Xuân Lan nghiêm khắc và chuyện dạy học trò lớp 1

29/08/2012 06:53
Quốc Khánh
(GDVN) - Trong hai tập phát sóng của Vietnam Next Top Model 2012, người xem có cảm giác “sợ” về sự nói nhiều của người mẫu Xuân Lan. Với vai trò hots, Xuân Lan đã thực sự tạo được ấn tượng theo cách riêng của mình.
Hầu hết tập 2 của Vietnam Next Top Model là cảnh “cô giáo” Xuân Lan dạy học trò cách đi trên sàn catwalk. Nhưng cách dạy của siêu mẫu nổi tiếng đanh đá này khiến nhiều người phải suy nghĩ: Liệu đó có phải là cách dạy thực sự hữu ích cho người học?

Sự lúng túng của các thí sinh lần đầu làm quen với sàn catwalk không được Xuân Lan để ý tới. Những vẻ mặt ngơ ngác, những cái nhìn sợ hãi không làm cho vị giám khảo này “nao lòng”. Với giọng nói có phần “đanh thép”, Xuân Lan đã khiến những “học trò” của mình run rẩy theo đúng nghĩa đen của từ này. Những kiểu nhận xét như: “Em là người không thể đào tạo được”; “tôi thất vọng vì em”;…thực sự khiến người nghe sởn da gà.

Khi đứa trẻ lớp 1 học những nét chữ đầu tiên của cuộc đời, nếu chẳng may bị cô giáo nói rằng quá kém, quá xấu… khi ấy, đứa trẻ ấy sẽ cảm thấy vô cùng chán nản, mệt mỏi và sợ học. Ngược lại, khi cô giáo cầm tay nẵn từng nét chữ, động viên kịp thời mỗi khi hoàn thành một chữ - dù chưa được đẹp, đứa trẻ đó sẽ rất vui vẻ và hứng thú để tiếp tục học viết. Và những cô gái trẻ đam mê catwalk nhưng chưa một lần bước chân lên đó, nếu cứ bảo họ “không thể đào tạo được”, liệu họ có còn cảm hứng để bước tiếp?
"Cô giáo" Xuân Lan đang dạy thí sinh cách đi bước chéo chân
"Cô giáo" Xuân Lan đang dạy thí sinh cách đi bước chéo chân
Không chỉ vậy, Xuân Lan còn “đuổi” thí sinh ra ngoài một cách thẳng thắn, không cần biết lý do. Nhiều thí sinh đã bật khóc khi bị “cô giáo” của mình đuổi ra ngoài mà không biết mình đang làm sai điều gì. Xuân Lan còn dùng cây thước, chỉ qua chỉ lại vào thí sinh. “Cô giáo” còn bắt thí sinh kẹp thước vào giữa đùi để bước đi cho “chuẩn”; đặt chiếc đĩa lên đầu một thí sinh để bắt thí sinh này phải giữa thăng bằng.
Vẻ mặt hốt hoảng của các cô gái khi người bạn của mĩnh lỡ làm rơi chiếc đĩa đủ cho khán giả thấy sự sợ hãi của họ và cái uy của “cô giáo” Xuân Lan lớn đến mức nào. Khi gặp phải một số phản ứng, nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường - thành viên Ban giám khảo cho rằng: “Vì thời của em chưa nghiêm khắc nên không thể bước ra sàn diễn quốc tế được".

Lời đáp trả của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường khiến nhiều người nhớ đến những vụ bạo lực học đường, những vụ thầy giáo tra tấn học sinh ở Thái Nguyên, vụ cô giáo mạt sát học sinh được đưa lên mạng cách đây không lâu. Tất cả những vụ bạo lực đó, khi được hỏi, tất cả những người thực hiện hành động bạo lực đó đều nói “Vì học sinh – yêu cho roi cho vọt”.

Với vẻ mệt mỏi và sợ hãi của các cô gái trẻ này, liệu họ có tiếp thu bài học một cách tốt nhất?
Với vẻ mệt mỏi và sợ hãi của các cô gái trẻ này, liệu họ có tiếp thu bài học một cách tốt nhất?

Tất nhiên, việc “cô giáo” Xuân Lan “dạy dỗ” thí sinh Viet Nam Nextop Model một cách nghiêm túc là điều đáng được hoan nghênh. Nhưng nghiêm túc, nghiêm khắc hoàn toàn khác với sự khắc nghiệt, thiếu tình cảm, thiếu sự “tâm lý” cần thiết đối với các cô gái trẻ đang khát khao nghề người mẫu.

Ở đây, tạm không bàn đến chuyện đúng sai về mặt kiến thức mà “cô giáo” Xuân Lan truyền dạy cho học trò mà chỉ muốn nhắc đến cách “cô giáo” thực hiện để truyền dạy những kiến thức đó. Nghiêm khắc đến cứng nhắc, lạnh lùng chưa bao giờ là một phương pháp dạy học được hoan nghênh.
Quốc Khánh