Chuyên gia phân tích sự mập mờ về chất lượng xi măng Hà Tiên đa dụng

25/08/2012 06:34
Duy Châu
(GDVN) - Sau khi theo dõi các thông tin về loại xi măng Hà Tiên đa dụng, nhiều chuyên gia cho rằng, việc ghi các thông tin về chất lượng trên bao bì sản phẩm như vậy thể hiện sự mập mờ, chưa rõ ràng, thậm chí là không đúng.
Ngay sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Mập mờ chất lượng xi măng mang nhãn hiệu Hà Tiên đa dụng", tòa soạn đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Để độc giả có cái nhìn đa chiều, khách quan hơn về loại xi măng này, PV Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với một giảng viên, chuyên gia nghiên cứu về xi măng hiện đang công tác tại Đại học Xây dựng Hà Nội.

Sự mập mờ của nhiều thông tin trên bao xi măng Hà Tiên đa dụng.
Sự mập mờ của nhiều thông tin trên bao xi măng Hà Tiên đa dụng.

Để đảm bảo tính an toàn cho người cung cấp thông tin, chúng tôi xin không nêu tên của vị chuyên gia này trong bài viết. Theo chuyên gia này cho biết, ông chưa nghe đến loại xi măng có tên gọi là đa dụng này.

“Thông thường ở Việt Nam, trên vỏ bao mỗi loại xi măng thì đều có ghi như PC 30, PC30, PCB 30, PCB 40... nhưng với xi măng Hà Tiên đa dụng này thì lại không rõ là loại xi măng này có thuộc dòng xi măng Poóclăng hay không, cường độ bao nhiêu. Điều đó chính là một sự mập mờ ngay ban đầu rồi”, chuyên gia này nói.

Dựa trên các tiêu chuẩn được công bố trên bao bì sản phẩm xi măng Hà Tiên đa dụng, chuyên gia này cho biết:
“Với tiêu chuẩn TCVN 6260:2009 thì đây là xi măng hỗn hợp PCB. Còn với tiêu chuẩn ASTM C1157 là tiêu chuẩn Mỹ áp dụng cho xi măng đa dụng, có nghĩa là khác với xi măng PC và PCB, bởi có thêm một số tính năng đặc biệt”, chuyên gia này nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, thì việc trên bao bì của xi măng Hà Tiên đa dụng cùng lúc ghi cả hai tiêu chuẩn của cả Việt Nam và Mỹ làm cho người dùng hiểu là sản phẩm này cùng lúc thỏa mản yêu cầu kỹ thuật của cả ASTM C1157 và TCVN 6260:2009.

Việc làm này hoàn toàn không có cơ sở vì tiêu chuẩn Mỹ và tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến xi măng không hoàn toàn tương thích về mặt phân loại cũng như các phép thử.
“Theo tiêu chuẩn Mỹ thì không quy định mác cường độ, mà xi măng Poóclăng chủ yếu được phân thành 5 loại dựa theo tính năng sử dụng,  có sự khác nhau trong thành phần khoáng của các loại xi măng Poóclăng và tiêu chuẩn Mỹ chỉ yêu cầu xi măng đạt cường độ tối thiểu chủ yếu ở tuổi 3 ngày và 7 ngày.
Với tiêu chuẩn Việt Nam thì xi măng Poóclăng được phân thành mác cường độ dựa theo cường độ tuổi 28 ngày (tuy nhiên có yêu cầu cường độ tuổi 3 ngày). Phương pháp và dụng cụ thử cường độ xi măng của tiêu chuẩn Việt Nam cũng không giống tiêu chuẩn Mỹ.
Tờ rơi quảng cáo về xi măng Hà Tiên đa dụng (sản phẩm đầu tiên, từ bên tay trái sang)
Tờ rơi quảng cáo về xi măng Hà Tiên đa dụng (sản phẩm đầu tiên, từ bên tay trái sang)

Chuyên gia này phân tích thêm: “Theo tiêu chuẩn của Việt Nam, các loại xi măng Poóclăng, Poóclăng hỗn hợp cũng như các loại xi măng chuyên dụng khác đều phải có mác cường độ 30, 40, 50, hay 60MPa ghi kèm phần chữ chỉ loại xi măng và đi theo cùng nhãn mác là tên tiêu chuẩn mà loại xi măng đó đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định.
Xi măng đa dụng Hà Tiên, nếu hiểu đúng, là một loại xi măng có gốc xi măng Poóclăng được công ty này bổ sung một số tính năng và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật do chính cơ sở sản xuất này đưa ra (còn gọi là tiêu chuẩn cơ sở) chứ không phải là tiêu chuẩn Quốc gia như họ ghi trên bao bì.
Như vậy ở đây, việc ghi các thông tin trên bao bì không phù hợp, mập mờ, thiếu thông tin dễ gây hiểu lầm cho người dùng”.
* Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này tới bạn đọc...

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Duy Châu