Cơn ác mộng "mùa tựu trường"

05/09/2012 15:51
Trẻ em thường háo hức chờ đến ngày tựu trường để được cắp sách đi học, khám phá thế giới mới. Nhưng với một số trẻ ngày đầu đi học có thể là “cơn ác mộng”.

Nhập học lớp 1 chỉ hai ngày, bé Bi (6 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM), cháu ngoại của bà L.T.M., đã lăn ra ốm, nôn ói liên tục, sốt cao và đau bụng. Bé Bi được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Không phải bé làm nũng

Sau khi thăm khám, xét nghiệm, siêu âm bác sĩ không tìm ra được nguyên nhân bé Bi bệnh gì. Khi hỏi kỹ mới hay bé Bi vừa nhập học. Từ nhỏ bé Bi luôn quấn quýt quanh bà ngoại, ít khi rời bà nửa bước nên bé rất sợ đến lớp. Ngày đầu tiên đi học, bé Bi ôm chân bà ngoại không cho về, khóc lóc thảm thiết khiến cả sân trường náo loạn. Cô giáo phải dỗ dành mãi Bi mới chịu vào lớp.

Ngày thứ hai đi học Bi vẫn khóc và mãi mới chịu đi học. Tối về đến nhà thì bé bắt đầu có những biểu hiện bất thường như trên. Những trường hợp như bé Bi, theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang - giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM, là bị mắc chứng rối loạn tâm lý lo âu ở trẻ nhỏ. Chứng này thường hay gặp ở những trẻ nhỏ bắt đầu đi học.

Ảnh minh họa - Giàng A Cối
Ảnh minh họa - Giàng A Cối

Đi kèm rối loạn lo âu là chứng trầm cảm, rối loạn tăng động, giảm chú ý, rối loạn học tập. Trẻ bị rối loạn lo âu thường biểu hiện lo lắng quá mức, không tập trung, nhất quyết không chịu đi học, khóc nhiều, hay giận dữ, từ chối tham gia chơi với bạn... Thậm chí có bé còn bị đau bụng, nôn ói, đau đầu, sốt... phải nhập viện. Có bé nếu không được điều trị kịp thời thì chứng rối loạn lo âu kéo dài rất lâu.

Trong khi đó, con gái của chị H.T.M.T. (Q.3, TP.HCM) đã học lớp 4 nhưng vẫn có biểu hiện cáu gắt, ói mửa, đau đầu mỗi khi đến kỳ thi. Trước khi đi học lớp 1, con gái chị T. đã học ba năm ở trường mẫu giáo. Việc xa cha mẹ không phải là vấn đề khiến cô bé lo sợ, nhưng từ lúc vào lớp 1 vợ chồng chị T. đã lên kế hoạch học thêm, mời gia sư dạy kèm, đăng ký trung tâm Anh ngữ tốt nhất cho con. Chị còn đề ra mục tiêu cho con gái là năm học lớp 1 phải đạt học sinh giỏi. Thế nhưng đáp lại con gái chị thường đòi nghỉ học và không chịu nói chuyện với bất kỳ gia sư nào đến dạy kèm.

Chùm ảnh: Những em bé không may mắn hồn nhiên trong ngày khai trường

Chùm ảnh: Những em bé không may mắn hồn nhiên trong ngày khai trường

Bức tâm thư xúc động của PGS Văn Như Cương gửi học trò

Bức tâm thư xúc động của PGS Văn Như Cương gửi học trò

Lên lớp 2 con gái chị bắt đầu có biểu hiện cáu gắt, buồn nôn, kêu đau đầu mỗi khi kỳ thi đến. Chị T. nghĩ con gái lười nên giả vờ bệnh để trốn tránh việc học bài. Nhưng theo bác sĩ Quang, con gái chị T. đang có biểu hiện của chứng rối loạn lo âu. Những kỳ vọng quá lớn của bố mẹ sẽ dẫn đến tình trạng lo âu kéo dài như con gái chị T., ảnh hưởng đến tinh thần và kết quả học tập.

Kiên trì chữa trị

Theo bác sĩ Ngọc Quang, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ở trẻ là do bố mẹ tạo áp lực cho con cái. Nhiều cha mẹ lúc nào cũng muốn con cái mình phải học giỏi, đạt được điểm cao. Mong muốn này không những không kích thích được trẻ học tập tốt hơn mà còn khiến trẻ luôn bị áp lực, rơi vào lo âu, căng thẳng, lâu ngày học hành càng sa sút. Với những trẻ trước tuổi đi học có biểu hiện như đái dầm, mê ngủ, mộng du, tật cắn móng tay cũng hay xuất hiện chứng rối loạn lo âu khi đến tuổi đi học.

Phải làm sao nếu trẻ bị rối loạn lo âu? Bác sĩ Quang tư vấn người thân của trẻ phải coi đó là một chứng rối loạn tâm lý, cần khám và điều trị sớm chứ không nên chủ quan nghĩ trẻ chỉ làm nũng, nhõng nhẽo, theo thời gian sẽ hết. Cha mẹ cần đưa con đến bác sĩ tâm thần và chuyên viên tâm lý. Bên cạnh đó cha mẹ cũng cần kiên trì tham gia cùng với bác sĩ quá trình điều trị cho trẻ vượt qua giai đoạn khủng hoảng của những ngày đầu tiên đi học.

Muốn khơi gợi niềm yêu thích đến trường cho trẻ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Lan Hương - giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM - khuyến cáo các bậc cha mẹ cần quan tâm, tạo ra các tình huống thật gần gũi với trẻ. Ví dụ thấy trẻ ngại đi học mẹ có thể đọc truyện cho bé nghe, sau đó nói rằng: “Sau này mẹ không thể đọc truyện cho con nghe mãi được. Con cần biết chữ để có thể đọc nhiều truyện hay hơn”. Như vậy sẽ kích thích được trẻ yêu thích học chữ. Cha mẹ cũng có thể cho các bé xem những đoạn phim về lớp học trên tivi hoặc kể về thời gian ngày xưa mình đi học vui như thế nào để tạo sự hào hứng cho con trẻ trước khi bước chân đến trường học. 

Lo sợ bị bỏ rơi

Bác sĩ Ngọc Quang cho biết thêm khi trẻ chuyển tiếp từ mẫu giáo lên lớp 1 thường có tâm lý lo sợ bị bỏ rơi khi cha mẹ hoặc người thân không có ở bên cạnh. Tâm lý này đa số sẽ mất dần khi trẻ tìm được sự hòa đồng và hứng thú với môi trường mới. Nhưng ở một số trẻ, sự sợ hãi này trở nên trầm trọng và biến thành chứng rối loạn lo âu.

Trước khi trẻ bắt đầu đi học, cha mẹ nên thực hiện các biện pháp như: xây dựng thói quen tự phục vụ cho trẻ; tổ chức nhiều trò chơi và quan sát nếu thấy con cáu gắt thì hướng dẫn trẻ cách xử lý từng trường hợp; khuyến khích, động viên trẻ tham gia hoạt động xã hội; khen ngợi những điểm tích cực của trẻ; thể hiện và bày tỏ sự tôn trọng, yêu thương ngay cả khi trẻ gặp thất bại...