APEC: Cánh cửa hướng ra Châu Á - Thái Bình Dương của Nga

04/09/2012 05:55
Bảo Thành (Nguồn: East Asia Forum)
(GDVN) - Tại hội nghị APEC lần này Nga sẽ thúc đẩy chiến lược xây dựng không gian kinh tế chung nơi các thành viên APEC có thể vươn tới tận Châu Âu.

Có thể bạn quan tâm

> Tìm hiểu đất nước Ireland, cơ hội nhận quà cực lớn

> Cả xã hội quan tâm: Tình hình biển Đông 

> Mục mới: Nóng trên mạng

Hội nghị thường niên các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đang diễn ra ở Vladivostok được các nhà phân tích và các công ty Nga coi là một cơ hội hiếm có để Nga thể hiện tầm nhìn Thái Bình Dương của mình, nhưng thực sự Nga muốn thể hiện điều gì qua chương trình nghị sự hội nghị thượng đỉnh APEC?
Thành phố Vladivostok của Nga, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC 2012
Thành phố Vladivostok của Nga, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC 2012

Nhiều năm qua, Nga thường giữ im lặng trước các vấn đề của APEC, thế nhưng hồi đầu năm 2012 Nga đã liên tiếp đưa ra hàng chục đề xuất xoay quanh bốn ưu tiên chủ yếu: Hội nhập kinh tế khu vực, an ninh lương thực, các chuỗi vận chuyển và cung cấp và các sáng kiến phát triển. Chỉ có một số đề xuất được chấp nhận qua các cuộc thảo luận và và có thể được hiện thực hóa trong năm 2012.

Một thành tựu quan trọng mà ít người biết đến là việc Nga thực hiện thỏa thuận Thẻ Doanh nhân APEC, theo đó chủ thẻ là thành viên APEC sẽ được miễn thị thực khi nhập cảnh vào Nga.
 
Các đại biểu tham dự Hội nghị APEC 2012
Các đại biểu tham dự Hội nghị APEC 2012
 
Lý do căn bản đằng sau động thái chủ trì hội nghị thượng đỉnh APEC của Nga chính là tham vọng hồi sinh nền kinh tế của vùng Viễn Đông thưa thớt dân cư và lạc hậu về công nghiệp. Nga đã mạnh tay đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Vladivostok với tổng số tiền rót vào đây khoảng 22 tỉ USD trong giai đoạn 2008-2012 nhằm thuyết phục người dân rằng chính phủ rất nghiêm túc với vấn đề phát triển khu vực Thái Bình Dương của Nga.

Vùng Viễn Đông còn được quan tâm hơn nữa sau khi Tổng thống Putin nhậm chức vào tháng 5/2012. Sắc lệnh của Tổng thống ngày 7/5 tuy không đề cập đến APEC nhưng lại nhấn mạnh vào sự cần thiết phải hội nhập sâu rộng hơn nữa vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Nga nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đông Siberi và Viễn Đông. Kết quả là Nga đã thành lập Bộ Phát triển Viễn Đông với Bộ trưởng là ông Victor Ishaev, người đồng thời giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Nga về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương.

Tổng thống Nga Putin tới thăm Vladivostok
Tổng thống Nga Putin tới thăm Vladivostok

Bên cạnh việc phát triển Vladivostok thành trọng điểm kinh tế vùng Viễn Đông, Nga còn đưa ra sáng kiến hội nhập có tên gọi Liên minh Hải quan với Belarus và Kazakhtan với tham vọng phát triển thành Liên minh Kinh tế Á - Âu. Dường như tại hội nghị APEC lần này Nga sẽ thúc đẩy chiến lược này với việc giới thiệu Liên minh Hải quan là khối cốt lõi tiến tới xây dựng không gian kinh tế chung nơi các thành viên APEC có thể vươn tới tận châu Âu.

Trong một bài viết hồi tháng 1/2012, ông Medvedev nói rằng Nga và Liên minh Hải quan đã sẵn sàng thương thảo Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với các thành viên APEC nhằm “dọn đường cho một hình thức hội nhập APEC mới và mở rộng thị trường châu Á – Thái Bình Dương tới toàn lục địa Á - Âu.”

Bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC lần này, liên minh Hải quan Nga - Kazakhstan - Belarus có thể ký kết FTA với New Zealand sau quá trình đàm phán từ đầu năm 2011, và việc thông báo khởi động các vòng đám phán tự do thương mại giữa liên minh này với Việt Nam. Hiệp định tự do thương mại với New Zealand sẽ là hiệp định FTA đầu tiên của Nga với một quốc gia Thái Bình Dương.

Liên minh Hải quan không phải là phương tiện duy nhất để Nga thực hiện "tham vọng Liên minh Kinh tế Á - Âu" của mình. Một đề xuất khác của Nga kêu gọi các thành viên APEC xem xét việc đa dạng hóa các chuỗi cung cấp và khuyến khích tiềm năng phát triển của tuyến hàng hải phía bắc và tuyến xe lửa xuyên Siberi. 

Lãnh đạo 3 nước tham gia Liên minh Hải Quan
Lãnh đạo 3 nước tham gia Liên minh Hải Quan

Trong một nỗ lực nhằm hiện thực hóa đề xuất này, Trung tâm Kinh doanh Quốc gia APEC Nga thông qua Pricewaterhouse Coopers đánh giá rằng khoản đầu tư 20 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng cho các hành lang vận tải Đông – Tây ở Nga có thể giúp các nền kinh tế châu Á Thái Bình Dương tiết kiệm được khoảng 600 tỉ USD đến năm 2020 nhờ việc đưa hàng hóa nhanh hơn với chi phí thấp hơn tới thị trường châu Âu. Hiện nay chỉ có 1,5% số hàng hóa thông thương giữa châu Á và châu Âu đi qua Nga.

Nga vẫn còn một quãng đường dài phía trước để thực hiện được những ý tưởng đầy tham vọng này. Trong khi đó, Tổng thống Putin đang rất muốn mở cánh cửa hướng về phương Đông ở Vladivostok giống như Peter Đại đế đã từng mở cánh cửa sang phương Tây bằng cách lập ra St Petersburg. Trong hội nghị APEC lần này, các đoàn đại biểu sẽ có thể chứng kiến “diện mạo Nga ở châu Á – Thái Bình Dương và cơ sở để phát triển sự liên kết, hợp tác và hội nhập giữa Nga và khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Bảo Thành (Nguồn: East Asia Forum)