám trả lại vì sợ bị mắng. Vì chuyện này mà sư trụ trì hết lòng yêu thương sư cô Diệu Quang, bảo ban sư cô, giúp đỡ sư cô trên bước đường tu hành.

Có cha mẹ là những người có thế lực khắp giới giang hồ miền Nam, nhưng sư cô Diệu Quang lại rất hiền lành, có lòng thương người. Sư cô Diệu Quang thường về nhà thuyết phục Năm Cam giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn để tích đức. 7 người bạn của sư cô có hoàn cảnh khó khăn, không đủ tiền ăn học, cũng nhờ sư cô nói với Năm Cam nên được Năm Cam nuôi ăn học hết mấy năm đại học. Bản thân sư cô Diệu Quang cũng rất thành tâm tu hành để khỏi uổng phí một đời xuất gia, hướng Phật.

Vì những cố gắng đó, sư cô Diệu Quang đã được gửi đi học tại Học viện Phật giáo ở Trung Quốc để lấy bằng Tiến sĩ Phật học. Tuy nhiên, đang học hành dang dở thì nghe tin sóng gió ập đến với gia đình. Là người xuất gia, không được vướng đến bụi trần, nhưng trước biến cố của gia đình, sư cô Diệu Quang đã từ Trung Quốc trở về Việt Nam. Trong khoảng thời gian vợ chồng Năm Cam cùng mấy người con bị bắt, sư cô Diệu Quang là chỗ dựa bình yên nhất cho cả gia đình. Tuy nhiều năm sống đời tu hành, ít khi bộc lộ cảm xúc, nhưng hôm Tòa tuyên án tử hình Năm Cam và tuyên án 20 năm tù với Trúc “mẫu hậu”, sư cô Diệu Quang vẫn bật khóc ngay tại cổng tòa án.

Trong những ngày tháng nằm trong phòng giam tử tù, Năm Cam rất xót xa, ân hận về tội lỗi của mình, nhất là khi nghĩ đến cô con gái đã đi tu. Trước khi bị đưa ra pháp trường, Năm Cam đã viết một bức thư dài gửi cho sư cô Diệu Quang, nói lên những ân hận, tội lỗi giày vò trong lòng mình và dặn dò gia đình, con cháu ở lại phải biết vượt qua nỗi buồn để sống tốt hơn: “Lần nào lên thăm tôi, sư cô cũng khóc rất nhiều, bảo với tôi là phải gắng cải tạo và giữ gìn sức khỏe, hy vọng sớm được trở về, làm chỗ dựa cho con cái, vì chú đã không còn nữa nên gia đình rất bơ vơ. Tôi hỏi thăm sư cô rất nhiều, vì thương sư cô nhất. Tôi bảo với sư cô, rằng sư cô hãy yên tâm, tôi nhất định phải trở về để giúp cả gia đình cân bằng sau những sóng gió đã qua”.

Trúc “mẫu hậu” cũng kể, mỗi lần lên thăm bà, sư cô Diệu Quang căn dặn bà đủ điều: “Cô đừng tiếc gì. Nếu trong trại giam có phạm nhân nào không có đồ ăn, thức uống, thì hãy chia bớt cho họ để tích đức về sau. Thấy phạm nhân nào mình có thể giúp đỡ gì, thì hãy giúp đỡ họ. Hãy cố gắng để làm được một việc tốt mỗi ngày, dù chỉ là việc nhỏ”. Nghe lời sư cô Diệu Quang, Trúc “mẫu hậu” cố gắng làm đúng y như thế. Hàng tháng ở trong trại giam, bà xin phép cán bộ cho ăn chay vào ngày rằm và ngày mùng một, để gột rửa tội lỗi và sai lầm của mình trong quá khứ.

Khi đó, ở trong trại, bà nói với tôi mong ước của mình: “Điều tôi mong muốn nhất là một ngày nào đó, tôi sẽ có cơ hội ra khỏi đây. Việc đầu tiên tôi làm là động viên, khuyến khích con cái yên tâm xây dựng cuộc đời mới, chôn chặt quá khứ phía sau. Sau đó tôi sẽ đi chữa bệnh rồi theo sư cô Diệu Quang lên chùa. Tôi hi vọng mình sẽ có những năm tháng thanh thản cuối đời nơi cửa phật, để cái tâm của mình được gột rửa, để những sóng gió, giông bão đã qua sẽ vĩnh viễn ở lại phía sau”.

Tuy nhiên, mong muốn đó của Trúc “mẫu hậu” đã không thành sự thật. Ngày 16/8, sau một thời gian bệnh tật kéo dài, Trúc “mẫu hậu” đã qua đời tại trại giam Xuân Lộc. Sư cô Diệu Quang – người con gái mà khi còn sống Trúc “mẫu hậu” vô cùng yêu quý đã lên trại giam Xuân Lộc nhận xác bà đưa về chùa Phước An. Theo gia đình Trúc “mẫu hậu” cho biết, sau khi hỏa táng, tro cốt của Trúc “mẫu hậu” sẽ được đưa về thờ tại chùa Phước An. Sư cô Diệu Quang sẽ ngày ngày tụng kinh, cầu cho linh hồn bà được siêu thoát…

(Theo Đang yêu)