“Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học Lịch Sử ở trường phổ thông Việt Nam”:

Hàng loạt GS, TS: 'Đưa chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa vào sách Lịch sử'

24/08/2012 07:56
Trần Trung Hiếu
(GDVN) - Chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là trang sử bi hùng được viết bằng máu xương của nhiều thế hệ. Thế mà có cả một thời gian dài, vấn đề hiển nhiên và trọng đại này lại không có lấy một dòng trong sách Lịch sử cho học sinh phổ thông.
Vấn đề chủ quyền biển đảo cần sớm được quan tâm, đưa vào sách giáo khoa cho học sinh.
Vấn đề chủ quyền biển đảo cần sớm được quan tâm, đưa vào sách giáo khoa cho học sinh.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa  thuộc về  lãnh thổ Việt Nam từ nhiều thế kỷ nay. Hai quần đảo này có tầm quan trọng đặc biệt về mặt chiến lược (nằm trên thuỷ đạo và đường bay quốc tế) cũng như có tiềm năng quan trọng về kinh tế (dầu khí và các sản vật khác). Tìm hiểu vấn đề này không chỉ là do nhu cầu của giới khoa học mà còn đáp ứng nhu cầu thực tiễn đối với các nhà lãnh đạo cho cuộc đấu tranh chính trị và ngoại giao để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Một trong những vấn đề nóng hổi thu hút sự quan tâm và thảo luận của các đại biểu tại “Hội thảo khoa học Quốc gia về dạy học môn lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam” vừa tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua là chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa. GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã khẳng định  trong bài tham luận của mình: “Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là trang sử bi hùng được viết bằng máu xương của lớp các thế hệ người Việt Nam từ thời Vương quốc Chăm Pa cho đến Chúa Nguyễn, Vương triều Nguyễn và tiếp diễn cho đến ngày nay… Thế mà có cả một thời gian dài vấn đề hiển nhiên và trọng đại này lại bị coi là “nhạy cảm” để rồi lịch sử của một đất nước không có lấy một dòng nào về chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Ai là người phải chịu trách nhiệm trước cả tiền nhân và hậu thế về sự lệch lạc này của lịch sử đất nước?”. TS Sử học Nguyễn Nhã là một “chuyên gia” về Hoàng Sa và Trường Sa, có nhiều bài viết và công trình nghiên cứu về 2 quần đảo này, suốt đời nghiên cứu, giới thiệu về chủ quyền của Việt Nam, đã bảo vệ xuất sắc Luận án TS về Hoàng Sa, Trường Sa. Ông cũng đã nhiều lần rơi lệ cùng các bô lão khăn đóng áo dài đứng lặng người trước tấm bản đồ Việt Nam từ thế kỷ XIX có ghi rõ Hoàng Sa và Trường Sa. Về yếu tố lịch sử và pháp lý quốc tế, Hiến pháp và nhiều bộ luật của Việt Nam đều khẳng định chủ quyền về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sách giáo khoa Địa Lý Việt Nam bậc học phổ thông cũng đã đề cập vấn đề chủ quyền của 2 quần đảo này là của Việt Nam. Nhưng SGK môn Lịch sử phổ thông lại không có một dòng nào với tên gọi là “chủ quyền” khi viết về Hoàng Sa và Trường Sa. Trong thời gian gần đây, “vấn đề Biển Đông” lại được đề cập nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông thì những kiến thức về “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” càng trở nên cần thiết đối với thế hệ trẻ nói chung và học sinh phổ thông nói riêng, càng nên khẩn trương được bổ sung vào nội dung chương trình môn Lịch sử. Để khắc phục những thiếu sót trong nội dung SGK Lịch sử phổ thông về vấn đề này, GS- NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam đã cho hay: “Hội KHLS đã có công văn kiến nghị với Ban Tuyên giáo TW và Bộ GD&ĐT phải nhanh chóng đưa nội dung về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào giảng dạy cho học sinh phổ thông. Nếu lớp trẻ lớn lên không hiểu biết hoặc hiểu biết rất lơ mơ về vấn đề này thì rất nguy hiểm... Không trang bị những kiến thức cơ bản ấy là có tội với thế hệ trẻ, có tội với lịch sử”. GS.TS Nguyễn Thị Côi, Đại học Sư phạm Hà Nội đề nghị: “Ngay trong năm học 2012-2013, Bộ GD&ĐT cần soạn thảo và ban hành bộ tài liệu hướng dẫn dạy học về chủ quyền biển đảo”. Theo ý kiến tham luận của TS. Nguyễn Thị Kim Hoa - Sở GD&ĐT Khánh Hoà, đề nghị đưa kiến thức lịch sử liên quan đến 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK như diễn trình đã có. Chẳng hạn, trong phần lịch sử nhà Nguyễn (thế kỷ XVII-XVIII ) phải có những hoạt động khai thác và khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo này; sự kiện dựng bia chủ quyền (1938, 1956); sự kiện tổ chức 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thành các đơn vị hành chính trực thuộc các tỉnh, thành phố (Đà Nẵng, Khánh Hoà); sự kiện nhà nước CH XHCN Việt Nam công bố Hiến pháp 1980, 1992, Luật Biên giới quốc gia 2003… Theo TS. Kim Hoa thì trước mắt khi chưa có chương trình và SGK mới, để khắc phục tình trạng “thừa những cái không cần thiết nhưng lại thiếu một số nội dung cơ bản, tiêu biểu” trong đó có một nội dung quan trọng mang tính thời sự hiện nay là vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà SGK Lịch sử phổ thông không đề cập tới, có 2 giải pháp sau. Thứ nhất là giải pháp trước mắt, Bộ nên kịp thời biên soạn bộ tài liệu và tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán môn Sử những kiến thức và nội dung  cơ bản về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Về tính cấp thiết của vấn đề này, GS. Phan Huy Lê cho rằng: “Không thể chờ đến năm 2015 khi chúng ta đổi mới chương trình SGK thì mới đưa nội dung về chủ quyền trên Biển Đông của nước ta vào giảng dạy mà việc này cần phải làm ngay trong năm học tới”. Thứ hai, về cách thức vận dụng có thể thực hiện dưới 2 hình thức học tập là chính khoá và ngoại khoá. Về chương trình chính khoá (hay ngoại khoá), nên vận dụng phương pháp tích hợp, lồng ghép trong các môn khoa học xã hội có ưu thế  lồng ghép liên môn) như Lịch Sử, Địa Lý, GDCD trong những bài, mục có liên quan đến kiến thức chủ quyền biển đảo. Ví dụ, đối với môn Lịch sử trong SGK lớp 11 phần trình bày tình hình chính trị, chính sánh đối nội liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa của các Chúa Nguyễn, Vương triều Nguyễn; SGK lớp 12 phần giải thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ (1975) và thống nhất đất nước về mặt nhà nước, quá trình xây dựng CNXH sau năm 1975… Về chương trình học tập ngoại khoá, giáo viên có thể phối hợp với Đoàn thanh niên và các môn khác tổ chức cho học sinh thi tìm hiểu về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các trường học có thể giành những quỹ thời gian ít ỏi trong những tiết chào cờ sáng thứ 2 hàng tuần để lồng ghép nội dung vấn đề biển đảo; vận động đoàn viên thanh niên ủng hộ các phong trào “Góp đá cho Trường Sa”… Trong những thập niên gần đây, tình hình thế giới và khu vực có nhiều những biến động khó lường. Sự phát triển kinh tế luôn song hành với vấn đề giữ vững ổn định về chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng. Riêng đối với Việt Nam, trong các  môn khoa học, lịch sử càng giữ vai trò cực kỳ quan trọng gắn liền với sự hưng thịnh, tồn vong của quốc gia, dân tộc. Thế hệ trẻ lớn lên qua nền giáo dục phổ thông mà không yêu mến lịch sử dân tộc, không có vốn hiểu biết cần thiết về độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của lịch sử hàng ngàn năm văn hiến thì làm sao có thể hoàn chỉnh được phẩm chất của người công dân Việt Nam. Chúng tôi thiết nghĩ, thà muộn còn hơn không bao giờ. Một lần nữa, chúng tôi tán thành nhiều ý kiến tham luận trong “Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học Lịch Sử ở trường phổ thông Việt Nam” về việc nhanh chóng đưa kiến thức chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào nội dung chương trình môn Lịch sử các trường phổ thông khi năm học mới đang bắt đầu.
Trần Trung Hiếu