Đài Loan sẽ mời thầu khai thác dầu khí trái phép ở Trường Sa?

05/09/2012 09:01
Bảo Thành (Nguồn: CNA)
(GDVN) - Công ty khai thác dầu khí CPC của Đài Loan có thể khai thác dầu và khí đốt trên đảo Ba Bình và nếu cần thiết thì công ty nhà nước này có thể hợp tác với các công ty nước ngoài khác

Có thể bạn quan tâm

> Tìm hiểu đất nước Ireland, cơ hội nhận quà cực lớn

> Cả xã hội quan tâm: Tình hình biển Đông 

> Mục mới: Nóng trên mạng

Thông tấn xã Đài Loan ngày 5/9 đưa tin, hôm qua 04/9, một nhóm Nghị sĩ Đài Loan do Lâm Úc Phương cầm đầu đã đổ bộ, thị sát trái phép đảo Ba Bình, bãi Bàn Than (thuộc chủ quyền Việt Nam do Đài Loan dùng vũ lực chiếm đóng - PV) và đã trở về Đài Loan trong ngày tiến hành họp báo tuyên truyền cái gọi là "chủ quyền" của Đài Loan trên Biển Đông - Trường Sa.

Nghị sĩ Đài Loan Lâm Úc Phương
Nghị sĩ Đài Loan Lâm Úc Phương

Trả lời báo chí, Lâm Úc Phương cho hay những khẩu cối 120 mm mà Bộ Quốc phòng Đài Loan tăng cường ra Ba Bình hồi tháng 8 vừa qua có tầm bắn 6.100 m, đủ sức phong tỏa vùng nước xung quanh hòn đảo. Những khẩu cối này cũng có thể bắn trùm lên bãi Bàn Than nằm cách đảo Ba Bình 5.580 m.

Lâm Úc Phương tuyên bố,  công ty khai thác dầu khí CPC của Đài Loan có thể khai thác dầu và khí đốt trên đảo Ba Bình và nếu cần thiết thì công ty nhà nước này có thể hợp tác với các công ty nước ngoài khác.

Theo các nghị sĩ Đài Loan đổ bộ trái phép tới đảo Ba Bình vừa qua, công ty dầu khí này của Đài Loan đã từng khoan thăm dò một giếng dầu trên đảo Ba Bình vào năm 1971.

Trước đó, Lâm Úc Phương cùng một nhóm 3 nghị sĩ Đài Loan đã kéo ra đảo Ba Bình để “thị sát” cuộc diễn tập bắn đạn thật do lực lượng của Cục Cảnh sát biển Đài Loan tiến hành trái phép trên đảo Ba Bình bất chấp sự phản đối của Việt Nam, đồng thời kiểm tra việc lắp đặt các loại vũ khí mới tại đây.

Trong cuộc diễn tập này Đài Loan đã sử dụng cả súng máy và cối 81 mm có tầm bắn 3.400 m. Tuy nhiên, những vũ khí mới được trang bị là cối 120 mm và pháo cao xạ 40 mm đã không được sử dụng trong cuộc diễn tập này.

Lâm Úc Phương "thị sát" diễn tập quân sự trên đảo Ba Bình của Việt Nam
Lâm Úc Phương "thị sát" diễn tập quân sự trên đảo Ba Bình của Việt Nam

Lần đầu tiên Đài Loan công khai thông tin về diễn tập quân sự trên đảo Ba Bình với giới truyền thông kể từ khi lực lượng thủy quân lục chiến của Đài Loan chiếm đóng trái phép trên hòn đảo này từ năm 1956. Sau đó vào năm 2000, Đài Loan đã thay thủy quân lục chiến bằng cảnh sát biển để giảm bớt căng thẳng trong khu vực.

Cuộc diễn tập bắn đạn thật phi pháp này đã bị Việt Nam cực lực phản đối, đồng thời gây quan ngại cho Philippines khi nước này kêu gọi không tiến hành các hoạt động gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Trong lúc nhiều người Đài Loan kêu gọi nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu tới thăm Ba Bình, Lâm Úc Phương cho rằng ông Mã không cần thiết phải đến đó để tuyên bố cái gọi là “chủ quyền” của Đài Loan vì theo ông ta, "Ba Bình đã là một phần lãnh thổ của Đài Loan" rồi - một tuyên bố hết sức kệch cỡm, phi pháp và vô hiệu. Ông nghị này nói rằng điều cần thiết bây giờ là phải "tăng cường sự quản lý của Đài Loan đối với hòn đảo này".

Lâm Úc Phương cũng cho rằng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông do ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đề xuất nhằm kiểm soát tranh chấp lãnh thổ trong khu vực sẽ không đạt được mục đích nếu không có sự hiện diện của Đài Loan trong các cuộc đàm phán.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. 

Trong quá trình học tập, công tác, giao lưu quý độc giả nào phát hiện các tài liệu (bản đồ, sách giáo khoa, thư tịch, phim ảnh, quảng cáo...) của Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông có dấu hiệu chứng minh 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không phải của Trung Quốc, xin vui lòng cung cấp thông tin cho chúng tôi theo địa chỉ quocte@giaoduc.net.vn. Chân thành cảm ơn độc giả!

 
Bảo Thành (Nguồn: CNA)