Mốt sinh viên kết hôn để thuê nhà trọ ở chung

05/05/2011 13:53
(GDVN) - Nhưng chưa đầy một năm mặn nồng, vợ chồng Mạnh đường ai nấy đi và hẹn nhau ai lập gia đình trước sẽ chủ động ra tòa trước.

(GDVN) - Nhiều chủ trọ kiên quyết không cho những “cặp vợ chồng” sinh viên làm hợp đồng thuê trọ để sống thử. Nhiều sinh viên nghĩ ra cách lách luật để được thuê trọ.

Về quê lấy trộm sổ hộ khẩu để đi đăng ký kết hôn

Đến xóm trọ của Thủy (SV trường Đại học Kinh tế, Kỹ thuật Hà Nội) nhiều người không khỏi ngỡ ngàng với một đôi vợ chồng sinh viên có giấy đăng ký kết hôn từ 3 năm trước.

Hương và bạn trai yêu nhau từ ngày cấp 3, sau khi lên Hà Nội học, mỗi người thuê một nơi, kẻ trong ký túc, người bên ngoài nên có nhiều bất tiện cho việc riêng tư. Người yêu của Thủy nghĩ ra kế hai đứa về nhà lấy sổ hộ khẩu và ra phòng tư pháp xã làm giấy đăng ký kết hôn.

Sau khi có giấy đăng ký kết hôn, cả hai thoải mái sống cùng nhau không sợ người này nhìn ra, người khác nhìn vào. "Bố mẹ hai đứa có biết chuyện nhưng biết chúng em yêu nhau thật lòng và cũng muốn giúp nhau học tập nên họ thông cảm".

Thủy bộc bạch: “Có giấy đăng ký kết hôn, mỗi lần chúng em chuyển chỗ trọ đều thoải mái lắm, chủ trọ không bắt bẻ. Từ ngày về sống với em, anh ấy béo lên được 7kg, ít đi tụ tập bạn bè hơn”.

Sinh viên đăng ký để sống thử và tránh dị nghị của hàng xóm
Sinh viên đăng ký để sống thử và tránh dị nghị của hàng xóm
Khi nói về cái mất thì Thủy giọng trầm xuống: “Em làm bí thư của lớp nên các hoạt động đoàn, hội cũng phải làm nhiều hơn. Anh nhà em hay ghen lắm nên nhiều khi hai đứa toàn cãi nhau về những cái không đâu. Bây giờ có muốn chia tay cũng khó nên cả hai học cách nhường nhịn và chấp nhận nhau. Còn nhiều vấn đề tế nhị của bọn em cũng khó nói lắm”.

Mạnh (học viên trung tâm đào tạo của Trường Đại học Quốc gia TP.HCM, Mỹ Đình, Hà Nội) cùng người tình trăm năm học cùng lớp về quê lấy trộm sổ hộ khẩu của bố mẹ đi đăng ký kết hôn. Bố mẹ Mạnh (quê Thái Bình) kiên quyết không đồng ý cho con trai cưới cô gái hơn mình 5 tuổi. Nhưng khi bút đã sa, bố mẹ Mạnh đành chấp nhận cô con dâu bất đắc dĩ.

Mạnh khoe nhờ có cái giấy đó, bố mẹ cậu đành gật gù đồng ý và Mạnh thoải mái sống cùng người yêu. Mỗi khi chủ trọ thắc mắc lại lấy giấy ra là OK. Nhưng chưa đầy một năm mặn nồng, vợ chồng Mạnh đường ai nấy đi và hẹn nhau ai lập gia đình trước sẽ chủ động ra tòa trước.
Trong làng đại học Quốc gia TP.HCM (Q.Thủ Đức), nơi có gần 30.000 SV học tập và sinh sống, nhiều SV đã quá quen thuộc với các dãy trọ được “quy hoạch” cho các cặp SV sống thử. Đông nhất là các khu trọ nằm phía sau ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, kế đến là các khu ở ngã ba nhỏ đường vào ĐH KHXH&NV, khu gần bến xe buýt…

“Số lượng các cặp nam nữ ở chung đến thuê trọ những năm gần đây tăng nhiều, chủ yếu là SV” - chị Hiền, một chủ trọ khu vực đường D2, Q.Bình Thạnh, cho biết. Ở khu này, nữ SV tên N.Y. (ĐH Văn Hiến) bộc bạch: “Sống thử chính là do tình yêu quá mãnh liệt, mong muốn được gần gũi chăm sóc nhau”. N.Y. cũng cho biết mình và đa số bạn chấp nhận sống với nhau là những người trót “quan hệ” với nhau rồi. “Quan niệm về tình dục ngày càng thoáng hơn và việc tiếp xúc nhiều với phim ảnh, Internet cũng làm bạn nữ bộc lộ ham muốn tình dục rõ hơn”, bạn nói.

Đường ngắn đến ngày ra tòa


Theo ThS tâm lý Đinh Đoàn, Công ty TNHH Tư vấn tâm lý – Đào tạo phát triển Cá nhân và Cộng đồng ( PSYCONSUL CO., LTD) cho biết, trung tâm của ông thường xuyên tiếp nhận nhiều bạn gái được người yêu “gạ” đi đăng ký kết hôn, sống thử, còn đang băn khoăn nên tìm đến nhà tâm lý xin tư vấn.
Trong vụ việc này, cần phân biệt hai đối tượng. Một là những người yêu nhau thực sự, muốn chung sống, đưa nhau đi đăng ký kết hôn để thành vợ chồng. Về  cả lý lẫn tình, họ không có gì đáng trách. Chỉ đáng tiếc một điều còn đang là sinh viên mà không có những ước mơ, khát vọng nào lớn hơn, không nghĩ ra việc gì vui hơn là chung sống vợ chồng.

Nhóm thứ hai, chỉ thích nhau, chưa nghĩ gì đến chuyện tương lai xa xôi, nhưng vì muốn được quan hệ tình dục thoải mái, tiết kiệm tiền thuê trọ, đành nghĩ ra trò đăng ký kết hôn để “lách luật” nhà trọ. Những bạn này tưởng mình “sáng tạo”, nhưng thực ra lại “mua dây trói mình”.
Theo ông Đinh Đoàn, đây vẫn là hình thức sống thử của các bạn trẻ, nhưng đã được “nâng cấp”. Nó còn tai hại hơn cả sống thử, bởi nếu hai bạn nam nữ sống thử, nếu vui vẻ thì tiến lên, không hợp nhau thì tự “anh đường anh, em đường em”. Còn những đôi vợ chồng này nếu muốn chia tay lại phải tiến hành các thủ tục ly hôn, phiền phức, tốn kém cho xã hội để giải quyết hậu quả của họ.

Không chỉ vậy, hệ lụy về mặt tinh thần cũng rất lớn. Nếu chỉ làm vợ, làm chồng một thời gian rồi chia tay, với một hành trang nghèo nàn và tơi tả như vậy, họ không dễ gì có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc thực sự về sau, bởi bị gánh nặng quá khứ đeo bám.
Theo Luật sư Nguyễn Vượng Hải, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Phúc, sinh viên “lách luật” kiểu đó chính là đang rút ngắn đường ra tòa li hôn của mình. Khi còn là sinh viên vì muốn được yêu nên nghĩ nhiều cách. Mặc dù khi ra tòa họ không có tổn hại gì, chưa có con, không có tài sản chung nhưng cái họ mất là tổn thương về tinh thần. Khi đăng ký kết hôn lại ở một số nơi chính quyền quản lý nghiêm trong lý lịch tư pháp sẽ có lý lịch một lần kết hôn.

Ngọc Anh